Pháo binh Việt Nam 1975 mạnh cỡ nào?

Google News

(Kiến Thức) - Lực lượng pháo binh Việt Nam trong các chiến dịch mùa xuân 1975 vượt trội hơn địch cả về chất lượng và số lượng.

Từ những khẩu sơn pháo 75mm chắp vá trong những ngày đầu thành lập, pháo binh Việt Nam đã phát triển vượt bậc với sức mạnh áp đảo đối phương trong những ngày cuối kháng chiến chống Mỹ góp phần quan trọng vào đại thắng mùa xuân 1975.

Lực lượng phát triển vượt bậc


Nếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, lực lượng pháo binh của ta chỉ có một trung đoàn với hơn 20 khẩu lựu pháo 105mm, thì vào mùa xuân 1975, pháo binh của ta đã phát triển gấp mấy chục lần cả về số lượng lẫn chất lượng.

Theo Lịch sử pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam (1945-1975), tính đến tháng 2/1975, lực lượng pháo binh có tổng cộng 34 trung đoàn, lữ đoàn và 17 tiểu đoàn pháo binh chủ lực. Bên cạnh đó, ta có 21 tiểu đoàn, 98 đại đội, 15 trung đội và 52 khẩu đội pháo binh địa phương.
Tới các chiến dịch mùa xuân 1975, bộ đội pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt. Ảnh minh họa

Các quân khu, mặt trận ở miền Nam đều được xây dựng từ 1-2 trung đoàn pháo xe kéo. Đối với bộ đội chủ lực, 19 trên tổng số 22 sư đoàn đã có trung đoàn pháo trong biên chế. Riêng ở miền Nam, 14 trên 15 sư đoàn có trung đoàn pháo binh trực thuộc.

Về trang bị, bên cạnh loại lựu pháo 105mm phổ biến, quân ta đã có những loại pháo có tầm bắn xa hơn, uy lực hơn như pháo nòng dài D-74 122mm (tầm bắn 24km) và M-46 130 mm (tầm bắn 27km).

Ngoài các loại pháo lớn trên, ta còn có các loại pháo phản lực như A12, ĐKB, H6, H12 mà một thời đã trở thành nỗi ám ảnh quân viễn chinh Mỹ.

Ở các đơn vị cấp chiến thuật, pháo cối 60mm, 82mm, 120mm với khả năng cơ động cộng với lối đánh gần của pháo binh Việt Nam cũng tỏ ra uy lực không kém.

Lực lượng áp đảo địch

Sau nhiều năm chiến đấu trong thế yếu hơn về hỏa lực, mùa xuân 1975, lần đầu tiên quân ta ở thế mạnh hơn địch. Theo thống kê từ tài liệu Lịch sử Nghệ thuật Sử dụng Pháo binh Chiến dịch (1945-1975), trong 3 chiến dịch lớn năm 1975, lực lượng pháo binh của ta đều mạnh hơn địch cả về số lượng lẫn chất lượng.

Cụ thể, chiến dịch Tây Nguyên ta có 478 khẩu pháo các loại (gồm 94 khẩu pháo xe kéo, 55 pháo phản lực và 349 khẩu pháo mang vác), còn địch chỉ có 230 pháo xe kéo.

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, pháo binh tham gia chiến dịch với 742 khẩu (170 khẩu pháo xe kéo, 57 khẩu pháo phản lực và 515 khẩu pháo mang vác) so với địch chỉ có hơn 300 khẩu pháo.

Chiến dịch huy động pháo binh lớn nhất của quân đội ta là chiến dịch Hồ Chí Minh. Theo Lịch sử pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam: “ ngày 21/4 tư lệnh pháo binh chiến dịch trình lên bộ tư lệnh chiến dịch kế hoạch sử dụng hỏa lực pháo binh. Theo đó, ta đã huy động vào chiến dịch này 20 trung đoàn, lữ đoàn cùng 8 tiểu đoàn độc lập, tổng cộng 789 khẩu pháo. Trong đó có 421 khẩu pháo xe kéo, 32 pháo phản lực và 336 pháo mang vác”. Về phía địch, lực lượng phòng thủ Sài Gòn chỉ còn quân đoàn 3 và một số tàn quân của quân đoàn 1, 2 chạy về với 406 khẩu pháo.
Trận địa pháo M-46 130mm pháo kích Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn ngày 28/4/1975.

Để yểm hộ cho lực lượng bộ binh tấn công Sài Gòn theo 5 hướng, pháo binh chiến dịch Hồ Chí Minh cũng tổ chức các cụm pháo để chi viện đắc lực cho các cánh quân gồm: hướng Tây Bắc có 74 khẩu pháo xe kéo cùng 5 pháo phản lực ĐKB và 155 pháo mang vác chi viện cho Quân đoàn 3; hướng Bắc và Đông Bắc có 81 pháo xe kéo và 94 pháo mang vác chi viện cho Quân đoàn 1; hướng Đông, Đông Nam có 155 pháo xe kéo và 10 pháo phản lực chi viện cho Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 và hướng Tây, Tây Nam chi viện cho đoàn 232 có 54 pháo xe kéo và 12 pháo phản lực.

