Phát xít Đức “hồi sinh” đội tàu mặt nước thế nào? (1)

Google News

(Kiến Thức) - Ít ai biết rằng, Hải quân Đức Quốc xã lại là lực lượng bé nhỏ nhất, xếp dưới cả Pháp - Italy trong những năm 1930.

Mảng đề tài về vũ khí - trang bị của các bên trong Chiến tranh thế giới thứ hai luôn là một đề tài hấp dẫn với bạn đọc, đặc biệt là đề tài về các tàu ngầm và hạm nổi của hải quân. 
Báo Điện tử Kiến Thức xin được giới thiệu với bạn đọc chùm bài về lực lượng tàu chiến mặt nước của Hải quân Đức Quốc xã - một lực lượng từng là nỗi kinh hoàng của quân Đồng Minh trên đại dương.
Kì 1: Vì sao Hải quân Đức lại không được quan tâm đúng mức?
Hải quân Đức (Kriegmarine) là lực lượng nhỏ nhất trong ba nhánh chính của Lực lượng vũ trang Đức (Wehrmacht), khi nước này bước vào Chiến tranh thế giới thứ hai năm 1939. Khác với Lục quân Đức (Heer) và Không quân Đức (Luftwaffe) là những lực lượng hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ, Hải quân Đức lại không được đánh giá đồng hạng với các lực lượng hải quân lớn trên thế giới, ít nhất là trên giấy tờ. 
Các siêu cường khác như Mỹ, Anh và Nhật Bản đều có lực lượng hải quân hùng hậu hơn rất nhiều. Do đó, Hải quân Đức phải xếp vào “chiếu dưới” cùng với Hải quân Pháp và Italy.
Phat xit Duc “hoi sinh” doi tau mat nuoc the nao? (1)
 Đội hình tàu chiến mặt nước của Hải quân Đức Quốc xã.
Tình trạng này là kết quả của một vài nguyên nhân lịch sử, văn hóa và chính trị:
- Thứ nhất, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Hải quân Anh đã bị người Đức nhiều phen làm cho khốn đốn để duy trì quyền kiểm soát mặt biển. Nổi bật nhất là trận hải chiến Jutland diễn trong hai ngày 31/5 và 1/6/1916, với thiệt hại to lớn cho người Anh. 
Do vậy, sau thất bại của nước Đức năm 1918, phe thắng trận không có lí do gì để cho phép Đức xây dựng lại lực lượng hải quân có thể thách thức sức mạnh bá chủ trên biển của Hải quân Anh. Đức bị buộc phải giao nộp tất cả các tàu chiến hiện đại, và phần còn lại của hải quân nước này chỉ còn là một ít các thiết giáp hạm và tuần dương hạm cũ kĩ.
- Thứ hai, lãnh tụ (Fuhrer) Hitler, người quyết định ngân sách và tất cả các khoản chi tiêu chính trong quân sự, sinh ra tại Áo. Nước Áo vốn từng là một cường quốc trên lục địa, nên cho rằng những trận chiến trên bộ sẽ là biểu hiện tối thượng của sức mạnh quân sự. Có một câu chuyện chưa được xác thực cho rằng Hitler dễ bị say sóng. Điều đó khiến cho ông ta thường không dành quá một vài giờ trên những tàu chiến của mình. Rất dễ hiểu vì sao Hải quân Đức lại không được “sủng ái” như không quân và lục quân.
- Thứ ba, Đảng Quốc xã do Hitler sáng lập có hai học thuyết bài Do Thái và chống Chủ nghĩa Cộng sản. Năm 1933 đảng Quốc xã lên nắm chính quyền tại Đức một phần cũng là vì liên tục chống phá chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đảng này đã lãnh đạo phong trào làm giảm vị thế của các lãnh đạo đang nắm thực quyền (de facto) như Erich Ludendorff và Paul von Hindenburg, và đỉnh điểm là việc hạ bệ Hoàng đế (Kaiser) Wilhelm II vào tháng 11/1918. 
Hải quân Đế chế Đức (Kaiserliche Marine) là một lực lượng hậu thuẫn cho các nhà lãnh đạo cánh tả này. Hạm đội viễn dương Đức nhanh chóng trở nên bất ổn sau trận hải chiến Jutland vì phải chờ đợi mỏi mòn trong quân cảng, mà không được trực tiếp đối đầu với hải quân Anh. 
Cuối tháng 10/1918, lực lượng này đã tiến hành binh biến sau khi biết được tin sẽ phải tham gia vào một trận hải chiến tuyệt vọng để phá vòng vây của Hải quân Hoàng gia Anh. Trong mắt Hitler, hải quân đã bị “nhiễm độc” bởi những “tên tội phạm tháng mười một” (tức những nhà chính trị đã đàm phán và kí kết hiệp định đình chiến, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất), dẫn đến sự thất bại của Đế chế Đức.
