Trung Quốc trơ trẽn quảng cáo xe tăng vượt trội T-14 Armata

Google News

(Kiến Thức) - Nhằm thúc đẩy doanh số, Trung Quốc quảng cáo xe tăng do nước này sản xuất bằng cách "nhấn chìm" các siêu phẩm tăng do Nga chế tạo.

Đối mặt với tình hình giảm mạnh doanh số bán xe tăng trên thế giới, Trung Quốc quảng cáo xe tăng bằng những chiêu trò "khó đỡ".
Sử dụng kênh thông tin phi chính thống
Tờ Chinadaily ngày 5/6 cho hay, nhằm thực hiện nỗ lực tăng doanh số bán các xe tăng của mình trong bối cảnh sụt giảm nhu cầu trên toàn cầu, Tập đoàn Công nghiệp Phương Bắc (Norinco) Trung Quốc, một nhà sản xuất và phát triển các vũ khí mặt đất lớn nhất nước này, đã sử dụng cả ứng dụng mạng xã hội phổ biến trên điện thoại di động WeChat.
Theo đó, WeChat thường được các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc sử dụng để tung ra các bài viết so sánh giữa vũ khí của họ với các sản phẩm vũ khí của các nước khác, với những nội dung mà các nhà sản xuất Trung Quốc thường không đăng trên các trang web chính thức của mình vì liên quan tới những vấn đề đối ngoại.
Trung Quoc tro tren quang cao xe tang vuot troi T-14 Armata
Norinco không ngớt lời ca ngợi VT-4 trên WeChat.
Giống với nhiều hãng công nghệ quốc phòng nhà nước khác của Trung Quốc, nhà sản xuất xe tăng Norinco cũng đang thúc đẩy quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình lên ứng dụng WeChat, một ứng dụng hiện có hơn 500 triệu người sử dụng.
Gần đây nhất, hãng xe tăng này đã đăng tải một bài viết lên tài khoản WeChat của mình với nội dung cho rằng các xe tăng của Norinco còn hữu ích hơn so với các xe tăng hiện đại nhất T-14 Armata của Nga.
“Các dây chuyền sản xuất xe tăng đã bị đóng cửa tại các nước phương Tây trong một thời gian dài, vì thế trong số các nhà sản xuất xe tăng lớn hiện nay, chỉ có Trung Quốc và Nga là có các cơ sở như vậy. Điều đó có nghĩa rằng, nếu một khách hàng quốc tế muốn mua một xe tăng mới, thì chỉ có thể lựa chọn giữa xe tăng Trung Quốc và xe tăng Nga”, nhà sản xuất xe tăng duy nhất Trung Quốc Norinco cho biết trên WeChat và được tờ Chinadaily dẫn lại.
Thậm chí, bài viết đăng trên tài khoản Wechat của Norinco còn khẳng định, “hiện nay, Nga chỉ có một loại xe tăng mới dành cho xuất khẩu là T-90. Ngược lại, Norinco có tới ba loại xe tăng: xe tăng tầm thấp VT-2, tầm trung VT-1 và tầm cao VT-4, đáp ứng được các yêu cầu của hầu hết các khách hàng trên thị trường quốc tế”.
Trung Quốc đang là một đối thủ cạnh tranh chính của Nga đối với nhu cầu mua xe tăng của các nước đang phát triển. Đặc biệt khi thị trường trở nên khan hiếm thì việc cạnh tranh xuất khẩu xe tăng này càng khốc liệt hơn. Một báo cáo vào năm 2014 của Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí toàn cầu ở Moscow cho biết, nhu cầu mua xe tăng mới sẽ sụt giảm mạnh trong những năm 2014-2017 so với cùng kỳ trước. Điều này sẽ khiến cho việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn để giành phần thắng.
Tình hình ấy có thể dễ dàng hiểu hơn khi Norinco quả quyết rằng, xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba T-90 của Nga chỉ có thể xếp ngang hàng với VT-1. Trong khi phiên bản nâng cấp T-90AM không có gì cải tiến đáng kể. Trái lại, Norinco tin VT-4 xuất hiện nhiều trên thị trường xe tăng quốc tế chính là nguyên nhân buộc Nga phải tung T-14 Armata ra để thay đổi tình thế.
Thậm chí, Norinco còn cho rằng, xe tăng mạnh nhất của Nga T-14 Armata yếu hơn so với xe tăng VT-4 Trung Quốc ở các khía cạnh tự động hóa, khả năng cơ động, hệ thống điều khiển hỏa lực và giá cả cạnh tranh.