Ngoài ra, bộ chỉ huy chiến dịch còn nắm một lực lượng pháo binh dự bị gồm Lữ đoàn 38 (thiếu 1 tiểu đoàn) cùng 3 tiểu đoàn, 1 đại đội với 60 khẩu pháo xe kéo.

Sức mạnh của pháo binh trong một trận chiến ngoài số lượng còn phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố tính năng kỹ thuật của từng loại pháo của hai bên sử dụng. Cả quân ta và địch đều sử dụng phổ biến lựu pháo nòng ngắn cỡ 105mm.
Tham gia chiến dịch Xuân 1975, bộ đội pháo binh ta còn có nhiều loại xe pháo phản lực làm quân địch "khiếp hãi" mỗi khi khai hỏa. Ảnh minh họa (nguồn: báo QĐND)

Tuy nhiên đối với các loại pháo cấp chiến dịch thì ưu thế nghiêng hẳn về phía ta. Quân đội Sài Gòn có pháo M114 155mm có uy lực khá lớn nhưng so sánh với D-74 122mm của ta lại không bằng, vì pháo 155mm chỉ bắn xa 13km so với 24 km của D-74.

Ngoài ra, Quân đội Sài Gòn có pháo tự hành M107 175 mm tầm bắn 30 km, đầu đạn nặng 75 kg, khi nổ có sức công phá như 1 quả bom cỡ nhỏ. Đây là con át chủ bài trong lực lượng pháo binh địch. Tuy nhiên, khẩu này có nhược điểm là tốc độ bắn chậm, chỉ 2 đến 3 phát/phút. So với pháo 130mm có tốc độ 8 đến 10 phát/phút thì pháo 175mm đã mất lợi thế..

Lấy pháo địch đánh địch

Bên cạnh đó, trong quá trình chiến đấu, quân ta cũng rất tích cực sử dụng vũ khí của địch để đánh địch. Theo cuốn Biên niên Sự kiện Lịch sử ngành Kỹ thuật Pháo binh QDDNDVN 1945-1975, trong chiến dịch Tây Nguyên ta đã thu được thu hồi được 48 khẩu 105mm, 14 khẩu 155mm, 154 xe, 15.000 viên đạn pháo các loại, 7 vạn lít xăng dầu.

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ta thu được 316 khẩu pháo, 19.075 viên đạn pháo, 100 xe các loại. Số xe pháo này được quân ta sử dụng ngay để đánh lại địch.
Pháo M114 155mm ta thu được của Quân đội Sài Gòn được trưng bày tại bảo tàng ngày nay. Nguồn: Flick

Về việc sử dụng pháo, đạn chiến lợi phẩm, cuốn Lịch sử Pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam (1945-1975) viết: “sau chiến dịch Tây Nguyên ta đã thu hàng trăm khẩu pháo cùng với hàng vạn viên đạn, trong đó có 12 khẩu pháo tự hành M107 175mm. Nhiều trung đoàn pháo của quân ta đã sử dụng tới 75% đạn pháo chiến lợi phẩm để chiến đấu như Trung đoàn Pháo binh 68 của Sư đoàn 3, Lữ đoàn 164 Quân đoàn 2… Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, lực lượng pháo binh quân khu 5 đã sử dụng 79% số đạn, pháo xe kéo của địch. Pháo binh ở mặt trận Trị-Thiên sử dụng 15 khẩu 105mm và 6.000 viên đạn của địch để đánh địch”.

Nhờ vậy, sức cơ động cũng như hỏa lực của các đơn vị pháo binh ta sau 2 chiến dịch không những không giảm sút mà còn tăng lên. Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, một số lượng lớn pháo, đạn của ta không phải chuyển từ hậu phương mà đã lấy sẵn từ kho chiến lợi phẩm của địch. Nhờ đó, quãng đường vận chuyển ngắn lại,thời gian chuẩn bị chiến đấu rút ngắn.

Ngay trong chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta cũng tích cực lợi dụng vũ khí địch để chiến đấu. Trong thời gian diễn ra chiến dịch, quân ta đã sử dụng 67 khẩu pháo 105mm, 155mm cùng 14.515 viên đạn của địch để đánh địch. Quân đoàn 2 là đơn vị sử dụng nhiều vũ khí chiến lợi phẩm nhất (42 khẩu trong tổng số 67 khẩu chiến lợi phẩm được sử dụng). Quân đoàn 3 thay thế hầu hết pháo K38 122mm bằng pháo 155mm thu được.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Vũ Tiến Đức