Kể từ khi xuất hiện vào năm 1962, tổ hợp pháo phòng không ZSU-23-4 Shilka đã trở thành hỏa khí lợi hại của Hồng quân Liên Xô chống lại Không quân Mỹ và NATO. Dù ra đời đã lâu, nhưng cho đến nay đây vẫn là một vũ khí phòng không cơ động hiệu quả trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Kiến thức xin được giới thiệu với bạn đọc một tài liệu huấn luyện - chỉ huy được ấn hành tháng 1/1976, đã được Bộ Quốc phòng Mỹ giải mật, thể hiện góc nhìn đương thời của giới quân sự Mỹ về loại vũ khí này, sau hơn một thập niên nghiên cứu kĩ lưỡng:
Kì 1: ZSU-23-4 Shilka trong sự phát triển của hỏa lực phòng không
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tầm bắn, độ chính xác và khả năng sát thương của hỏa khí phòng không đã tăng lên đáng kể. Trong khi vũ khí phòng không của thời kì 1945 là súng và pháo, một số loại được điều khiển bằng radar, nhưng bị giới hạn tầm bắn ở khoảng 10km. 30 năm sau, hệ thống phòng không ở khu vực tiền duyên trận địa cấp sư đoàn cũng được trang bị các pháo và tên lửa có khả năng bảo vệ một phạm vi vùng trời lên đến 40km, cả về phía trước và phía sau vị trí trận địa phòng không (không gian vùng trời được kiểm soát tăng lên đến 36 lần). Hơn thế nữa, những vũ khí phòng không này có khả năng cơ động cao, có thể bám theo các đơn vị đang hành tiến, tạo “ô phòng không” che chở liên tục cho các đơn vị này.
|
Tổ hợp pháo phòng không tầm thấp tự hành ZSU-23-4 Shilka. |
Việc bổ sung các vũ khí phòng không cho các đơn vị cơ động là một xu thế của chiến tranh hiện đại. Nếu như thời kì 1945, một sư đoàn thường có 64 súng - pháo phòng không với tầm ngắn và độ chính xác không cao. Đến giữa thập niên 1970, số lượng vũ khí trên mỗi đầu sư đoàn đã tăng lên đến 113, cùng với đó là độ chính xác và tầm bắn cũng tăng lên. Các sư đoàn Liên Xô thậm chí còn được trang bị nhiều hơn.
|
Biểu đồ số lượng vũ khí phòng không trên đầu sư đoàn của Mỹ và Liên Xô (1945-1975). |
Có thể thấy sự gia tăng rõ rệt của hỏa lực phòng không qua ví dụ là cuộc chiến ở Trung Đông năm 1973. Chỉ riêng lực lượng Ả Rập đã triển khai đến 150 phân đội pháo phòng không - nhiều hơn tất cả số pháo đang trực chiến và thuộc biên chế dự trữ của Quân đội Mỹ. Việc được trang bị số lượng lớn các vũ khí phòng không Xô viết cho phép người Arab tạo lập một “ô bảo vệ” rộng lớn cho lực lượng mặt đất của mình. Chiếc ô này đã che chở đội hình quân đoàn 2 và 3 của Ai Cập vượt kênh đào Suez và phát triển mạnh theo kế hoạch tiến công.
|
"Ô phòng không" bảo vệ đội hình vượt kênh Suez của quân đội Ai Cập năm 1973. |
Dĩ nhiên, chiếc ô hỏa lực phòng không dày đặc chết người này đã ngăn chặn rất hiệu quả sự yểm trợ mặt đất của không lực Isarel, đặc biệt là vào giai đoạn đầu cuộc chiến.
Trên thực tế, 90% các phi vụ không kích của Isarel bay sâu hơn 5km vào trong lưới lửa phòng không đối phương. Điều đó có nghĩa là không nhiều hơn 10% số phi vụ không khích đã không thực hiện được việc yểm trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất. Kết quả trận chiến cũng cho thấy hệ thống phòng không mặt đất là một bài toán khó giải hơn rất nhiều so với lực lượng không quân Ai Cập.
Thống kê thiệt hại của không quân Isarel cho thấy: 73% thiệt hại là do hỏa lực phòng không mặt đất gây ra (trong đó các tổ hợp tên lửa phòng không chiếm 41%, pháo phòng không chiếm 26%, 6% thiệt hại còn lại chưa xác định được cụ thể), thiệt hại do không chiến chỉ chiếm 3%, còn thiệt hại do các nguyên nhân kĩ thuật và nguyên nhân khác chiếm 24%.
|
Thống kê thiệt hại của không quân Isarel năm trong chiến tranh Yom Kippur 1973. |
Tổng kết lại: Sự gia tăng về số lượng và khả năng sát thương của hệ thống phòng không Xô viết là bài học lớn nhất rút ra từ cuộc chiến Trung Đông 1973.
“Một lực lượng phòng không với những trang bị hiện đại có khả năng đảm bảo cho đội hình tiến công tự do cơ động và triển khai chiến đấu, đẩy lùi các cuộc không kích của đối phương và tạo các điều kiện cần thiết cho thắng lợi của trận đánh".
