Những trận đánh độc đáo của bộ đội Tăng - Thiết giáp VN (4)

Google News

(Kiến Thức) - Trong trận đánh căn cứ Sa-Mát, bộ đội ta đã sử dụng 4 xe tăng - bọc thép chiến lợi phẩm để đánh địch.

Kỳ 4: Lấy xe tăng địch đánh địch

Năm 1972, lần đầu tiên xe tăng ta xuất hiện ở Đông Nam Bộ trong chiến dịch Nguyễn Huệ. Điều đặc biệt là trong trận này, bên cạnh những xe tăng T-54 mới từ miền Bắc vào, ta còn có một đội xe tăng – xe bọc thép chiến lợi phẩm với vũ khí chắp vá nhưng vẫn đánh thắng.

Những lính tăng không có xe

Từ năm 1964 để xây dựng lực lượng thiết giáp Quân giải phóng miền Nam, Trung đoàn xe tăng 202 đã cử nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam (gọi tắt là B2). Các đoàn cán bộ, chiến sĩ Tăng-Thiết giáp đã tham gia nhiều trận chiến đấu ngoài mục đích diệt địch còn nhằm mục đích đoạt xe địch để xây dựng đơn vị thiết giáp.

Quân ta đã đánh một số trận tập kích và cướp được 1 xe tăng hạng nhẹ M-41 của địch nhưng chưa có thời cơ dùng xe chiến đấu nên cán bộ và chiến sĩ xe tăng phải chuyển sang nhiệm vụ khác chờ thời cơ.
Chiến sĩ Đội 33 và số xe tăng - xe bọc thép chiến lợi phẩm.


6 năm sau,cán bộ, chiến sĩ thiết giáp ở B2 được tập trung lại để chuẩn bị tiếp nhận xe từ miền Bắc đưa vào, nhưng xe chưa vào nên chuyển sang làm nhiệm vụ thu xe cơ giới địch . Ngày 25/5/1971, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Đội 33, quân số ban đầu 9 người với nhiệm vụ lấy xe địch đánh địch. 

Đến tháng 7/1971, Đội 33 được bổ sung thêm tân binh, biên chế thành 2 trung đội với quân số 64 người. Đội 33 vừa lấy xe vừa tự mò mẫm học cách sử dụng và sửa chữa vì trước đó không ai được học kỹ thuật cơ giới địch, tài liệu cũng không có. 

Đại tá Võ Ngọc Hải, nguyên Chính uỷ Bộ đội Tăng - Thiết giáp  B2 trong cuốn “Theo vết xích xe tăng” viết: “Quá trình lấy xe và sử dụng xe thật gian khổ.  Sau khi lấy xe địch chạy bỏ lại ở đường 6 (Chenlahai), ở Đầm Be (Oát thơ mây), Đội 33 có 6 xe nhưng gồm 5 kiểu khác nhau. 

Anh em phải tốn công sức mò mẫm nghiên cứu huấn luyện sử dụng từng loại. Ở Snoul (Đông Bắc Campuchia), năm 1971 quân Ngụy Sài Gòn bị đánh tơi tả, bỏ lại chiến trường nhiều xe tăng, thiết giáp. Chiến sĩ Đội 33 lần theo vết xích đi tìm, qua 2 ngày đêm tìm được 2 xe bọc thép chở quân M-113.  

Kiểm tra xe và khởi động thì một chiếc nổ được máy, nhưng không chạy được vì hỏng hộp số, một chiếc khi khởi động thì cứ chạy lùi... Có lần lấy được xe hỏng phanh nhưng phải đưa qua phà. Phát huy sáng kiến khi xuống dốc cho xe khác kéo lại và giảm tốc độ để xe chậm lại xuống phà”.

Gậy ông đập lưng ông

Rồi ngày chờ đợi của chiến sĩ Đội 33 cũng đến, đầu năm 1972, lần đầu tiên quân ta đưa xe tăng vào tác chiến ở Đông nam bộ. Bên cạnh đơn vị xe tăng T-54 mới từ miền Bắc vào, lực lượng ta còn có Đội 33 với những xe chiến lợi phẩm thu được của địch. Đội 33 được giao nhiệm vụ hiệp đồng với Sư đoàn Bộ binh 5 đánh vào hướng thứ yếu ở căn cứ Sa-Mát, giáp biên giới Campuchia.

Đội 33 sử dụng vào trận này 4 chiếc xe thì mỗi chiếc một kiểu loại và hỏng hóc nhiều chỗ. Chiếc xe tăng M-41 của Mỹ thì pháo 76mm không có kính ngắm. Chiếc xe tăng M-24 thì pháo không có kim hỏa, nên chỉ sử dụng được súng đại liên 12,7mm gắn trên nóc xe. 

Chiếc M-51 pháo cũng không có khóa nòng, nên chỉ sử dụng được súng 7,62mm. Còn chiếc xe bọc thép bánh lốp AM-8 thì hỏng lốp. Hệ thống liên lạc của cả 4 xe đều đã bị phá hỏng. Thêm vào đó, chiếc M-24 cứ chạy được khoảng hơn 30 phút là máy nóng, nằm ì, phải dừng xe chờ cho máy nguội mới đi được.

Để khắc phục các hạn chế, chiến sĩ Đội 33 quy ước với nhau, chiếc M-41 sẽ đi đầu, chiếc này lao vào thì 3 chiếc kia cùng vào. Trong điều khiển xe thì vỗ vào lưng là tiến, vỗ vai trái là sang trái, vai phải là sang phải và vỗ vào đỉnh đầu là đứng lại.
Một chiếc xe tăng hạng nhẹ M-41 bộ đội ta thu được của địch.


