Theo Armyrecognition, sau khi chuyển đổi các tên lửa SA-3 (định danh NATO dành cho tổ hợp tên lửa phòng không S-125 Pechora Liên Xô) từ đối không thành loại đất đối đất. Nhóm phiến quân Hồi giáo Bình Minh Libya (Libya Dawn) tiếp tục khiến cả thế giới sửng sốt khi tiến hành cải tiến các tên lửa phòng không SA-6 Gainful (định danh NATO cho tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Kub Liên Xô) của Nga lên một xe bọc thép chở quân loại bánh lốp 6x6 Puma do Italy sản xuất.
Chiếc xe bọc thép Puma trên vốn nằm trong lô 20 xe Puma được Italy tặng cho Quân đội Quốc gia Libya vào khoảng năm 2013. Đến nay quân chính phủ Libya đã chuyển đổi các xe này và bán cho nhiều chủ sở hữu khác nhau. Chắc chắn chiếc xe bọc thép Puma đã lọt vào tay phiến quân Hồi giáo Bình Minh.
|
Tên lửa SA-3 phiên bản đất đối đất của Hồi giáo Bình Minh Libya.
|
Không giống như các tên lửa SA-3 được chuyển đổi, tên lửa SA-6 được lắp trên Puma rõ ràng không có bất kỳ sự thay đổi nào. Điều đó có nghĩa rằng, chắc chắn sẽ rất không hiệu quả khi sử dụng nguyên đầu đạn nổ phân mảnh liều cao nặng 59 kg của SA-6 cài trên Puma. Hơn nữa, các tên lửa này sẽ không đạt được tất cả các chức năng nếu ngòi nổ và hệ thống dẫn đường gốc của nó không được thay thế bằng các thiết bị khác phù hợp hơn.
Thực tế, Iraq là nơi đầu tiên diễn ra việc chuyển đổi các tên lửa phòng không thành các tên lửa đất đối đất. Ngoài chuyển đổi một loạt tên lửa SA-3, Iraq cũng biến đổi các quả đạn 3M9 (của tổ hợp SA-6) để phục vụ vai trò tên lửa đất đối đất dưới biệt danh Kasir. Bắt đầu vào đầu năm 1989, chương trình chuyển đổi đã đặt ra mục tiêu các tên lửa 3M9 phải đạt được tầm bắn 100 km.
|
SA-6 được Hồi giáo Bình Minh Libya gắn trên xe Puma.
|
Tuy nhiên, đạn 3M9 của SA-6, cũng như V-600 của SA-3 đã cho thấy chúng cực kì khó khăn khi đảm trách vai trò tên lửa tác chiến trên mặt đất. Đồng thời những vấn đề cản trở đối với phiên bản chuyển đổi SA-3 như là việc không thể thay đổi nhiên liệu đẩy rắn của tên lửa để đạt được tầm xa mong muốn. Các kỹ sư Iraq cũng gặp rất nhiều rắc rối với biến thể 3M9 có hệ thống điều khiển và dẫn đường phức tạp hơn.
Mặc dù hai đợt thử nghiệm liên tiếp diễn ra trong năm 1989, nhưng tầm xa mà các tên lửa này đạt được mới chỉ ở phạm vi 62 km và lại có bán kính chệch mục tiêu quá lớn. Kết quả là dự án chuyển đổi tên lửa phòng không thành tên lửa đối đất đã bị hủy bỏ vào cuối năm 1989.
Trở lại câu chuyện nhóm phiến quân Hồi giáo Bình Minh Libya chuyển đổi các tên lửa SA-6 cũng sẽ khó mà có kết quả tốt hơn như đã từng diễn ra ở Iraq. Đạn tên lửa SA-3 và SA-6 phiên bản chuyển đổi có thể chỉ bắn các mục tiêu nhìn thấy một cách trực tiếp. Nhưng dẫu sao đây cũng là những hoạt động đánh dấu sự gia tăng ngày càng nhiều chương trình chuyển đổi vũ khí của các phe phái đang diễn ra ở Libya. Chắc chắn những sự chuyển đổi như trường hợp SA-3 và SA-6 sẽ không chỉ dừng lại ở đây.
Văn Biên