Tiết lộ những con số về không quân thế giới năm 2013

Google News

(Kiến Thức) - Với tổng cộng 2.740 chiếc chiến đấu cơ và hàng nghìn loại máy bay khác, nước Mỹ tiếp tục giữ vị trí không quân số 1 thế giới năm 2013.

Tạp chí máy bay quốc tế của Anh mới đây đã đưa ra báo cáo phát triển lực lượng trên không thế giới năm 2013-2014. Theo đó, Mỹ vẫn có số chiến đấu cơ số 1 thế giới, với tổng số chiếm khoảng 19% số lượng toàn thế giới. Bất luận từ góc độ kỹ thuật, chất lượng hay kết quả và số lượng huấn luyện, Mỹ vẫn không thể thay đổi. Trung Quốc tuy có tốc độ phát triển ấn tượng, nhưng muốn đạt đến mức tương đương với Quân đội Mỹ, cũng phải cần đến 20-30 năm.
 Ảnh minh họa.
Năm 2013, Mỹ có tổng cộng 2.740 máy bay chiến đấu (tiêm kích, cường kích, máy bay ném bom…), sếp thứ 2 là Trung Quốc với 1.453 máy bay, thứ 3 là Nga với 1.438 máy bay, hai nước này đều chiếm khoảng 10%. Sếp từ thứ 4 đến 10 lần lượt là Ấn Độ, Triều Tiên, Ai Cập, Hàn Quốc, Pakistan, Nhật Bản và Đài Loan. Trong số này có 7 nước châu Á, điều này cho thấy khu vực châu Á là khu vực tập trung số lượng máy bay chiến đấu nhiều nhất.
Nhìn tổng thể, số lượng máy bay chiến đấu của Trung Quốc chỉ bằng một nửa của Mỹ, mức độ hiện đại chỉ khoảng 40% so với Mỹ, khả năng tác chiến hiệu quả chỉ khoảng 14% so với Mỹ. Nhưng tổng số máy bay chiến đấu của Trung Quốc lại gấp 5 lần Nhật Bản và Đài Loan, hiệu quả tác chiến cũng mạnh hơn hẳn.
 Tiêm kích đa năng F-16 của Mỹ tiếp tục là chiến đấu cơ nhiều nhất thế giới.
Năm 2013, về số lượng các loại máy bay chiến đấu thế giới thì tiêm kích F-16 của Mỹ vẫn đứng đầu với 2.281 chiếc, chiếm 15% tổng số máy bay chiến đấu thế giới, bình quân 7 máy bay chiến đấu trên thế giới có 1 chiếc F-16. Đứng thứ 2 là F/A-18 của Mỹ với 1.008 chiếc và đứng thứ 3 là F-15 của Mỹ với 865 chiếc. Hiện nay máy bay chiến đấu Mỹ chế tạo và Mỹ uỷ quyền sản xuất vẫn chiếm vị trí chủ lực trên thế giới.
Về số lượng máy bay vận tải quân sự trên thế giới đứng đầu là vận tải cơ C-130 của Mỹ chế tạo với 900 chiếc, chiếm 1/5 máy bay cùng loại trên thế giới, đứng thứ 10 trong danh sách này là máy bay Y-8 của Trung Quốc với 101 chiếc, chiếm 2% máy bay vận tải trên thế giới, chỉ bằng 1/9 của C-130.
 C-130 giữ vị trí số 1 thế giới trong làng vận tải cơ, xét số lượng.
Về số lượng máy bay tiếp dầu nhiều nhất trên thế giới, đứng đầu vẫn là Mỹ với 595 chiếc, chiếm 78% thế giới, Nga và A Rập Saudi đứng vị trí thứ 2 và 3. Đứng vị trí từ thứ 4 đến 10 lần lượt là Pháp Israel, Anh, Singapore, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha. Còn Trung Quốc không nằm trong danh sách này.
Về số lượng trực thăng quân sự trên thế giới, đứng đầu là trực thăng Black Hawk của Mỹ chế tạo với 3.325 chiếc, chiếm 18% của thế giới; trực thăng Mi-8/17 của Nga và UH-1 của Mỹ đứng vị trí số 2 và 3; trực thăng AH-64 đứng vị trí thứ 4 và trở thành trực thăng chiến đấu nhiều nhất trên thế giới với 1.008 chiếc. Còn lại, có 7 loại trực thăng do Mỹ chế tạo hoặc Mỹ uỷ quyền sản xuất, 2 trực thăng của Nga, 1 trực thăng của Pháp chế tạo đứng từ thứ 4-10. Trong danh sách này không có trực thăng của Trung Quốc.
 Trực thăng vận tải quân sự Mi-8/17 của Nga giữ vị trí nhiều thứ 2 trên thế giới.
Về số lượng máy bay tác chiến đặc chủng (máy bay cảnh báo, máy bay tác chiến điện từ, máy bay thu thập tình báo, máy bay tác chiến tâm lý và máy bay chống ngầm) nhiều nhất thế giới vẫn là Mỹ, với 871 máy bay chiếm khoảng 46% của thế giới. Nhật Bản, Nga và Trung Quốc lần lượt chiếm vị trí từ 2 đến 4, trong đó Nhật Bản có 154 máy bay đặc chủng, còn Trung Quốc có 51 máy bay, chỉ bằng 1/3 của Nhật Bản, đây là lý do chủ yếu Nhật Bản có lực lượng máy bay chống ngầm thứ 2 thế giới.
Dù vậy, những năm gần đây Trung Quốc phát triển nhanh chóng về nghiên cứu máy bay đặc chủng, số lượng máy bay đặc chủng của Trung Quốc đang được nâng cao nhanh chóng, dự kiến trong 3 năm tới sẽ vượt qua Nga, và đến năm 2020 có thể vượt qua Nhật Bản.
Bằng Hữu