Jane’s Defence dẫn lời Tham mưu trưởng Không quân Pakistan Tahir Rafique Butt, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển của Không quân Pakistan.
Ngày 22/5 trong chuyến thăm Pakistan của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, 6 tiêm kích JF-17 Thunder (do 2 nước cùng chế tạo) đã được điều động để hộ tống chiếc Boeing 747 của Air China chở Thủ tướng Trung Quốc và phái đoàn cấp cao khi nó đi vào không phận Pakistan. Đây là dấu hiệu cho thấy sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ quốc phòng 2 quốc gia này.
Tướng Tahir Rafique Butt tuyên bố, Trung Quốc vẫn là người bạn rất quan trọng của Pakistan. Sự hợp tác giữa Không quân Pakistan và Trung Quốc vẫn rất mật thiết. Trong tương lai, Không quân Pakistan sẽ đưa vào sử dụng 200-250 máy bay chiến đấu JF-17 do 2 nước chế tạo.
|
Pakistan sẽ mua thêm 200-250 tiêm kích JF-17.
|
Ông Tahir Rafique Butt cho rằng, JF-17 là máy bay chiến đấu có mức công nghệ trung bình đến cao, mà giá cả lại vừa phải.
“Nó có khả năng mang được nhiều loại vũ khí, là máy bay chiến đấu đa năng thực sự. JF-17 sớm hay muộn cũng sẽ trở thành trụ cột của Không quân Pakistan.” ông Tahir Rafique Butt nói.
Năm 2013, tiêm kích JF-17 của Không quân Pakistan sẽ được trang bị khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Điều này có thể giúp Pakistan sử dụng tốt lợi thế của 4 máy bay tiếp dầu trên không IL-78 mua từ Ukraine.
“Chúng tôi rất hài lòng với việc thử nghiệm thành công trên mặt đất. Đến cuối mùa hè năm 2013 sẽ hoàn thành dự án trang bị khả năng tiếp dầu trên không cho JF-17,” ông Tahir Rafique Butt nói. Ông còn cho rằng, khả năng tiếp dầu trên không sẽ cho phép máy bay chiến đấu JF-17 có chỗ đứng trong thị trường khách hàng tiềm năng.
“JF-17 là máy bay chiến đấu đa năng công nghệ cao nhưng lại có giá thành rẻ, nó đã thu hút nhiều khách hàng quốc tế tiềm năng. Hiện nay, máy bay này nhận được sự quan tâm từ không quân nhiều nước”, ông nói.
Mặc dù từ chối chỉ rõ là những nước nào quan tâm tới JF-17, nhưng ông này cho biết là liên hợp sản xuất máy bay JF-17 giữa Pakistan và Trung Quốc cam kết sẽ tập trung chào hàng tới những nước đang phát triển không có khả năng mua máy bay chiến đấu của Mỹ hoặc châu Âu.
|
Liệu Pakistan sẽ "nài nỉ" Trung Quốc bán J-20 hay J-31.
|
Trước đó, Không quân Pakistan từng thông báo, ngoài tiêm kích JF-17 nước này còn có kế hoạch mua tiêm kích J-10 của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Tahir Rafique Butt cho rằng, Không quân Pakistan cũng sẽ xem xét thêm “lựa chọn khác từ Trung Quốc trong tương lai”, nhưng không xác định một mô hình cụ thể.
Nhiều nhà phân tích quốc phòng Pakistan cho rằng, không quân nước này không chỉ mua máy bay chiến đấu J-10 như là một bổ sung cho máy bay chiến đấu JF-17, mà còn cam kết mua một loại máy bay trong hàng loại dự án tiêm kích tàng hình mà Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển.
Ngoài ra, Không quân Pakistan hy vọng trong số 4 máy bay cảnh báo ZDK-3 mua của Trung Quốc, sẽ có một chiếc được bàn giao cho Không quân Pakistan trong năm nay. “Cho đến nay, khả năng của loại máy bay cảnh báo này đều phát huy tốt trên biển, vùng đồng bằng và miền núi” ông Tahir Rafique Butt nói.
Theo nhận định của Jane’s Defence, mặc dù tình hình kinh tế của Pakistan vẫn gặp khó khăn, dù mối quan hệ với Trung Quốc ngày càng mật thiết, nhưng Không quân Pakistan vẫn tiếp tục sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo.
“Không quân Pakistan từ lâu luôn sử dụng F-16 để thực hiện nhiệm vụ, nhân viên mặt đất cũng như phi cộng đều đã có những kinh nghiệm trong việc nắm chắc hệ thống vũ khí của F-16. Để đáp ứng nhu cầu trong tương lai của Không quân Pakistan, việc mua thêm F-16 vẫn có thể xảy ra,” tướng Tahir Rafique Butt nói.
Bằng Hữu