PGS.TS Nguyễn Đức Ân, nguyên Vụ phó
Vụ Kỹ thuật, Bộ GTVT, người trực tiếp tham gia nghiên cứu và chuyển giao
công nghệ cho các tỉnh miền Bắc (lúc đó ông là Trưởng phòng Kỹ thuật,
Viện Nghiên cứu thiết kế tàu thủy, Bộ GTVT), kể về thế hệ tàu thuyền
này.
Tìm vật liệu mới
Trong tư liệu của PGS.TS Nguyễn Đức Ân còn duy nhất một bức ảnh đen trắng về con tàu trọng tải 300 tấn đầu tiên bằng xi măng lưới thép của Việt Nam. Ông bồi hồi nhớ lại: "Đó là vào những năm của thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, kinh tế của cả nước còn vô cùng khó khăn, việc nhập khẩu vật liệu sắt thép đóng tàu rất đắt, giá cao nên chúng ta chưa thể có điều kiện. Nhà nước không có kinh phí, tư nhân thì không thể đầu tư lớn vào lĩnh vực đóng tàu thuyền. Miền Bắc không có gỗ, chỉ toàn gỗ tạp đóng tàu sử dụng vài tháng là hỏng.
Lúc này, chúng tôi đã nghiên cứu cách ngâm tẩm gỗ loại 3, loại 4 để chống mối mọt. Lúc đó đường sắt cũng làm những thanh ngang (tà vẹt) bằng gỗ ngâm tẩm. Cách đó cũng có thể áp dụng cho tàu thuyền, nhưng nhận thấy việc nếu các chất chống mối mọt ngấm vào tôm cá, hải sản chứa trong thuyền thì rất nguy hiểm cho sức khoẻ, nên chúng tôi nghĩ đến hướng sử dụng vật liệu khác".
Nhóm của PGS.TS Nguyễn Đức Ân thuộc Viện Nghiên cứu thiết kế tàu thủy của Cục Cơ khí, Bộ GTVT nhận nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo tàu thuyền xi măng lưới thép. Đề tài chú trọng đến việc phương tiện phải phù hợp với thực tiễn sông ngòi, điều kiện giao thông thủy và trình độ đóng tàu thuyền ở các địa phương của Việt Nam. Công trình nghiên cứu đã thành công trong một thời gian ngắn.
|
Ảnh tư liệu con tàu xi măng lưới thép trọng tải 300 tấn đầu tiên tại Việt Nam
trong ngày ra khơi.
|
Tàu xi măng lưới thép ra đời
Sau khi nghiên cứu thành công, PGS.TS Nguyễn Đức Ân là một trong những người trực tiếp đưa công nghệ này đến với bà con và ứng dụng đầu tiên là tại tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Điểm chuyển giao kỹ thuật hướng dẫn bà con đóng tàu thuyền bằng xi măng lưới thép đầu tiên tại HTX vận tải Kênh Gà, Gia Viễn (Ninh Bình) và HTX đóng tàu thuyền Quyết Thắng (Nam Định). Sản xuất nhiều nhất là những tàu thuyền trọng tải 40 - 50 tấn vì nó phù hợp với khả năng đầu tư của các gia đình, của hợp tác xã và phù hợp với nhu cầu sử dụng. Con tàu trọng tải 300 tấn do nhóm nghiên cứu của Viện Tàu thủy thực hiện cũng ra đời tại miền quê Hà Nam Ninh này.
Vật liệu thi công tàu thuyền chủ yếu gồm xi măng P400 + 500, thép tròn các loại, đá dăm, cát vàng, lưới thép. Thuyền kết cấu theo hệ thống ngang với khoảng sườn thực tế là 500mm. Các kết cấu trên khung sườn đều được đổ hỗn hợp vữa, xi măng, đá dăm làm tăng độ bền kết cấu. Ngoài ra, còn các loại vật liệu phụ như hắc ín, sơn. Thuyền có khả năng chuyên chở 40 - 50 tấn hàng như than, cát, đá, bao kiện... lưu thông trên sông có độ sâu trên 1,5m. Với trọng tải 50 tấn, tàu có vận tốc khoảng 9km/giờ, công suất máy trên dưới 50 mã lực.
Đặc biệt là loại tàu này hầu như không có mối hàn nào mà mối nối được buộc bằng tay. Những thợ nề cũng thực hiện được dễ dàng nhờ sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. "Chúng tôi hướng dẫn bà con làm theo đúng kỹ thuật, với vật liệu xi măng đúng mác dùng cho đóng tàu thuyền thì tỷ lệ pha trộn với cát khác với xây nhà, yêu cầu phải chắc để khi va đập vào bất cứ điểm nào trên tàu cũng không bị vỡ", PGS.TS Nguyễn Đức Ân nói.
Tận dụng triệt để khả năng sử dụng nguyên vật liệu trong nước như xi măng, thép, tự chế tạo từ phế liệu, tự nung kéo thành sợi, vải lưới tự dệt... nên giá thành con tàu thấp. Phong trào đóng tàu thuyền bằng xi măng lưới thép rầm rộ là vì thế. Tuy trọng lượng tàu hơi nặng nề, nhưng phù hợp với điều kiện đầu tư, tiếp nhận công nghệ của bà con thời điểm đó. Nguyên liệu tự chế, dễ làm, dễ sửa chữa, dùng được trong mọi hoàn cảnh thời tiết, bền lâu. Lượng sắt thép dùng cho mỗi con tàu chỉ bằng 1/4 so với lượng sắt thép dùng cho một con tàu cùng cỡ.
Sau
Hà Nam Ninh thì đến hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đều triển khai
chế tạo loại tàu thuyền này, chỉ một thời gian ngắn chuyển giao và giám
sát chế tạo tàu thuyền bằng vật liệu xi măng lưới thép, tới khoảng cuối
năm 1980 toàn miền Bắc đã có hơn 3.000 tàu thuyền làm từ vật liệu này,
góp phần phục vụ đắc lực cho vận tải đường thủy. Nghiên cứu ứng dụng này
thực sự mang lại thành quả rất lớn cho miền Bắc trong kinh tế dân sinh.
Ngày nay ở phía Bắc, một số địa phương vẫn đang sử dụng loại tàu này.
|
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Quỳnh Hương