Sự thật về chiến đấu cơ tự chế của Iran

Google News

(Kiến Thức) - Phương Tây cho rằng các chiến đấu cơ hay UAV “gán mác” nội địa của Iran thực chất là đi “nhái” lại thiết kế của Mỹ cách đây hàng chục năm.

Theo trang mạng Strategypage, ngày 21/8, Không quân Iran tuyên bố, họ đã bắt tay vào “sản xuất hàng loạt” mẫu máy bay chiến đấu mới, đây là sản phẩm được nghiên cứu và phát triển trong nước. Theo người đứng đầu lực lượng không quân, sự kiện này đồng nghĩa với việc Iran không còn bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp máy bay nước ngoài. Lưu ý rằng, trong hơn 20 năm nay, Iran bị Mỹ áp đặt cấm vận, đặc biệt là với các mặt sản phẩm công nghệ cao như hàng không-vũ trụ.
Nhưng ngay lập tức, báo chí phương Tây cho rằng, tuyên bố của vị quan chức Iran chỉ như “câu chuyện tiếu lâm được kể vào bữa tối”. Theo đó, mẫu máy bay được nhắc tới rõ ràng là tiêm kích Saeqeh (sấm sét) hay gọi là Saeqeh-80.
 Tiêm kích nội địa tối tân Saeqeh 80 của Iran được cho là làm "nhái" tiêm kích lỗi thời F-5 dù có khác biệt đôi chút ở cánh đuôi đứng máy bay.
Hơn một năm trước đây, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi đã tuyên bố, Không quân Iran đã được bổ sung 3 máy bay chiến đấu Saeqeh tối tân. Trước đó vào năm 2011, đã có thông tin về 12 chiếc Saeqeh đầu tiên được đi vào phục vụ.
Theo đánh giá của giới quân sự phương Tây, giữa tiêm kích Saeqeh với thiết kế F-5 – một mẫu tiêm kích cách đây hơn nửa thế kỷ của Mỹ có những sự giống nhau đến lạ lùng. Không ngạc nhiên, ngay sau đó Saeqeh bị coi là “đồ nhái” của “Chiến sĩ đấu tranh cho tự do” F-5 và rằng, Tehran đã tận dụng khả năng dịch mã ngược cũng như những thiết kế mua được bằng con đường bất hợp pháp để tạo ra loại máy bay trên rồi sau đó giới thiệu là “đồ tự làm”.
Truyền thông phương Tây cũng không quên nhắc đến Azarakhsh (Tia chớp) là mẫu máy bay do Iran tự chế tạo từ những năm 1990. Đây được xem là tiền bối của Saeqeh bây giờ. Tuy nhiên, phương Tây cho rằng Azarakhsh là một nỗ lực của nền công nghiệp quốc phòng Iran nhằm phục chế lại “cổ vật” F-5E. Biến thể mới nhất của Saeqeh vẫn không thoát khỏi những nhận định như vậy dù chúng đã được sửa đổi khá nhiều về phần đuôi (2 cánh đứng) và trang bị hệ thống điện tử mới.
 Tiêm kích nội địa Azarakhsh được truyền thông phương Tây coi là một nỗ lực của nền công nghiệp quốc phòng Iran nhằm phục chế lại “cổ vật” F-5E
F-5E từng là máy bay chiến đấu có số lượng rất lớn phục vụ trong Không quân Iran (hơn 30 năm trước, con số này là khoảng 300 chiếc). Đây là biến thể hiện đại nhất của dòng F-5, nặng 11 tấn, tốc độ tối đa 1.700 km/h, tầm hoạt động 1.400km, trang bị 2 pháo 20mm và có thể mang theo 3 tấn vũ khí. Azarakhsh và Saeqeh bị cho là sử dụng khung thân cơ sở của F-5 kết hợp với động cơ từ Nga.
Việc này được so sánh với cái cách mà người Trung Quốc đã làm ra tiêm kích J-8 sao chép cải tiến từ mẫu Su-15 của Liên Xô. Cũng giống như Iran, Trung Quốc là chuyên gia về dịch mã ngược, gọi nôm na là làm nhái những sản phẩm cuả nước ngoài.
Thậm trí, so với Iran, Trung Quốc còn ở một đẳng cấp dịch mã cao hơn rất nhiều. Kết quả mà họ đạt được là khả năng sao chép gần như tất cả các loại vũ khí hiện đại trên thế giới và đôi khi là kết hợp chúng với nhau để tạo ra sản phẩm mới.
Tiêm kích F-5E Freedom Fighter thường được Mỹ dùng đóng giả tiêm kích MiG của Nga huấn luyện không chiến cho phi công.
