Tờ Russia & India Report đưa tin cho hay, Hải quân Ấn Độ đang tìm cách phát triển một mẫu tàu sân bay hạt nhân nội địa dựa trên sự giúp đỡ từ các nhà thầu quân sự đến từ khắp thế giới như Nga, Pháp, Anh và Mỹ. Nhưng trong giai đoạn hiện tại, Nga là ứng cử viên sáng giá nhất của Ấn Độ khi các quốc gia Phương Tây thường khá cẩn trọng trong việc chuyển giao công nghệ phát triển tàu sân bay hạt nhân.
Dự án phát triển tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới của Ấn Độ được đặt tên là Vishal, nó được Cựu Tư lệnh Hải quân Ấn Độ Đô đốc Nirmal Kumar Verma khởi động từ năm 2010. Theo đó New Delhi đang tìm kiếm một mẫu tàu sân bay mới đủ lớn để có thể triển khai các máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm trên không và máy bay tiếp vận chiến thuật.
|
Hải quân Ấn Độ đang cần một nhóm tàu sân bay đủ mạnh để vô hiệu hóa chiến lược chuỗi ngọc trai của Trung Quốc.
|
Cũng theo Hải quân Ấn Độ, Vishal cũng sẽ là tàu sân bay thứ hai thuộc lớp Vikrant (một lớp tàu sân bay nội địa do Ấn Độ phát triển). Tuy nhiên với yêu cầu của dự án Vishal thì cơ bản đây sẽ là một mẫu tàu sân bay hoàn toàn mới với thiết kế khác biệt hoàn toàn so với Vikrant. Theo đó tàu Vishal sẽ được trang bị động cơ đẩy chạy bằng năng lượng hạt nhân và có lượng giãn nước lên tới 65.000 tấn.
Một con tàu như vậy rõ ràng không cần thiết cho một cuộc đối đầu quân sự kéo dài dai dẳng giữa Hải quân Ấn Độ và Pakistan. Sự xuất hiện của tàu sân bay hạt nhân trong biên chế của Hải quân Ấn Độ cùng một nhóm tàu sân bay mới rõ ràng là một thông điệp dành cho Trung Quốc, đối tác chiến lược về mặt chính trị lẫn quân sự của Islamabad.
Kể từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng cái gọi là “chiến lược chuỗi ngọc trai” với việc triển khai một loạt các căn cứ quân sự kéo dài Biển Đông đến tận Ấn Độ Dương với mục tiêu khóa chặt một phần Đông Nam Á và Ấn Độ. Bước đi đầu tiên của Bắc Kinh thuê lại cảng nước sâu Gwadar của Pakistan cũng như cải tạo lại cảng biển chiến lược này vào năm 2013.
Với hàng loạt yêu cầu dành cho Vishal chắc chắn Ấn Độ không đủ khả năng xây dựng tàu sân bay này một mình, tất nhiên New Delhi cần tới những nhà thầu quốc phòng từ bên ngoài. Nhưng có một thực tế rằng rất có ít công ty quốc phòng trên thế giới có đủ khả năng giúp Ấn Độ xây dựng một tàu sân bay hạt nhân đó là chưa kể tới yếu tố chính trị.
|
Washington chắc chắn sẽ không từ bỏ các nguyên tắc hạt nhân của mình cho bất cứ dự án quân sự nào với New Delhi kể cả việc nó được sử dụng để ngăn chặn Trung Quốc.
|
Có một điều quan trọng là người Mỹ chắc chắn khó có khả năng tham gia vào dự án Vishal của Ấn Độ, khi tất cả những gì Washington có thể thực sự làm được trong trường hợp này là cố gắng khuyên Ấn Độ từ bỏ kế hoạch sử động động cơ hạt nhân cho tàu sân bay. Sau đó sẽ là bán cho Ấn Độ một mẫu động cơ tuabin hơi nước cải tiến tương tự như trên các tàu sân bay lớp Kitty Hawk.
Ấn Độ có khá nhiều sự lựa chọn khác nhau cho dự án Vishal của mình, nhất là khi không phải lúc nào ngân sách quốc phòng của Ấn Độ cũng đủ lớn cho một tàu sân bay hạt nhân. Một vấn đề nữa là các công ty quốc phòng của Mỹ chắc chắn sẽ từ chối một dự án quốc phòng chung có sự tham gia của các công ty quốc phòng Nga, do đó việc Ấn Độ triển khai phi đội tiêm kích trên hạm MiG-29K trên một tàu sân bay do Mỹ thiết kế là điều không thể.