(A.A.Sidorenko, Moskva 1970)
Đánh giá trên cho thấy tư tưởng tấn công tiêu biểu của khoa học quân sự Xô viết, và cũng thể hiện quyết tâm xây dựng hệ thống phòng không hiệu quả, đảm bảo quyền tự do cơ động trên chiến trường. Lực lượng phòng không Liên Xô được trang bị rất nhiều hệ thống tên lửa và pháo phòng không. Chúng không chỉ có tầm bắn xa, mà còn rất linh hoạt, và được triển khai cùng các đơn vị cơ động để bảo vệ liên tục cho đội hình tiến công. Một hệ thống phòng không điển hình của Liên Xô sẽ bao gồm nhiều loại hỏa khí phòng không, với vùng hỏa lực chồng lấn nhau.
|
Thế trận phòng không điển hình của một tập đoàn quân Liên Xô (gồm 3-4 sư đoàn, trên chính diện 50km chiều rộng, 100km chiều sâu):
- 18 tổ hợp tên lửa phòng không SA-2 (S-75)
- 27 tổ hợp tên lửa phòng không SA-4 (2K11 Krug)
- 15 tổ hợp tên lửa phòng không SA-6 (2K12 Kub)
- 100 pháo phòng không S-60 cỡ nòng 57mm
- 36 pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 cỡ nòng 57mm
- 242 pháo phòng không ZU-23 cỡ nòng 23mm
- 300 tổ hợp tên lửa vác vai SA-7 (9K32 Strela-2)
|
Căn cứ trên đánh giá về hệ thống phòng không phức tạp của Liên Xô, cũng như sự thể hiện của các vũ khí trong cuộc chiến tranh tháng 10/1973, có thể thừa nhận một nguyên tắc cho chiến tranh đường không, và cũng là cho chiến tranh nói chung:
|
Cái gì có thể bị nhìn thấy thì có thể bị bắn trúng!
Cái gì có thể bị bắn trúng thì có thể bị tiêu diệt! |
Trong khi radar phòng không có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách vượt quá tầm nhìn mắt người, thì trong tầm nhìn mắt người, hầu hết các loại súng và pháo phòng không đều có hỏa lực chết người. Một trong những vũ khí phòng không tiền duyên mà rất có thể các lực lượng hàng không của quân đội Mỹ sẽ chạm trán là tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4. Tài liệu này được biên soạn nhằm mô tả cơ chế hoạt động và hiệu quả của loại vũ khí này, quan trọng hơn là chỉ ra một số gợi ý chiến thuật cho các đơn vị hàng không quân sự Mỹ.
Dữ liệu trong tài liệu này là từ Cục Tình báo Quốc phòng, với những báo cáo khác nhau về chiến tranh Trung Đông 1973. Hoạt động thử nghiệm được tiến hành bởi CDEC và MASSTER, và từ Hệ thống hoạt động phân tích dữ liệu của quân đội Mỹ. Dữ liệu về hiệu quả tác chiến được trình bày trong các bảng xếp hạng có nguồn gốc từ các thử nghiệm thực tế hoặc mô phỏng máy tính được tiến hành bởi USCALDA, dựa trên những dữ liệu được chấp nhận. Trường Hàng không quân sự Mỹ và Trường Phòng không Quân sự Mỹ cũng có những đóng góp nhất cho việc biên soạn tài liệu này.
"Hỏa thần" ZSU-23-4
|
Vùng hỏa lực sát thương của tổ hợp ZSU-23-4 Shilka. |
Tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 bao gồm bốn nòng pháo tự động 23mm và radar điều khiển hỏa lực được gắn trên thân xe thiết giáp bánh xích hạng nhẹ. Các nòng pháo được lắp song song thành hai cặp. Nòng pháo nhô ra khỏi tháp pháo qua một mặt cắt, cho phép điều chỉnh cao độ nòng pháo. Việc xoay tháp pháo và nâng hạ nòng pháo đều được thực hiện bằng điện, và có thể điều khiển bằng tay trong trường hợp khẩn cấp. Các nòng pháo được làm mát bằng chất lỏng và vỏ đạn tiêu thụ được đẩy ra ngoài tháp pháo bằng máng. Pháo có thể được điều khiển hỏa lực bằng radar trên xe hoặc bằng kính ngắm quang học.
Các thông số kĩ chiến thuật chính:
- Khối lượng: 13-15 tấn
- Chiều dài: 6,4m
- Chiều rộng: 2,7m
- Chiều cao: 2,3m
- Bọc giáp: Từ 13-25mm
- Tốc độ tối đa: 40km/h
- Cự li hành trình: 240km
- Kíp lái: 4 người
- Dự trữ đạn dược: 2.000 viên (thông thường cứ ba viên đạn cháy nổ mảnh sẽ lắp kèm một viên đạn xuyên cháy)
- Cao độ nòng pháo: -10 đến +85 độ
- Góc quay tháp pháo: 360 độ
- Tốc độ bắn lí thuyết: 800-1.000 phát/phút/nòng
- Tốc độ bắn chiến đấu: 350-500 phát/phút/nòng
- Tầm bắn tối đa (theo phương thẳng đứng): 5.100m
- Tầm bắn tối đa (theo phương nằm ngang): 7.000m
- Tầm bắn phòng không tối đa, bằng kính ngắm quang học: 2.500m
- Sơ tốc đầu đạn: 930m/s
Vũ khí tương ứng của quân đội Mĩ: Tổ hợp pháo phòng không tự hành Vulcan XM-163 cỡ nòng 20mm
Cần đặc biệt lưu ý rằng:
- ZSU-23-4 có thể dẫn bắn cả bằng radar hay bằng quang học
- ZSU-23-4 sử dụng khung gầm thiết giáp bánh xích hạng nhẹ, nên có thể bám theo đội hình xe tăng
ZSU-23-4 Shilka lần đầu xuất hiện trước công chúng tháng 11/1965, và sau đó sớm được đưa vào biên chế của quân đội tất cả các nước trong khối Hiệp ước Warsaw. Tổ hợp đã tham chiến ở Trung Đông và tỏ ra là một hỏa khí phòng không hiệu quả nhất được sử dụng. Cho đến thời điểm 1975, sau 10 năm xuất hiện đây vẫn là một vũ khí phòng không mạnh nhất trong biên chế khối Hiệp ước Warsaw.
Thanh Hoa