Sự thật “động trời” về máy bay ném bom Tu-160 của Nga

Google News

(Kiến Thức) - Trong tổng số phi đội 16 oanh tạc cơ siêu thanh Tu-160, Không quân Nga có thể chỉ có 4 chiếc hoạt động tốt.

Tạp chí Jane’s Defence Weekly đưa tin dựa theo một số nguồn tin, Không quân Nga sẽ ngừng các chương trình hiện đại hóa đối với dòng máy bay ném chiến lược Tu-160 (NATO định danh Blackjack).
Theo kế hoạch trước đây của Không quân Nga thì các dự án nâng cấp Tu-160 sẽ phải hoàn tất trong năm 2017, nhưng hiện nay thì kế hoạch này đã bị hoãn lại đến năm 2019 hoặc có thể lâu hơn.
Vẫn chưa rõ cấu hình nâng cấp hoàn chỉnh cho Tu-160, nhiều khả năng quá trình nâng cấp này sẽ loại bỏ hoàn toàn các thiết bị lạc hậu từ thời Liên xô trên chiếc máy bay này, nhất là hệ thống động cơ NK-32.
Tuy nhiên, hiện nay, có một số vấn đề liên quan đến tài chính giữa phòng thiết kế Kuznetsov - nơi chế tạo ra động cơ NK-32 dành cho Tu-160 và Tổng công ty Liên hiệp chế tạo động cơ ODK của Nga khiến kế hoạch nâng cấp chiếc Blackjack bị trì hoãn nhiều lần.
 Kế hoạch đã lên nhưng máy bay ném bom chiến lược Tu-160 vẫn chưa được nâng cấp.
Một nguồn tin thân cận từ ODK tiết lộ với Jane’s rằng quá trình hiện đại hóa Tu-160 cũng như khởi động lại các dây chuyền sản xuất linh kiện cần thiết cho việc nâng cấp máy bay đang gặp rất nhiều khó khăn và việc này có thể không hoàn thành theo đúng kế hoạch đã đề ra trước đây.
Không chỉ khó khăn trong vấn đề nâng cấp, việc duy trì Tu-160 cũng là bài toán nan giải với Không quân Nga hiện tại. Theo các nguồn tin, có một số bộ phận của Tu-160 cần phải được thay thế nhưng vấn đề là các bộ phận này đã không còn được sản xuất hoặc không còn nguồn cung dự phòng.
Các chuyên gia và kỹ sư của dự án nâng cấp cũng nói rằng các kế hoạch sản xuất các bộ phần còn thiếu cũng như tiến độ hiện đại hóa của chiếc máy bay này chỉ có thể được quyết định bởi các chủ đầu tư mà ở đây là Không quân Nga.
“Hiện tại câu trả lời cho mọi vấn đề đang gặp phải trong việc nâng cấp Tu-160 đều liên quan tới tài chính”, nguồn tin nói thêm.
Nguồn tin này cũng tiết lộ những chiếc Tu-160 bay tới Venezuela trong chuyến thăm nước này cuối tháng 10 không phải là phiên bản nâng cấp của Tu-160 và nó chỉ là phiên bản cũ của Tu-160.
 Việc hoạt động và cả nâng cấp Tu-160 đang gặp nhiều khó khăn chủ yếu ở động cơ hàng không Kuznetsov NK-32 đã hết niên hạn sử dụng.
Việc gia hạn thêm thời gian nâng cấp cũng như xuất hiện các vấn đề nảy sinh trong quá trình nâng cấp Tu-160 không phải là mới. Ngay trước khi Nga tổ chức triển lãm hàng không MAKS vào tháng 8/2011, các hãng thông tấn của Nga nói rằng trong số 16 Tu-160 vẫn còn trong biên chế của Không quân Nga chỉ còn 4 chiếc là hoạt động tốt.
Yếu tố hạn chế chính là hầu hết động cơ tuốc bin phản lực Kuznetsov NK-32 trên Tu-160 đã hết niên hạn sử dụng và vẫn chưa được thay thế.
Phòng Thiết kế Kuznetsov (OKB) là đơn vị phát triển các mẫu động cơ NK-32 và chúng được sản xuất tại các nhà máy của KMPO trong thời kỳ Liên Xô chưa sụp đổ, nhưng hiện tại các nhà máy đã không sản xuất bất kỳ sản phẩm mới nào trong hơn 10 năm qua. Cũng như dây chuyền sản xuất đã không còn đầy đủ như trước đây.
Hiện các công ty thừa hưởng những gì còn lại của Kuznetsov OKB và nhà máy KMPO trong thời kỳ hậu Liên Xô hiện nay chỉ có khả năng hạn chế sửa chữa lớn các động cơ NK-32 cho phi đội Tu-160.
Mặc dù vào năm 2011 các công ty này đã có được một hợp đồng để tái sản xuất 26 động cơ dành cho Tu-160, nhưng họ chỉ có thể đại tu 4 động cơ trong hai năm.
Không chỉ gặp vấn đề ở động cơ, bản thân những chiếc Tu-160 cũng đã gần hết niên hạn sử dụng, đồng nghĩa với việc Không quân Nga có thể không còn Tu-160.
Một khi quá trình hiện đại hóa nếu được triển khai theo kế hoạch được đặt ra thì số lượng những chiếc Tu-160 được nâng cấp sẽ đạt 4-5 chiếc/năm và cũng phải có một số lượng tối thiểu các máy bay vẫn còn đang hoạt động tốt trong quá trình nâng cấp.
“Có hàng chục, nếu không phải nói hàng trăm nhà thầu tham gia vào dự án này và họ cần có thời gian để nghiên cứu sản xuất cũng như đào tạo nhân viên trong quá trình sản xuất. Hiện tại các nhà máy đảm nhận việc nâng cấp Tu- 160 không thể nhận tiền từ chính phủ Nga hôm nay và bàn giao lại các động cơ như mới vào ngày mai được”, cựu Giám đốc nhà máy sản xuất động cơ Salyut Yuri Eliseev nói. Nhất là khi theo đánh giá của các chuyên gia thì niên hạn hoạt động của Tu-160 đã gần kết thúc.
Tu-160 là một trong 3 máy bay ném bom chiến lược của Không quân Nga hiện nay. Đặc biệt, Tu-160 hiện nay cũng được xem là máy bay ném bom hạng nặng bay nhanh nhất thế giới với tốc độ hơn 2.000km/h, to nhất thế giới (trọng lượng cất cánh tối đa 275 tấn), mang nhiều bom nhất (tổng cộng 40 tấn gồm cả bom và tên lửa hành trình, hơn cả B-52 Mỹ).
Trà Khánh