“Hệ dẫn động của T-14 không được phát triển tốt, như đã được nhìn thấy qua sự cố diễn ra trong buổi diễn tập trước ngày duyệt binh 9/5. Nếu so sánh thì từ trước tới nay VT-4 không bao giờ gặp phải những vấn đề như vậy. Xe tăng của chúng tôi cũng có hệ thống điều khiển hỏa lực mang đẳng cấp thế giới, điểm mà Nga vẫn còn đang phải cố gắng mới tiến kịp”, Norinco nói trong bài viết đăng trên WeChat.
Bài viết tiếp tục: “Vấn đề quan trọng khác là giá cả. T-14 được cho là có một cái giá cao ngang với M1A Abrams của Mỹ…Thế thì tại sao khách hàng không xem xét các xe tăng Trung Quốc, sản phẩm có các công nghệ và trang bị tốt nhưng giá thành lại thấp hơn nhiều?”.
Thổi các tính năng xe tăng lên “mây xanh”
Để tạo thêm ảnh hưởng sâu hơn đối với các khách hàng tiềm năng, Liu Song, một nhà quản lý cao cấp của bộ phận nghiên cứu và phát triển của Norinco, đã đánh giá các tính năng khác của VT-4 như hệ thống hỏa lực mạnh cùng hệ thống trao đổi thông tin tiên tiến.
“Xe tăng có một công cụ điều khiển hỏa lực tiên tiến, hệ thống bảo vệ chủ động kiểu mới và thiết bị dẫn động tự động hoàn toàn với đỉnh cao công nghệ. Thêm vào đó, hệ thống liên lạc bên trong cho phép kết nối chỉ huy xe tăng và các xe thiết giáp trong một nhóm tác chiến, cho phép họ chia sẻ dữ liệu chiến trường trong thời gian thực”, Liu Song nói.
Trung Quoc tro tren quang cao xe tang vuot troi T-14 Armata-Hinh-2
T-14 Armata thậm chí được Norinco tin có sức mạnh yếu hơn VT-4.
Trong khi đó, theo Feng Yibai, thiết kế trưởng xe tăng VT-4 cho biết, xe tăng này được trang bị một động cơ diesel được điều khiển bằng thiết bị điện, có công suất 1.200 mã lực, cho phép xe tăng đạt tốc độ hành trình 68 km/h. Về vũ khí, nó được trang bị pháo nòng trơn 125 mm có thể bắn được rất nhiều loại đạn, gồm cả đạn xuyên giáp động năng và các đầu đạn chống tăng liều nổ mạnh. Nó còn có thể bắn các tên lửa chống tăng với tầm xa tối đa lên tới 5.000 mét.
Thậm chí ngay cả khi trang bị hệ thống hỏa lực mạnh và giáp bảo vệ hạng nặng, VT-4 được cho nhẹ hơn rất nhiều so với các đối thủ cùng phân khúc khác của nước ngoài. Điều đó khiến cho nó có tốc độ và sự cơ động nhanh hơn, Feng nói.
Không những so kè VT-4 với T-14 Armata, Liu Song còn tung hô VT-4 có thể cạnh tranh với bất kỳ xe tăng hàng đầu nào đang được quân đội phương Tây sử dụng, bao gồm cả xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ và Leopard 2A6 của Đức.
Trong suốt sự kiện quảng bá xe tăng vào tháng 8 năm ngoái ở khu tự trị Nội Mông, Norinco đã không quên cho VT-4 trình diễn trước các quan chức quân đội và các nhà thầu quốc phòng từ 44 quốc gia tham dự.
“Rất nhiều nước đã bày tỏ sự quan tâm tới VT-4 sau khi các quan chức của họ đã xem xe tăng này trình diễn. Chúng tôi đang đàm phán với họ về vấn đề này”, Liu Song nói và không trích dẫn ra những chi tiết cụ thể đáng tin cậy. Trong khi Feng tiết lộ hiện mới chỉ có quân đội Pakistan dự kiến sẽ thử nghiệm loại tăng này.
Dù đang nỗ lực tăng cường doanh số bán xe tăng trên thị trường toàn cầu, nhưng nhà sản xuất xe tăng Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với thực tế có rất nhiều đối thủ cạnh tranh nặng ký hơn.
Theo một thống kê của Liên Hợp Quốc, trong giai đoạn 1992-2013, Trung Quốc xuất khẩu tổng cộng 461 xe tăng. Trong đó chủ yếu là Pakistan mua, với số lượng 296 chiếc. Con số đó so với các cường quốc xuất khẩu xe tăng khác thì quả là nhỏ bé. Cùng kỳ, Nga đã bán được 1.297 chiếc xe tăng. Trong khi đứng đầu bảng là Mỹ đã bán được 5.511 xe tăng. Còn Đức cũng bán được con số đáng nể 2.680 xe tăng.
Văn Biên