Pháp cũng là một trong những ứng cử viên tiềm năng cho dự án tàu sân bay hạt nhân của Ấn Độ khi nước này đang vận hành tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle. Và thiết kế tàu sân bay của Pháp đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của dự án Vishal, sau khi sửa đổi một chút về mặt thiết kế nó sẽ có lượng giãn nước khoảng 62.000 tấn và có thể chở theo hơn 40 máy bay các loại.
Ứng cử viên cuối cùng của Hải quân Ấn Độ cho dự án tàu sân bay hạt nhân đầu tiên là người Nga với Cục thiết kế hàng hải Neva, đây cũng là nơi giúp Ấn Độ sửa đổi lại tàu sân bay INS Vikramaditya mua lại từ Nga.
|
Dù lựa chọn thiết kế nào đi nữa thì Ấn Độ cũng sẽ phải nhờ Nga hổ trợ phát triển tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của mình.
|
Xét ở một mức độ nào đó, việc Ấn Độ tiếp tục sử dụng thiết kế tàu sân bay của Nga nhiều khả năng sẽ xảy ra, khi Hải quân Ấn Độ đã quá quen thuộc với việc sử dụng các mẫu tàu chiến do Liên Xô và Nga sau này phát triển. Bên cạnh đó chắc chắn sẽ không có một nhà thầu duy nhất nào trong dự án 'Vishal' mà còn có sự tham gia của nhiều nhà thầu phụ khác của Ấn Độ điều này vốn xuất hiện trong hàng loạt hợp đồng quốc phòng lớn của New Delhi.
Một phần lợi thế trong việc thu hẹp phạm vi lựa chọn của Hải quân Ấn Độ sẽ giúp nước này bớt nỗi lo về các máy bay chiến đấu đang có trong biên chế không thích hợp với tàu sân bay kiểu mới. Khi Hải quân Ấn Độ đang có kế hoạch mua thêm những chiếc MiG-29K để trang bị trên tàu sân bay nội địa Vikrant sau khi nó đi vào hoạt động bên cạnh đó còn có cả mẫu tiêm kích trên hạm Rafale M của người Pháp.
Tổng hợp tất cả các đánh giá trên ta có thể rút ra được kết luận rằng, người Mỹ nhiều khả năng sẽ về chót trong cuộc đua tàu sân bay hạt nhân tại Ấn Độ trong khi đó Nga, Pháp và Anh sẽ bắt tay nhau vào trận chung kết. Nhưng vẫn còn một vấn đề nữa là việc Anh và Pháp chắc chắn sẽ không có đủ khả năng cung cấp cho Ấn Độ một động cơ đẩy hạt nhân đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu của dự án 'Vishal', và Nga được xem là lựa chọn cuối cùng.
|
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp là hình mẫu mà Hải quân Ấn Độ đang muốn hướng tới.
|
Và cuối cùng dưới đây là 4 lựa chọn cho dự án tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ:
- Đề suất thứ nhất là sử dụng thiết kế tàu sân bay của Pháp nhưng với động cơ hạt nhân của Nga, vận hành bởi công nghệ tàu sân bay của Nga và các máy bay chiến đấu do Nga sản xuất.
- Đề xuất thứ hai là sử dụng thiết kế tàu sân bay của Pháp nhưng với động cơ hạt nhân của Nga, vận hành bởi công nghệ tàu sân bay của Pháp cùng phi đội máy bay chiến đấu hỗn hợp Nga-Pháp.
- Đề xuất thứ ba là sử dụng thiết kế tàu sân bay và động cơ hạt nhân của Nga nhưng lại vận hành bởi công nghệ tàu sân bay của Pháp cùng các máy bay chiến đấu do Pháp chế tạo.
- Đề xuất cuối cùng là sử dụng thiết kế tàu sân bay và động cơ hạt nhân của Nga, vận hành bởi công nghệ tàu sân bay hỗn hợp Nga-Pháp cùng phi đội tiêm kích hạm hỗn hợp.
Trà Khánh