Theo báo chí phương Tây, chính quyền Iran quá lạm dụng “các vũ khí tuyên truyền” với mục đích ban đầu giúp tăng nhuệ khí quân đội và trấn an nhân dân, để rồi bị ám ảnh chính bởi chúng. Mọi việc có lẽ được bắt đầu từ cuộc chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980. Khi đó Iran đã cải tiến nối dài bình nhiên liệu của tên lửa Scub để bắn vào Baghdad (tuy việc này không thật sự cần thiết vì Baghdad vẫn trong tầm với của Scub nguyên bản, chưa kể còn làm thay đổi nhiều đặc tính của tên lửa). Sau đó Tehran tuyên bố đây là công nghệ được phát triển trong nước trong khi Mỹ cho rằng Iran đã lấy nó từ Bắc Triều Tiên.
Nhiều chyên gia Tây phương còn mỉa mai rằng, sự ảo tưởng về những “siêu vũ khí” của Tehran đã đạt đến đỉnh điểm khi hồi đầu năm nay. Khi đó, Iran cho ra mắt chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 Qaher 313. Đây được coi là dự án quân sự tham vọng nhất của nước này.
Tiêm kích tàng hình Qaher 313 từng làm chuyên gia quân sự thế giới "sửng sốt".
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, tiêm kích mang biệt danh “Kẻ chinh phục” đã thất bại trong việc thuyết phục mọi người rằng nó là một máy bay thực sự. Có quá nhiều lỗi trong thiết kế được chỉ ra từ mẫu Qaher 313. Buồng lái quá nhỏ, hệ thống điều khiển có giao diện quá đơn giản “giống như những chiếc máy bay chuyên dùng để tưới thuốc trừ sâu”. Thiết kế của máy bay mang dáng dấp của những mẫu thử nghiệm trước kia mà Mỹ đã từng phát triển rồi sau đó loại bỏ như X-32, X-36. Phần cánh cũng như cửa hút gió bị đánh giá là quá bé còn ống xả được đánh giá là có công dụng… nấu chảy máy bay.
Ngay cả đoạn video được chiếu kèm quay lại cảnh Qaher 313 nhào lộn trên không cũng không mang lại nhiều sức thuyết phục khi nó không hề có cảnh cất - hạ cánh, quay ở khoảng cách quá xa và mẫu máy bay trong video bị kết luận là mô hình nhựa có điều khiển từ xa. Sau đó, không thấy Iran đưa được ra một giải thích xác đáng nào cho những nghi ngờ trên và đó cũng là lần xuất hiện cuối cùng của Qaher 313.
Dù vậy, Qaher 313 nhanh chóng bị cho là sản phẩm "nhái" vụng về của Iran. Cận cảnh buồng lái "giống như những chiếc máy bay chuyên dùng để tưới thuốc trừ sâu" của Qaher 313.
Cuối cùng, Iran bị gán mác “kẻ thích tái chế công nghệ quân sự những năm 1950”. Điều đó liên quan cả đến UAV Karar mà nước này đã từng đem ra tham dự duyệt binh kỷ niệm cuộc chiến tranh với Iraq. UAV này có nhiều điểm khá giống với loại tên lửa hành trình V-1 của Đức cũng như một vài mẫu tên lửa/UAV mà Mỹ thiết kế sau đó. Tuy rằng nó đã được cải tiến để trang bị những thiết bị đời mới như động cơ phản lực hiện đại, hệ thống điều khiển linh hoạt và hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS.
Mỗi năm, Iran thường cho công bố rầm rộ rất nhiều các phát minh vũ khí mới, điều này rất có tác dụng cổ vũ tinh thần người dân và lấy được tiếng vang trên quốc tế, nhất là trong hoàn cảnh nước này ngày càng bị bao vây cấm vận.
 Mẫu thiết kế UAV Karar của Iran bị cho là "nhái" bom bay V-1 sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Gần đây họ cho ra mắt tên lửa đạn đạo Fateh-110 có tầm bắn trên 200km, siêu ngư lội được thiết kế cho vùng biển nông và một loại tên lửa không điều khiển đường kính 730mm.
Tuy nhiên, cũng giống như rất nhiều là “khoe hàng” trước đây của Iran, tất cả những gì được nhìn thấy chỉ là những bức ảnh hoặc mô hình thử nghiệm không rõ ràng, chưa phải là một sản phẩm hoàn chỉnh.
Anh Trần