Cuộc hành quân đến điểm tập kết để tham gia chiến đấu mới lại càng gian khổ. Những chiếc xe “cà tàng” này phải đi 100km từ căn cứ Tà Pao xuống Ka Rết. Từ Ka Rết “bò” dần về Phun Chi Mon, cách Sa Mát 3km. Đại đội 33 vừa đi vừa phải “lôi” nhau, vì chiếc xe M-24 chạy được một đoạn lại giở chứng nằm ì. Chiếc xe bọc thép bánh lốp AM-8 chạy được nửa đường thì lốp hỏng hoàn toàn, gục nghiêng xuống bờ ruộng. Đại đội cho người ngụy trang và canh giữ xe, 3 chiếc còn lại vẫn tiếp tục lên đường.

Ngày 1/4/1972, ta nổ súng đánh căn cứ Sa Mát, cả 3 chiếc xe của Đội 33 đồng loạt lao vào cứ điểm. Chiếc xe M-41 vì không có kính ngắm nên đã tiến vào cách cứ điểm vài chục mét rồi ngắm bắn qua nòng. Hai chiếc xe M-24 và M-51 không bắn được pháo thì dùng đại liên gắn trên nóc xe bắn đồng thời gầm rú uy hiếp địch. 

Qua điện đài kỹ thuật ở sở chỉ huy, ta bắt được tin địch trong đồn Sa-Mát hoảng hốt báo về chi khu Thiện Ngôn: “Có xe tăng Việt Cộng, xin chỉ thị thượng cấp”. Chỉ huy chi khu Thiện Ngôn ra lệnh: “Có xe tăng Việt cộng thì được thực hiện phương án 2, còn không phải vậy thì mai mời ông ra Tòa án binh”.

Có xe tăng hiệp đồng chặt chẽ, chẳng bao lâu, quân ta đã tiêu diệt căn cứ Sa-Mát. Một số địch sống sót chạy về chi khu Thiện Ngôn hoang mang: “Quân giải phóng đã có xe tăng, mà lại là xe của Mỹ và Pháp”.

Sau trận đánh chiếc M-24 và M-51 bị hỏng quá nặng không sửa được, quân ta đã phá hủy trước khi rút khỏi trận địa. Toàn Đội 33 rút về căn cứ an toàn và được thưởng huân chương chiến công Giải phóng hạng 3 vì thành tích chiến đấu.

Tăng-Thiết giáp trong địa hình Việt Nam

Tăng-Thiết giáp có thể nói là “phiên bản hiện đại” của tượng binh và chiến xa thời cổ. Nghĩ đến xe tăng, nhiều người vẫn giữ ấn tượng về những trận đấu tăng hoành tráng với hàng trăm chiếc xe tăng quần nhau trên thảo nguyên mênh mông như trong phim Liên Xô. 

Tuy nhiên, ở một địa hình phức tạp với rừng núi chiếm phần lớn và nhiều sông suối chia cắt như Việt Nam, nhiều điểm về chiến thuật xe tăng không thích hợp. Điều đó lý giải vì sao chiến thuật thiết xa vận với đội hình đồ sộ hàng chục chiếc xe tăng M-41, M-48, và thiết giáp M-113 của Mỹ lại dễ dàng bị đánh bại bởi lực lượng bộ binh chỉ với súng chống tăng B40, B41. 
Đội hình xe tăng T-54 trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật năm 2012.


9 năm sau ngày thành lập, Binh chủng Tăng-Thiết giáp Việt Nam mới tham chiến và chúng ta đã linh hoạt sáng tạo trong chiến thuật sử dụng xe tăng. Nét lớn trong chiến thuật đó là sử dụng đội hình nhỏ đánh áp sát, cận chiến. Đưa xe tăng vào gần địch nhất có thể để giảm thời gian cơ động và gây bất ngờ lớn cho địch. Những trận đánh của xe tăng ở Làng Vây, Đắc Tô – Tân Cảnh… đều minh chứng rõ nét cho điều này. 

Một điểm nữa là trong so sánh tổng lực và so sánh từng trận, ta luôn ít tăng hơn địch. Song không vì thế mà xe tăng ta yếu thế. Với quyết tâm chiến đấu và sự linh hoạt trong xử lý, một chiếc xe tăng của ta có thể cày nát trận địa của 1 tiểu đoàn dù như trận bắt sống Nguyễn Văn Thọ năm 1971 hay chọi lại 10 xe tăng M-41 như trận Đắc Tô 2.

Trong cuốn “Tác chiến của thiết giáp ở Việt Nam”, tướng xe tăng Đôn Sta-ry (Mỹ) đã viết: “Quân đội nhân dân Việt Nam không đưa vào trận số lượng lớn xe tăng, mà sử dụng tăng – thiết giáp tiết kiệm nhưng hợp lý, để giảm thương vong cho bộ binh. Thực tế chiến trường cho thấy các xe tăng dẫn đầu đội hình đóng vai trò mũi nhọn đột phá, vừa bắn vừa thọc sâu, nhưng phải được yểm trợ bởi hỏa lực của cả đội hình xe tăng và của pháo binh. Hiệp đồng chặt chẽ giữa tăng và bộ binh là chìa khoá dẫn đến thắng lợi”.

ĐANG ĐỌC NHIỀU: 
TIN LIÊN QUAN:
Vũ Đức