Những trận đánh độc đáo của bộ đội Tăng - Thiết giáp VN (2)

Google News

(Kiến Thức) - Trong trận đánh tháng 3/1971, một chiếc PT-76 đã đánh bại cả tiểu đoàn địch và bắt sống Bộ chỉ huy Lữ đoàn dù 3 quân Ngụy.

Kỳ 2: Một xe tăng đánh bại cả tiểu đoàn Ngụy

Tháng 3/1971, lần đầu tiên quân ta bắt sống 1 đại tá quân địch trên chiến trường. Tuy nhiên, ít người biết trong chiến công này, quân ta chỉ với 1 chiếc xe tăng đã làm nên lịch sử.

Cứ điểm 31

Mùa khô 1970-1971, quân Ngụy tiến hành một bước phiêu lưu quân sự. Lúc này, quân Mỹ đã và đang rút dần ra, thay vào đó, người Mỹ bơm tiền và phương tiện chiến tranh nhằm xây dựng quân Ngụy mạnh lên, đủ sức đương đầu với quân Giải phóng. 

Để kiểm nghiệm kết quả của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, giới chức Mỹ - Ngụy chủ trương mở một chiến dịch tấn công quân giải phóng. Chúng lựa chọn khu vực tiến công là vùng hạ Lào, nơi biết chắc chắn đó là những căn cứ hậu cần lớn của đoàn 559. 

Tháng 2/1971, quân Ngụy huy động 3 sư đoàn cùng nhiều lữ đoàn, trung đoàn cùng hỏa lực pháo binh và không quân Mỹ yểm trợ, mở cuộc tấn công nhằm vào trung tâm hậu cần của quân giải phóng Việt Nam tại Xê-Pôn.
Quân Ngụy ở Khe Sanh đang chờ trực thăng bốc đi trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, ngày 8/2/1971.


Để thực hiện kế hoạch, Mỹ - Ngụy hô hào Bắc tiến và ồ ạt chuyển quân ra Đông Hà (Quảng Trị) để nghi binh. Ngày 8/2, các đơn vị thiết giáp, lính dù của quân Ngụy bắt đầu tiến về Bản Đông (trên đất Lào), mở đầu cuộc hành quân “Lam Sơn 719”. 

Theo kế hoạch của Mỹ - Ngụy, ngày 8/2 chúng sử dụng chiến đoàn đặc nhiệm xuất phát từ Tà Bạt, tiến quân dọc theo đường Đường 9 về phía Tây hỗ trợ cho 1 tiểu đoàn nhảy dù chiếm mục tiêu A-lưới (Bản Đông) và thiết lập căn cứ hoả lực tại đây. 

Đồng thời, Lữ đoàn dù 3 được trực thăng đổ xuống chiếm các khu vực cao điểm 30-31 (Điểm cao 450-543) phía Bắc đường 9 và thiết lập các căn cứ hoả lực để hỗ trợ mặt Bắc cho cánh quân cơ giới.

Hồi ký “Chiến trường mới” của Thượng tướng Nguyễn Hữu An cũng xác nhận: “Bảo vệ cánh bắc của địch gồm Lữ đoàn dù 3 và Liên đoàn Biệt động quân 1. Chúng đã được cơ động bằng trực thăng đổ quân chiếm các điểm cao và thiết lập các căn cứ hỏa lực như sau: Tiểu đoàn Biệt động quân 39 chiếm điểm cao 500; Tiểu đoàn Biệt động quân 21 chiếm điểm cao 316 bắc Làng Sen; Tiểu đoàn dù 2 chiếm điểm cao 665 lập căn cứ hỏa lực 30; Tiểu đoàn dù 3 và Lữ đoàn dù 3 chiếm các điểm cao 543, 456 lập căn cứ hỏa lực 31 ở điểm cao 543”.

Xe tăng xung kích

Sau những ngày đầu hành quân thuận lợi, quân Ngụy bắt đầu bị chặn đánh dữ dội. Từ ngày 16/2, quân ta bắt đầu tấn công các cứ điểm bảo vệ hai bên sườn của cuộc hành quân. Ở cao điểm 543, Trung đoàn 64 được phối thuộc thêm Đại đội 9 (Tiểu đoàn xe tăng 198) cũng nhận lệnh tấn công diệt cứ điểm. 

Phát hiện hướng đông nam của cứ điểm 543, địa hình đồi chỉ dốc thoai thoải, có thể đưa xe tăng lên được, ta quyết định cho xe tăng đột kích từ hướng này. Tuy nhiên, ở hướng này cây cối rậm rạp. 

Vậy làm sao mở đường cho xe tăng vào tấn công mà địch không phát hiện. Sau nhiều lần bàn bạc, quân ta sáng kiến cưa ngang các cây chắn đường nhưng chỉ cưa gần đổ, đến trước giờ nổ súng mới cho đổ xuống để giữ bí mật. 
Xe tăng PT-76 số hiệu 555 đã lập nên kỳ tích "đơn thương độc mã diệt gọn tiểu đoàn địch" trong trận đánh cao điểm 543.

