Tờ RIR cho biết, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua lệnh cấm mua các động cơ đẩy RD-180 của Nga trang bị cho tên lửa Mỹ vào ngày 12/12. Tuy nhiên, quyết định trên được đánh giá là khó có thể thực hiện được trong tương lai gần, khi mà tên lửa đẩy Atlas V vẫn phải phụ thuộc vào các động cơ RD-180 để có thể triển khai phi thuyền không gian Cygnus.
Mỹ từ lâu đã có kế hoạch ngưng sử dụng mẫu động cơ đẩy RD-180 của Nga, vốn được sử dụng trên các tên lửa đẩy Atlas V do tập đoàn United Launch Alliance (ULA) của Mỹ phát triển.
|
Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua lệnh cấm mua các động cơ đẩy tên lửa từ Nga, bất chấp nước này không có sự lựa chọn thay thế nào.
|
Sự cần thiết của việc chế tạo ra một mẫu động cơ thế hệ mới đã được cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ thảo luận trong hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa tìm ra được lời giải. Trong khi đó, mối quan hệ Nga – Mỹ đang xấu đi từng ngày do vấn đề Ukraine, và các nhà lập pháp Mỹ muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào các động cơ đẩy tên lửa từ Nga.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã yêu cầu Bộ Quốc phòng nước này ngay lập tức chấm dứt các hợp đồng mua động cơ RD-180. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc lại cho rằng hành động này sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Đó là lý do tại sao ULA vẫn được phép tiếp tục sử dụng các động cơ RD-180 cho tên lửa đẩy Mỹ cho đến năm 2019, khi tìm được động cơ thay thế phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ phải bỏ ra hơn 577 tỷ USD để phát triển động cơ đẩy mới. Theo đánh giá của tạp chí Fortune thì nước Mỹ vào lúc này không cần tới một động cơ tốn kém như vậy, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm ở mức kỷ lục.
|
Mẫu động cơ đẩy RD-180 được công ty Energomash thiết kế đặc biệt dành riêng cho tên lửa đẩy Atlas V của tập đoàn ULA.
|
Bên cạnh đó, các chuyên gia tên lửa của Nga lại cho rằng quyết định trên có thể khiến Mỹ mắc phải sai lầm, khi mà RD-180 được chế tạo dành riêng cho tên lửa Atlas V và luôn có mối quan hệ chắt chẽ giữa RD-180 và Atlas V. Khi mà nguy cơ ULA phải chế tạo lại mẫu tên lửa đẩy mới là rất lớn, để có thể phù hợp với mẫu động cơ đẩy mới kéo theo chi phí hàng tỷ USD.
Động cơ đẩy tốt nhất thế giới?
Động cơ đẩy RD-180 được sản xuất bởi công ty NPO Energomash của Nga, và được tập đoàn liên doanh ULA của hai ông trùm ngành công nghiệp hàng không vũ trụ là Boeing - Lockheed Martin trang bị cho tên lửa đẩy Atlas V của Mỹ trong một thời gian dài. Ngoài việc phóng các vệ tinh dân sự, Atlas V còn được Bộ quốc phòng Mỹ ủy nhiệm phóng cả các vệ tinh quân sự.
RD-180 là một trong những mẫu động cơ đẩy tốt nhất trong trên thế giới, được phát triển trên cở sở thiết kế RD-170 cũ từng được trang bị trên các tên lửa đẩy Energia và Zenit của Nga. Và RD-180 được các chuyên gia tên lửa đánh giá là giới hạn cuối cùng của động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng dựa trên mặt lý thuyết và tính hiệu quả. Từ khi được giới thiệu vào năm 1999 cho đến nay RD-180 đã chứng minh được độ tin cậy của mình.
|
Dù muốn hay không Mỹ cũng phải tiếp tục sử dụng các động cơ đẩy của Nga thêm ít nhất 10 năm nữa.
|
Bên cạnh đó RD-180 lại có giá thành khá hấp dẫn hơn các mẫu động cơ cùng loại của Phương Tây luôn ở một cái giá không tưởng. Bản thân công ty Energomash tiết lộ với RIR rằng, trong giai đoạn trước năm 2010 việc bán các động cơ RD-180 không mang lại mấy lợi nhuận và nó quá rẻ so với giá trị thực tế. Mãi cho đến năm 2011 Energomash mới bắt đầu thu được nguồn lợi từ RD-180, đa phần đều được sử dụng để tái nâng cấp các nhà máy sản xuất của công ty này.
Theo một hợp đồng với Không quân Mỹ, ULA sẽ phải thực hiện tổng cộng 38 lần phóng tên lửa Atlas V nữa trước năm 2020 và 8 lần trong số đó là trong năm nay. Mặt khác ULA chỉ còn hơn 16 động cơ đẩy RD-180.
Cạnh tranh, độc quyền và liên doanh
Động cơ đẩy RD-180 chỉ được sử dụng bởi các tên lửa đẩy của Mỹ và nếu ULA ngưng sử dụng hoàn toàn mẫu động cơ trên sẽ tác động rất lớn đến Energomash, nhiều khả năng công ty này của Nga sẽ phải cắt giảm phần lớn nhân sự và sử dụng nguồn vốn ngân sách hoặc trợ cấp từ chính phủ Nga để duy trì hoạt động. Trong khi đó Nga chỉ sử dụng hai mẫu động cơ đẩy RD-170 và RD-191 cho các tên lửa đẩy Angara của mình.
|
Các phiên bản tên lửa Angara của Nga được trang bị động cơ đẩy thế hệ mới RD-191.
|
Trong năm 2013, một công ty công nghệ hàng không vũ trụ khác của Mỹ là Orbital Sciences cũng từng có kế hoạch sử dụng động cơ đẩy RD-180 của Nga cho tên lửa đẩy Antares của công ty này, nhưng ý định trên nhanh chóng bị ULA can thiệp. Điều này đã khiến Ủy ban Thương mại Mỹ phát động một cuộc điều tra chống độc quyền chống lại tập đoàn liên doanh ULA của Boeing và Lockheed Martin.
Theo đó ULA bị nghi ngờ đã tác động đến liên doanh RD Amross giữa công ty chế tạo động cơ tên lửa Energomash của Nga và công ty Pratt & Whitney Rocketdyne của Mỹ để có thể sử dụng độc quyền động cơ đẩy RD-180 trên các tên lửa đẩy Atlas V.
Còn phía Orbital Sciences đã buộc phải sử dụng động cơ đẩy Aerojet AJ-26 sử dụng nhiên liệu lỏng, biến thể của mẫu động cơ đẩy NK-33 do Cục Thiết kế Kuznetsov của Liên Xô chế tạo từ đầu những năm 1970.
|
Việc Orbital Sciences chọn mẫu động cơ đẩy Aerojet AJ-26 thay cho RD-180 đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đối với công ty này.
|
Trong tháng 10/2014, tên lửa đẩy Antares mang theo tàu không gian Cygnus chở theo hai tấn hàng hóa tiếp tế cho trạm vũ trụ không gian quốc tế ISS đã bất ngờ phát nổ trong quá trình phóng. Ngay sau đó Orbital Sciences đã quyết định ngưng sử dụng bất kỳ mẫu động cơ đẩy nào từ Nga.
Không lâu sau đó vào hôm 10/12, Orbital Sciences lại đưa thông báo trái ngược hoàn toàn là sẽ hợp tác với ULA để triển khai phi thuyền không gian Cygnus trên tên lửa đẩy Atlas V sử dụng động cơ RD-180 do Nga chế tạo.
Nguồn tin quân sự
Tuấn Đặng