Ria Novosti dẫn lời Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Rosoboronoexport Aleksandr Mikheyev cho biết, Nga đang đàm phán để bán 18 chiếc Su-30K cho Ethiopia, điều đó có nghĩa là Việt Nam đã rút lui khỏi thương vụ này (trước đó đã có tin Việt Nam quan tâm tới lô 18 Su-30K).
Su-30K là lô sản xuất mà phía Nga đền bù cho Ấn Độ do sự chậm trễ trong việc chế tạo Su-30MKI.
Sức mạnh thua kém Su-30MK2
Su-30K được phát triển trên cơ sở biến thể Su-27PU của Không quân Nga. Nó có cấu hình không đối không mạnh mẽ tương tự như Su-27PU, máy bay không có cánh mũi, hệ thống điện tử hàng không chủ yếu do Nga sản xuất theo công nghệ những năm 1990. Su-30K sử dụng động cơ AL-31F thông thường không có khả năng điều khiển vector lực đẩy.
Về hệ thống radar, Su-30K trang bị radar xung Doppler N001V tương tự như Su-27PU. “Mắt thần” này có khả năng theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu, nhưng chỉ có thể dẫn tên lửa tấn công một mục tiêu duy nhất. Phạm vi phát hiện mục tiêu tối đa là 240km, theo dõi mục tiêu ở cự ly 100km.
Su-30K nguyên bản có tính năng kỹ chiến thuật tương đối thấp nên Ấn Độ chỉ chấp nhận sử dụng nó như một giải pháp tạm thời, trong khi chờ đợi sự hoàn thiện của Su-30MKI với nhiều đặc tính kỹ chiến thuật ưu việt.
Đối với gói nâng cấp Su-30K lên chuẩn Su-30KN thì chủ yếu nâng cấp về hệ thống điện tử hàng không. Radar N001V được nâng cấp bộ vi xử lý với khả năng lập bản đồ mặt đất. Buồng lái được bổ sung trang bị các màn hình LCD đa chức năng.
Hệ thống điều khiển hỏa lực nâng cấp cùng hệ thống phụ trợ SUV-30K cho phép tiêm kích này sử dụng các vũ khí không đối không hiện đại như R-77, tên lửa chống radar Kh-31P, tên lửa chống tàu Kh-31A, tên lửa hành trình đối đất Kh-29, các loại bom thông minh và vũ khí không điều khiển.
Nhìn chung, Su-30K được đánh giá là có khả năng không đối không mạnh, nhưng trong tác chiến đối đất/ đối hải thì vẫn thua kém Su-30MK2. Ngay cả khi nếu được nâng cấp lên chuẩn Su-30KN thì nó chủ yếu hoàn thiện về mặt không đối không, đối đất.
|
Tiêm kích Su-30K khi còn phục vụ trong Không quân Ấn Độ. |
Sau khi Ấn Độ đã nhận đủ số Su-30MKI theo hợp đồng đã ký, họ đã trả lại cho Nga 18 chiếc Su-30K này. Số máy bay này đang nằm ở Baranovichi, Belarus.
Trước đó, báo chí Nga đưa tin, Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm mua lại 18 chiếc Su-30K này sau khi trải qua quá trình hiện đại hóa.
Su-30K sau khi được hiện đại hóa lên tiêu chuẩn Su-30KN không thua kém nhiều so với Su-30MK2 đang có trong biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam, trong khi đó chi phí rất phải chăng. Mua Su-30K có thể coi là một thương vụ hời đối với việc tăng cường sức mạnh cho Không quân Việt Nam bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển đất nước.
Trước đó, một số hình ảnh về quá trình hiện đại hóa Su-30K tại nhà máy sửa chữa máy bay 558 tại Belarus càng làm cho nhiều người tin rằng Việt Nam đã chắc chắn mua lô Su-30K này.
Tuy nhiên, việc Ria Novosti đưa tin Nga đang xúc tiến các hoạt động để xuất khẩu Su-30K cho Ethiopia đồng nghĩa với việc Việt Nam đã rút khỏi thương vụ hời này.
Tình hình khu vực thay đổi
Xét ở góc độ chi phí mua Su-30K có thể coi là một lựa chọn khả thi vừa tăng cường được sức mạnh cho Không quân Nhân dân Việt Nam, vừa giải quyết bài toán chi phí. Tuy nhiên, tình hình mua sắm vũ khí trong khu vực đang có những chuyển biến phức tạp theo chiều hướng bất lợi cho phía Việt Nam.
Nga và Trung Quốc đã gần đi đến việc ký hợp đồng mua tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35, cùng với đó không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ có được hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf trong thời gian tới.
|
Việt Nam nên nhắm tới việc mua tiêm kích đa năng Su-35 hơn là mua những chiếc Su-30K "lỗi thời". |
Như vậy, nếu Việt Nam mua Su-30K chỉ giải quyết được vấn đề về mặt kinh phí mà không giải quyết được các vấn đề khác về chiến thuật - chiến lược. Mặc dù Su-30K sau khi hiện đại hóa có thể gần tương đương với Su-30MK2, nhưng bổ sung Su-30K chỉ giải quyết được vấn đề tăng số lượng chứ không làm thay đổi chất lượng của không quân ta.
Su-30K không mang lại bất kỳ nét mới nào về kỹ chiến thuật cho Không quân Việt Nam mà còn khiến chúng ta bị thua kém so với các nước trong khu vực, những gì Su-30K có thể làm thì Su-30MK2 đã làm thừa sức. Thậm chí ở khía cạnh không đối hải Su-30K thua xa Su-30MK2.
Mặt khác, lô Su-30K này đã trải qua thời gian sử dụng hơn 10 năm, mặc dù có trải qua quá trình hiện đại hóa thì sự xuống cấp về cấu trúc khung máy bay là điều khó tránh khỏi. Hệ thống điện tử trên máy bay chỉ được bổ sung chứ không thay mới hoàn toàn nó vẫn dựa trên nền tảng những hệ thống cũ. Sự tụt hậu về công nghệ so với các tiêm kích khác trong khu vực là điều không thể tranh khỏi.
Bỏ qua thương vụ Su-30K để tính đến một giải pháp khác có lợi về mặt kỹ chiến thuật cho Không quân Việt Nam được xem là một quyết định sáng suốt. Để bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới thì Không quân Việt Nam cần phải tiến thẳng lên hiện đại hóa và chúng ta cần phải nhắm tới những tiêm kích tối tân hơn như Su-35 hay MiG-35 mới đáp ứng được yêu cầu này.
Bình Đức