11h30 phút ngày 25/2/1971, Đại đội 9 được lệnh xuất kích, xe tăng PT-76 (số hiệu 555) cùng dẫn đầu đội hình Trung đội 1 rú ga tăng tốc độ húc đổ những cây to đã cưa sẵn tiến lên điểm cao 543. 

Thấy xe tăng của ta xuất hiện, địch tập trung hoả lực pháo binh, máy bay đánh vào đội hình tiến công của bộ binh và xe tăng ta. Một chùm bom rơi gần xe 555 làm ống nước bị hỏng, lái xe đoàn nhanh chóng dùng ống cao su thay thế và tiếp tục cho xe tiến thẳng lên phía trước. Trưởng xe Duyên sử dụng pháo 76 mm bắn vào các hoả điểm và tiêu diệt quân địch đang bỏ chạy từ mỏm 4 về sân bay trực thăng.

“Đơn thương độc mã” bắt sống chỉ huy Ngụy

Đội hình xe tăng tiến công lên cao điểm 543 gồm 3 chiếc thì 1 chiếc bị bắn cháy, chiếc khác đã bị hỏng, chỉ còn chiếc xe mang số 555 tiến lên. Lúc này bộ binh cũng chưa lên kịp. 

Ông Nguyễn Đình Thoảng, pháo thủ của xe 550 kể: “Cuộc chiến đấu chỉ còn lại duy nhất một chiếc xe của chúng tôi. Thấy xe tăng của ta, bọn địch ở các hầm cơ động, thông hào bắn ra như mưa. Nhiều tên sợ quá, ném lựu đạn quên rút chốt. Xe tăng của tôi tiến lên được đỉnh đồi và cứ thế quần nhau với cả tiểu đoàn dù địch… Khi đồng chí trưởng xe bị thương, đồng chí Cối (pháo thủ) giúp lái xe, còn tôi vào vị trí trưởng xe kiêm pháo thủ.
 
Tôi dùng pháo 76mm, đại liên 12,7mm bắn vào các ổ đề kháng của địch. Trong xe tầm bắn hạn chế, tôi bò ra lưng xe hạ nòng 12,7mm bắn thẳng vào các cửa hầm của địch. Một mình tôi đã bắn như thế từ hơn 9h sáng cho đến 4h chiều, bắn hết 2 hòm đạn 12,7mm, bắn hết tất cả cơ số đạn trong xe tăng dành cho 3 trận đánh công kiên. Trong xe chỉ còn lại 2 quả đạn vạch sáng cực nhanh - một loại đạn rất có giá trị khi bắn phải được lệnh. Bắn đến mức tai như ù, đầu muốn vỡ, mắt nổ đom đóm. 
Đại tá Thọ (thứ 2 từ phải sang) trình diện các nhà báo sau khi bị bắt.

Đến khoảng 4h chiều, lữ đoàn dù địch phần thì bị tiêu diệt, phần thì bị thương, phần thì bỏ chạy tán loạn. Cuối trận đánh phát hiện còn một hầm cố thủ của địch, chúng tôi cho xe lên mặt hầm quần thảo, bắn đạn khói, ném lựu đạn cay buộc địch phải ra hàng. Từ trong xe thấy lúc nhúc địch, đồng chí Cối lệnh cho tôi ra khỏi xe bắt sống tù binh. Tôi cắp khẩu AK nhảy xuống đất. Nhìn trước mặt là mấy chục tên địch có tên còn cầm vũ khí. Đồng chí Cối đứng trên xe dùng AK khống chế địch và ném dây cho tôi.

Chúng tôi không ngờ đây chính là hầm chỉ huy, tôi một tay để vào cò súng, dùng nòng súng khoành dây trói liên tiếp quanh người tổng số 47 tên. Tận bây giờ tôi không hiểu sao mình lại nghĩ ra được cách trói địch có một không hai như vậy! Một xâu tù binh dài tới hai ba chục mét. Vừa trói tôi vừa nhớ đến những dây cua đồng bán ở chợ quê tôi, người nông dân cũng trói cua tương tự thế này. 47 tù binh tôi bắt sống hôm đó gồm toàn bộ Bộ Tham mưu Lữ đoàn dù, trong đó có tên Đại tá Thọ - Lữ đoàn trưởng”.

Trận tấn công lên cao điểm 543 của bộ đội xe tăng hiệp đồng với bộ binh có thể nói là trận đánh dũng mãnh của xe tăng ta. Chỉ một chiếc xe tăng đã quần thảo khắp trận địa của một tiểu đoàn dù địch và bắt sống toàn bộ ban tham mưu và lữ đoàn trưởng của địch. Điều đáng lưu ý, chiếc xe mang số 555 này cũng chính là chiếc xe đánh tham gia đánh thắng trong trận Làng Vây 3 năm trước.

ĐANG ĐỌC NHIỀU: 
TIN LIÊN QUAN: 
Vũ Đức