Việc đưa tàu Trường Xuân 150 vào trang bị Hạm đội Đông Hải có thể là nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu cho Hải quân Trung Quốc trong bối cảnh xảy ra những căng thẳng với Nhật Bản quanh khu vực tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.
Trường Xuân 150 thuộc lớp tàu Type 052C Lữ Dương II, được coi là “chiến hạm Aegis của Trung Quốc” với năng lực phòng không tầm xa, tầm cao.
Sở dĩ con tàu được gọi là “chiến hạm Aegis” một phần vì kiểu thiết kế hệ thống anten radar mạng pha đa chức năng được lắp ở tháp điều khiển. Tất cả các tàu chiến Aegis của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có nét thiết kế này. Tất nhiên, Type 052C chỉ có đặc điểm giống về hình thức, còn xét “bản chất” thì con tàu không được trang bị hệ thống chiến đấu nào tương đương với Aegis của Mỹ.
Dù vậy, Type 052C vẫn được đánh giá là một trong những chiến hạm tiên tiến trên thế giới với hệ thống hỏa lực mạnh có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu trên không, trên biển, trên đất liền.
Chiến hạm phòng không tầm xa đầu tiên
Mục đích thiết kế ban đầu của Type 052C là dành cho nhiệm vụ phòng không tầm xa để hộ tống tàu sân bay, tàu chiến trong hạm đội.
Vì thế, Type 052C được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến HHQ-9 (biến thể của hệ thống HQ-9 trên đất liền) cho phép tấn công tiêu diệt mục tiêu ở tầm xa tới 200km, độ cao tối đa 30km. Theo một số nguồn tin, đạn tên lửa HHQ-9 cũng có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở tầm xa 30km.
Đạn tên lửa HHQ-9 được đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng (6 cụm, 48 ống) nằm ở boong tàu phía trước. Tên lửa sẽ bắn theo nguyên tắc “phóng lạnh”, tức là quả đạn sẽ được đẩy ra khỏi ống phóng rồi động cơ mới kích hoạt ở độ cao thấp. Phương pháp phóng đạn này giúp giảm thiểu thiệt hại cho cấu trúc thân tàu khi động cơ rocket khởi động.
|
Cận cảnh hệ thống ống phóng thẳng đứng chứa đạn HHQ-9 nằm ở ngay sau tháp pháo. |
Với hệ thống HHQ-9, Type 052C Lữ Dương II được xem là chiến hạm đầu tiên của Hải quân Trung Quốc có khả năng phòng không tầm cao, tầm xa. Trước đó, hầu hết các chiến hạm của Trung Quốc đều chỉ có năng lực phòng không tầm thấp, tầm trung.
Trong tác chiến chống tàu mặt nước, Type 052C được trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống tàu YJ-62 (8 ống phóng đặt ở giữa thân tàu). YJ-62 đạt tầm bắn xa tới 280km, trong pha cuối tiếp cận mục tiêu quả đạn chỉ bay cách mặt biển 7-10m gây khó khăn cho vũ khí đánh chặn của đối phương.
Theo một số nguồn tin không chính thức, YJ-62 được cho là có khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền ở tầm bắn tương tự.
|
Type 052C phóng tên lửa đối không tầm xa HHQ-9. |
Ngoài 2 hệ thống vũ khí chính trên, Type 052C còn trang bị pháo hạm 100mm dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên không (máy bay, tên lửa) và mặt biển, tốc độ bắn 90 viên/phút.
Type 052C cũng trang bị 2 hệ thống pháo phòng không tầm gần Type 730 có tốc độ bắn 4.600-5.800 viên/phút, tầm bắn 3.000m. Đây được xem là “lá chắn” cuối cùng chống mục tiêu tên lửa (hoặc máy bay) của đối phương nếu HHQ-9 thất bại trong đánh chặn.
Cuối cùng, hỏa lực săn tàu ngầm của Type 052C trang bị 6 máy phóng ngư lôi và một trực thăng săn ngầm Ka-27 hoặc Z-9C đậu ở đuôi tàu.
Hệ thống chiến đấu bí ẩn
Để con tàu có khả năng làm nhiệm vụ phòng không, chống mục tiêu mặt nước, tác chiến chống ngầm đa năng như vậy cần có hệ thống chiến đấu tiên tiến tích hợp.
Hầu hết các tàu chiến Trung Quốc đều sử dụng hệ chỉ huy và chiến đấu cải tiến dựa trên loại Thomson-CSF TAVITAC của Pháp. Về phần Type 052C được trang bị hệ thống chiến đấu tiên tiến hơn nhưng không rõ tên gọi, thông số.
Theo trang tin Sinodefence, hệ thống chiến đấu của Type 052C gồm nhiều thành phần phụ hợp thành: hệ thống radar mạng pha; hệ thống kiểm soát và quyết định; hệ thống hiển thị chiến trường và hệ thống điều khiển hỏa lực. Cách bố trí của hệ thống này tương đương với thành phần của hệ thống chiến đấu Aegis.
|
Khu trục phòng không Type 052C mang tên Trường Xuân 150. |
Nguyên lý hoạt động của hệ thống chiến đấu này là, hệ thống kiểm soát và quyết định sẽ tiếp nhận dữ liệu từ cảm biến trên tàu (radar trinh sát trên không, mặt biển) và cung cấp lệnh điều khiển, kiểm soát, đánh giá mối nguy hiểm. Sau đó, hệ thống điều khiển hỏa lực tiếp nhận lệnh tấn công từ hệ thống kiểm soát và quyết định, rồi lựa chọn vũ khí tiêu diệt mục tiêu.
Hệ thống chiến đấu này sẽ đảm bảo cho con tàu có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu trên không cùng lúc (tên lửa chống tàu, máy bay). Nó cũng cho phép con tàu đóng vai trò truyền thông tin chiến đấu tới tàu bạn và máy bay thông qua kênh liên kết dữ liệu và liên lạc vệ tinh.
Có thể nói, Type 052C Lữ Dương II là chiến hạm phòng không mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc. Hiện nay, với tàu Trường Xuân 150, Trung Quốc đã sở hữu 4 tàu Type 052C được biên chế ở Hạm đội Nam Hải và Đông Hải.
Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ đưa vào trang bị tàu khu trục phòng không Type 052D dựa trên Type 052C với việc nâng cấp trang bị thêm hệ thống vũ khí, điện tử.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Hoàng Lê