Theo thống kê các tổ chức nghiên cứu quân sự uy tín thế giới, lực lượng tàu ngầm Hạm đội Nam Hải hiện nay chỉ trang bị tàu ngầm “cổ lỗ, chất lượng kém” Type 033 lớp Romeo và Type 035 lớp Minh.
Tuy nhiên, theo một số bức ảnh mới được trang Chinamil công bố gần đây cho thấy, dường như Hạm đội Nam Hải đã được trang bị tàu ngầm tấn công hiện đại Type 039 lớp Tống.
Tàu ngầm tấn công chạy động cơ điện – diesel Type 039 lớp Tống là một nỗ lực của Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại.
Chiếc tàu ngầm đầu tiên của Type 039 lớp Tống được khởi đóng vào năm 1991, hạ thủy vào tháng 5/1994. Tàu có thiết kế thủy động lực học hình giọt nước, đài chỉ huy được thiết kế thấp hơn, 2 bên tháp chỉ huy trang bị 2 cánh ổn định ngang.
|
Chiếc tàu ngầm mang đặc điểm Type 039 thuộc Hạm đội Nam Hải trong một cuộc diễn tập. |
Tuy nhiên, chiếc đầu tiên mang số hiệu 320 đã không được chấp nhận đưa vào sử dụng do quá nhiều vấn đề về kỹ thuật và cũng như hiệu suất. Mãi đến tháng 6/1999, 5 năm sau khi được hạ thủy tàu ngầm này mới được chấp nhận vào trang bị khi đã trải qua một loạt nâng cấp.
Trung Quốc phải thiết kế lại khá nhiều cho tàu ngầm này và được giới thiệu với biến thể mới mang tên Type 039G. Chiếc đầu tiên của biến thể cải tiến này mang số hiệu 321 được khởi đóng vào tháng 11/1999, đưa vào sử dụng từ năm 2001.
Một biến thể nâng cấp khác được giới thiệu vào năm 2004 là Type 039G1, đến thời điểm hiện tại có khoảng 12 chiếc loại này đã được đóng mới và đưa vào sử dụng.
Công nghệ kết hợp Trung Quốc - phương Tây
Tàu ngầm Type 039 lớp Tống được đánh giá là một sự kết hợp giữa các công nghệ của Trung Quốc và phương Tây. Vỏ tàu được phủ một lớp ngói cao su nhằm hấp thụ sóng âm thanh từ các hệ thống định vị thủy âm, tương tự như trên tàu ngầm Kilo của Nga.
Type 039 là chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc được trang bị chân vịt 7 cánh do Trung Quốc thiết kế nhằm giảm tối đa độ ồn khi hoạt động. Hệ thống truyền động của chân vịt được đặt trên một hệ thống chống rung có khả năng hấp thụ các rung động của động cơ để giảm tiếng ồn.
|
Tàu ngầm tấn công pha trộn kỹ thuật "Đông - Tây" Type 039 lớp Tống. |
Lớp tàu ngầm này được trang bị hệ thống định vị thủy âm do Trung Quốc sản xuất dựa trên hệ thống định vị thủy âm Thomson CSF TSM-2233 của Pháp được gắn ở 2 bên sườn tàu. Hệ thống này có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 30km , theo dõi đồng thời 4 mục tiêu.
Ngoài ra, tàu ngầm này còn được trang bị bổ sung hệ thống định vị thủy âm H/SQG-04. Để phát hiện các mục tiêu mặt nước, tàu ngầm được trang bị radar Type 921, tầm phát hiện mục tiêu của loại radar này không được công bố.
Bên cạnh đó tàu ngầm còn được trang bị hệ thống dữ liệu chiến đấu đa chức năng được nâng cấp từ hệ thống trang bị trên tàu ngầm Type 035 lớp Minh. Tính năng của hệ thống này rất khó để kiểm chứng một cách độc lập. Tàu còn được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử SRW209 hoạt động tự động hoàn toàn hoặc điều khiển bằng tay.
Tàu ngầm thông thường đầu tiên phóng tên lửa dưới mặt nước
Tàu ngầm Type 035 lớp Tống được trang bị 6 máy phóng ngư lôi đường kính 533mm, loại máy phóng này có thể sử dụng để phóng tên lửa chống tàu YJ-82. Đây cũng chính là lớp tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc có khả năng phóng tên lửa chống hạm ở trạng thái ngập nước, tuy nhiên ở độ sâu nào thì không được công bố.
Tên lửa hành trình chống tàu YJ-82 (hay còn gọi là C-802) có tầm bắn khoảng 80km sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động. Còn ngư lôi chống ngầm Yu-4 và Yu-6 có tầm bắn khoảng 15km, cơ số ngư lôi và tên lửa khoảng 24 quả.
Hệ thống động lực của tàu sử dụng 3 động cơ diesel MTU 16V396SE84 cùng 4 máy phát điện và một động cơ điện. Hệ thống động lực này cung cấp tốc độ tối đa 27km/h khi nổi và 40km/h khi lặn.
|
Lắp ngư lôi lên tàu ngầm Type 039 tại căn cứ Hạm đội Nam Hải. |
“Đe dọa” tàu sân bay Mỹ
Khác với Type 035 lớp Minh gây tiếng vang bằng một vụ tai nạn thảm khốc không rõ nguyên nhân. Type 039 đã gây một sự chú ý đang nể khi “vô tình” tiếp cận tàu sân bay Mỹ trong tầm hỏa lực ngư lôi.
Ngày 26/10/2006, một tàu ngầm Type 039 đã nổi lên cách tàu sân bay USS Kitty Hawk 8km mà không bị phát hiện ngoài khơi quần đảo Okinawa. Sự kiện này đến nay vẫn không được giải thích một cách rõ ràng.
Tàu ngầm của Trung Quốc đã đủ khả năng để qua mặt hệ thống định vị thủy âm được xếp vào hàng bậc nhất thế giới của Mỹ hay Hải quân Mỹ đã cố tình để tàu ngầm này xuất hiện trong phạm vi gần nhất có thể để xác định tần số sóng âm của nó.
Mặc dù được đánh giá là loại tàu ngầm nội địa hiện đại nhất Trung Quốc đang hoạt động nhưng các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định, về tổng thể, tàu ngầm lớp Tống có công nghệ tương đương với các tàu ngầm của phương Tây được đưa vào sử dụng trong những năm 1980.
Như vậy loại tàu ngầm chủ lực của Trung Quốc bị đánh giá lạc hậu hơn 20 năm so với các tàu ngầm cùng loại của phương Tây. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đóng mới khoảng 75 chiếc loại này đến năm 2020.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Hoàng Lê