Thông tin này được đăng tải trên Ordnance Knowledge – tạp chí của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
DF-15C là biến thể cải tiến của tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-15 (hay còn gọi là Đông Phong 15, NATO định danh là CSS-6) do Viện Công nghệ Động cơ tên lửa thiết kế vào giữa những năm 1980. Các cuộc thử tên lửa được thực hiện vào cuối những năm 1980 trên sa mạc Gobi. DF-15 lần đầu tiên được công khai trong cuộc triển lãm quốc phòng ở Bắc Kinh năm 1988.
Nguyên bản DF-15 nặng 6,2 tấn, dài 9,1m, đường kính thân 1m, trang bị động cơ nhiên liệu rắn cho tầm bắn 600km.
Theo tờ Hoàn Cầu, một bức ảnh về biến thể tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-15C lần đầu được tiết lộ vào năm 2007. So với DF-15 gốc, DF-15C được trang bị công nghệ mới đem lại độ chính xác cao hơn.
“DF-15C có thể định hướng tới mục tiêu với hệ thống dẫn đường radar kích hoạt ở pha cuối hoặc hệ thống dẫn đường hồng ngoại. Với tầm bắn 700km, bán kính lệch mục tiêu của DF-15C chỉ khoảng 15-20m. Tầm bắn của DF-15C có thể bao quát mọi mục tiêu giữa Kyushu của Nhật Bản và New Delhi Ấn Độ”, Hoàn Cầu cho biết.
|
Tên lửa đạn đạo công phá boongke DF-15C bắn thử nghiệm.
|
Theo Ordnance Knowledge, biến thể DF-15C trang bị đầu đạn mới được thiết kế để phá hủy trung tâm chỉ huy dưới lòng đất hoặc cơ sở quân sự quan trọng khác để đối phó với chiến tranh phi đối xứng của Đài Loan chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ Trung Quốc.
Có lẽ DF-15C mới được dùng để ngắm vào mục tiêu quan trọng nhất Đài Loan – Trung tâm chỉ huy quân sự Heng Shan đặt tại Đài Bắc. Nơi đây được thiết kế vào năm 1978 như trung tâm chỉ huy quân sự thời chiến có khả năng kháng chịu vụ nổ hạt nhân 20 kiloton, vụ nổ bom thông thường 2 Kiloton hoặc vũ khí xung điện tử.
Ngoài ra, căn cứ không quân Chiashan nằm ở thành phố ven biển phía đông Hoa Liên cũng là một mục tiêu lớn.
“Bằng việc phá hủy các trung tâm chỉ huy đầu não, căn cứ lớn khiến Quân đội Đài Loan không thể hiệp đồng tác chiến hiệu quả chống lại cuộc tấn công”, tạp chí Ordnance Knowledge nhận định.
Hoàng Lê