Trong giai đoạn 2013-2015, Mỹ dự kiến sẽ loại khỏi biên chế 10 khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry đã lỗi thời. Toàn bộ số tàu này theo thông lệ được Mỹ “cho không hoặc bán rẻ” cho các nước đồng minh.
Nếu kế hoạch “cho không” được Quốc hội Mỹ thông qua thì Hải quân Hoàng gia Thái Lan có cơ hội sở hữu 2 chiếc. Tuy nhiên, Thái Lan có thể sẽ phải trả chi phí để sửa chữa và tân trang 2 tàu do các nhà thầu Mỹ thực hiện.
Ngoài Thái Lan, Hải quân Mỹ cũng sẽ “tặng” 2 tàu Oliver Hazard Perry cho Hải quân Mexico và 4 tàu cho Hải quân Đài Loan với cùng điều khoản trên.
Khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry do Mỹ thiết kế từ giữa những năm 1970 để hộ tống các đoàn tàu đổ bộ, tàu hậu cần, nhóm tàu sân bay chiến đấu. Nó cũng có thể đảm nhiệm các hoạt động khác như giám sát hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp, hoạt động đánh bắt cá trái phép.
Việc sản xuất Oliver Hazard Perry thực hiện trong giai đoạn 1975-2004, có tới 71 chiếc được chế tạo tại các nhà máy Mỹ, Australia, Tây Ban Nha và Đài Loan. Hiện nay, đội tàu Oliver Hazard Perry trong Hải quân Mỹ (gồm 61 chiếc), một phần đã bị loại biên chế và chuyển giao cho các nước đồng minh.
Khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry.
Khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry có lượng giãn nước 4.200 tấn (toàn tải), chiều dài tổng thể 136m. Hệ thống động lực trên tàu gồm 2 động cơ tuốc bin khí GE LM2500-30 và 2 động cơ phụ cung cấp điện. Con tàu có khả năng đạt tốc độ tối đa 54km/h, tầm hoạt động 8.300km.
Tàu được trang bị các hệ thống radar trinh sát đường không AN/SPS-49(V)5 có khả năng phát hiện mục tiêu máy bay ở tầm 460km, radar trinh sát mặt biển AN/SPS-55, đài radar định vị, thiết bị thông tin liên lạc…
Để hỗ trợ nhiệm vụ săn lùng tàu ngầm, lớp Oliver Hazard Perry trang bị hệ thống chiến đấu săn ngầm AN/SQQ-89(CV)2. Hệ thống này được tích hợp: hệ thống định vị thủy âm chủ động - bị động gắn dưới thân tàu và kéo rê phía sau tàu.
Hệ thống vũ khí trên tàu được thiết kế để đảm nhiệm các nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu trên mặt nước, dưới mặt nước và trên không.
Trong đó, để tiêu diệt mục tiêu trên mặt nước, Oliver Hazard Perry trang bị pháo hạm Oto Melara Mk75 cỡ 76mm có khả năng tiêu diệt mục tiêu cỡ nhỏ tầm gần ở cự ly tối đa 16km. Khi cần, pháo Mk75 cũng có thể tiêu diệt mục tiêu trên không ở tầm bắn tới 12km.
Hỏa lực diệt hạm chủ lực của tàu là tổ hợp tên lửa hành trình đối hạm RGM-84 Harpoon (tầm bắn 130km) được phóng đi từ bệ phóng Mk 13.
Bệ phóng Mk 13 cũng được dùng để bắn tên lửa đối không tầm trung SM-1MR (dự trữ 40 đạn) có khả năng bắn hạ mục tiêu ở trần bay hơn 24.000m, tầm bắn từ 70-170km.
Tên lửa đối không SM-1MR khởi động trên bệ phóng Mk 13.
Ngoài SM-1MR, tàu Oliver Hazard Perry còn trang bị tổ hợp pháo phòng không tầm cực gần Phalanx Mk15 Block 1B (tầm bắn 1.500m) cung cấp khả năng đánh chặn tên lửa hành trình đối hạm và chống máy bay tầm thấp.
Để thực hiện nhiệm vụ săn lùng tàu ngầm, Oliver Hazard Perry trang bị 2 cụm máy phóng MK32 bắn ngư lôi hạng nhẹ Mk46 (tiêu diệt mục tiêu ở tầm 11km) và ngư lôi hạng nặng Mk50 (tiêu diệt mục tiêu ở tầm 15km).
Có thể nói, với hệ thống vũ khí như vậy khi về tới Đông Nam Á, Oliver Hazard Perry sẽ có hỏa lực mạnh hơn tất cả các chiến hạm khác trong khu vực, kể cả khinh hạm Formidable được xem là hiện đại nhất khu vực.
Tuy nhiên, đầu những năm 2000, Hải quân Mỹ đã tiến hành gỡ bỏ hầu hết các bệ phóng Mk13, hệ thống tên lửa chống tàu RGM-84 Harpoon và tên lửa đối không SM-1MR trên tàu. Như vậy, Oliver Hazard Perry mất hoàn toàn khả năng phòng không tầm trung và tiêu diệt mục tiêu trên biển ở tầm xa.
Với “những gì còn lại” (chỉ gồm pháo hạm và pháo phòng không), vai trò của Oliver Hazard Perry chỉ đơn thuần là làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ bờ biển, có thể tham gia tiêu diệt tàu chiến tàu đổ bộ đối phương ở tầm gần. Nếu Thái Lan muốn con tàu đảm nhiệm vai trò chiến đấu chống mục tiêu mặt nước tầm xa thì phải "đổ thêm tiền" để nhà thầu Mỹ tái trang bị.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Hoàng Lê