Tại sao Trung Quốc có trực thăng Black Hawk của Mỹ?

Google News

(Kiến Thức) - Lực lượng Không quân Trung Quốc có trong trang bị số lượng nhỏ trực thăng vận tải đa dụng nổi tiếng của Mỹ S-70C Black Hawk.

Trong công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn nạn nhân bị lũ lụt tại tỉnh Tứ Xuyên, Đại Quân khu Thành Đô đã điều động 13 máy bay trực thăng vận tải thực hiện các phi vụ vận chuyển hàng cứu trợ, đưa người bị thương, bị mắc kẹt tới nơi an toàn.

Điều đặc biệt, trong số các trực thăng điều động có sự xuất hiện của một loại trực thăng do Mỹ sản xuất. Không những thế đây là loại trực thăng khá hiện đại, nổi tiếng do Tập đoàn Sikorsky thiết kế hiện được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và trên thế giới, S-70C Black Hawk.

Trực thăng S-70C Black Hawk của Trung Quốc tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Vậy tại sao Trung Quốc lại có được loại trực thăng nổi tiếng này từ Mỹ?

Ngược dòng thời gian về những năm 1980, đây là thời kỳ mà quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây khá nồng ấm sau sự kiện Tổng thống Richard Nixon thăm Bắc Kinh năm 1972. Đây còn được xem là “tuần trăng mật” giữa 2 “ông lớn” từng có một thời gian dài đối địch.

Với mối quan hệ như vậy, giữa nhưng năm 1980, Mỹ - Trung đã mở chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự. Một trong những chương trình đáng chú ý đó là việc Mỹ đồng ý cung cấp 24 trực thăng vận tải đa năng giúp Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng lục quân đối phó với Liên Xô (thời kỳ này quan hệ Xô – Trung còn căng thẳng).

Hai nhà thầu máy bay trực thăng lớn nhất của Mỹ là Bell Helicopter và Sikrosky cùng tham gia gói thầu cho một thỏa thuận mua 20-30 trực thăng ban đầu và sau đó có thể mua thêm 100 chiếc bổ sung.

Tham dự gói thầu, Sikorsky đã gửi “ứng viên” S-70C Black Hawk, trong khi Bell Helicopter thì gửi tới loại Bell 204. Cả hai loại trực thăng này đã thử nghiệm bay hầu khắp khu vực ở Trung Quốc, bao gồm cả vùng núi khắc nghiệp ở Tây Tạng.

Cuối cùng, Trung Quốc đã quyết định chọn mua 24 trực thăng S-70C Black Hawk của Sikorsky. Thỏa thuận này chính thức được ký kết năm 1985. Năm 1987, toàn bộ 24 chiếc S-70C đã được bàn giao hoàn tất và biên chế vào lực lượng Không quân Lục quân Trung Quốc.

Khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ ký hợp đồng bổ sung mua thêm trực thăng sau khi triển khai thành công loạt 24 chiếc. Tuy nhiên, sau sự kiện Thiên An Môn 1989, “tuần trăng mật” Mỹ - Trung kết thúc, quan hệ hợp tác 2 nước bị đóng băng hoàn toàn.

Trung Quốc có lẽ vẫn duy trì đầy đủ những chiếc S-70C Black Hawk ngoại trừ một vài chiếc bị tai nạn.
Vấn đề là việc duy trì các trực thăng S-70C sau đó cũng gặp nhiều khó khăn do phía Mỹ không còn cung cấp phụ tùng, linh kiện để Trung Quốc duy trì. Theo một số báo cáo, năm 1992 Trung Quốc tiến hành chào bán trực thăng S-70. Tuy nhiên, sau đó lại có tin Trung Quốc quyết định giữ lại chúng.

Với sự tiến bộ mạnh mẽ trong công nghiệp quốc phòng, có thể hiện nay Trung Quốc tự sản xuất linh kiện S-70C để tiếp tục duy trì hoạt động của loại máy bay này. Bằng chứng là sự xuất hiện của S-70C trong hoạt động cứu hộ cứu nạn ở tỉnh Tứ Xuyên cho thấy loại máy bay này vẫn còn hoạt động rất tốt.

S-70C Black Hawk trang bị 2 động cơ tuốc bin trục General Electric T700-701A, thùng nhiên liệu bên trong chứa 1.360 lít. S-70C có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 361km/h, tầm bay gần 600km.

Máy bay được trang bị radar thời tiết LTN3100VLF lắp ở đầu mũi trực thăng S-70C xuất khẩu cho Trung Quốc. Ngoài ra, trên máy bay còn trang bị hệ thống thông tin liên lạc khác.

S-70C có thể chở tối đa 11 người hoặc 4 cáng cứu thương cùng nhân viên y tế. Máy bay cũng có thể treo 4 tấn hàng hóa (ví dụ như một khẩu pháo 155mm) với hệ thống cáp treo bên ngoài máy bay.
Hoàng Lê