- Thứ tư, về nhân sự, sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Đảng Quốc xã đã nhanh chóng thanh lọc lực lượng hải quân (lúc đó gọi là Reichsmarine), loại bỏ bất cứ sĩ quan nào có liên hệ với cánh tả, dù chỉ là những nghi ngờ nhỏ nhất. 
Thậm chí, từ ngày 21/05/1935, họ còn đổi tên hải quân thành Kriegsmarine (Chiến Hải), để chắc chắn mọi người đều hiểu rằng Hải quân Đức sẽ có một khởi đầu mới. Tuy nhiên, hải quân lại là lực lượng ít bị “Quốc xã hóa” nhất trong ba nhánh chính của Wehrmacht
Lục quân Đức luôn có sự thận trọng cao, và họ dễ dàng chấp nhận tư tưởng của Đảng Quốc xã một cách nhanh chóng. 
Lực lượng SS (Schutzstaffel) khởi đầu chỉ là lực lượng cận vệ cho Hitler và các lãnh tụ Đức Quốc xã, sau đó đã phát triển thành đội quân hùng mạnh. 
Không quân Đức Luftwaffe nằm dưới sự chỉ huy của một phi công xuất sắc và đảng viên nhiệt thành của Đảng Quốc xã - Hermann Goring, nên đã phục vụ hết sức trung thành cho Hitler. Chỉ duy nhất có hải quân là vẫn luyến tiếc với quá khứ trước kia, khi từng là một lực lượng hải quân hùng mạnh trên thế giới. Cũng chỉ duy nhất Hải quân Đức là không chấp nhận kiểu chào của Đảng Quốc xã, mà vẫn giữ kiểu chào truyền thống (đặt tay trên vành mũ).
Phat xit Duc “hoi sinh” doi tau mat nuoc the nao? (1)-Hinh-2
 Hải quân Đức Quốc xã vẫn giữ kiểu chào truyền thống của mình.
Những nguyên nhân trên đã khiến cho Hải quân Đức chỉ là một lực lượng hạng hai vào đầu thập niên 1930. Nhưng nước này đã lên kế hoạch để xây dựng một hạm đội lớn. Kế hoạch này đã thu hút sự chú ý của phe Đồng minh, nhất là người Anh, vượt xa sức mạnh thực sự mà Hải quân Đức đạt được. Điều đó khiến Kriegsmarine phải cân nhắc rất kĩ lưỡng về những kế hoạch đóng tàu. Rõ ràng rằng Hải quân Đức sẽ không thể nào đọ sức nổi với bất cứ đối thủ tiềm tàng nào trong các trận hải chiến truyền thống. Các chỉ huy hải quân Đức hiểu rõ rằng trong tay mình chỉ có một vài tàu chiến chủ lực, nên sẽ chẳng thể mơ đến một trận Jutland thứ hai.
Lực lượng Chiến Hải Kriegsmarine đã vấp phải cùng vấn đề đã làm khó Hải quân Đế chế Đức (Kaiserliche Marine) trước đây: Họ không có đường tiến ra đại dương. Các thành phố cảng lớn của Đức (Wilhelmshaven, Bremen, Hamburg và Kiel) đều chỉ thuận tiện cho tác chiến tại biển Bắc hay biển Baltic. Hòn đảo Anh quốc đã chắn hết mọi tuyến đường ra Đại Tây Dương. Nếu muốn tiến ra biển lớn, Hải quân Đức sẽ phải vượt qua eo biển Manche, hoặc những tuyến đường hẹp khác nằm giữa Scotland và Na Uy. 
Thử thách này đã rất khó khăn vào thời kì Chiến tranh thế giới thứ nhất, còn trong thời kì này điều đó sẽ còn gian nan hơn gấp bội, bởi các máy bay có thể liên tục trinh sát và tấn công các hạm tàu hải quân trên đại dương.
Phat xit Duc “hoi sinh” doi tau mat nuoc the nao? (1)-Hinh-3
 Các tàu chiến của Hải quân Đức được thiết kế để tác chiến độc lập hoặc theo đội hình nhỏ (từ 2-3 tàu). Trong hình là thiết giáp hạm Scharnhorst, thường hoạt động theo cặp cùng thiết giáp hạm Gneisenau cùng lớp.
Dù cho Hải quân Đức quyết định đóng tàu như thế nào, thì những chiếc tàu đó cũng phải có những đặc tính phi thường. Chúng sẽ phải rất linh hoạt, có khả năng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, và do đó thường sẽ thiếu đi khả năng tác chiến độc lập hiệu quả. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là Hải quân Đức sẽ không thể có những hoạt động qui mô lớn, nên các tàu này sẽ phải được thiết kế để tác chiến hiệu quả một cách đơn độc, hoặc cùng lắm là phối hợp với một đến hai tàu khác.
Thanh Hoa