Việt Nam là quốc gia có truyền thống sử dụng hệ vũ khí (hải, lục, không quân) do Liên Xô (cũ) sản xuất. Trong khi Ukraine sau năm 1991 thừa hưởng khoảng 30% nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh của Liên Xô, vì vậy không lạ khi họ sớm trở thành một trong những đối tác hợp tác kỹ thuật quân sự quan trọng với Việt Nam trong suốt nhiều năm.
Vũ khí, phụ tùng linh kiện trang bị quân sự do Ukraine cung cấp giúp cho Quân đội Nhân dân Việt Nam duy trì, nâng cao sức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Theo tài liệu về quá trình hiện đại hóa của Quân đội Nhân dân Việt Nam do học giả uy tín Carl Thayer viết, tháng 5/2002, Việt Nam - Ukraine đã đạt được thỏa thuận lớn về hợp tác kỹ thuật quân sự có thời hạn tới năm 2005. Theo các điều khoản của biên bản ghi nhớ này, Ukraine sẽ cung cấp hỗ trợ lớn cho Việt Nam trong hiện đại hóa lực lượng pháo binh, tăng thiết giáp, hợp tác sửa chữa và sản xuất vũ khí, nâng cấp và cung cấp mọi loại trang bị vũ khí khác.
|
Ukraine đã giúp Việt Nam nâng cấp một số máy bay Su-22M4 (Liên Xô sản xuất) để tác chiến đối hải. Ảnh: Airlines.net
|
Phòng không – Không quân
Năm 2004, Việt Nam được báo cáo là đã mua 4-10 máy bay cường kích
Su-22M4 từ Cộng hòa Czech bao gồm cả phụ tùng và đạn dược. Sau đó, Việt Nam đạt được một thỏa thuận với Ukraine để nâng cấp các máy bay bay để phục vụ như nền tảng tên lửa chống tàu.
Trong báo cáo hàng năm với UNROCA, Ukraine tuyên bố đã bán 6 máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi MiG-21UMS (năm 1996), 10 máy bay huấn luyện chiến đấu
L-39C (năm 2002-2003) và 3 cường kích Su-22 (năm 2005) cho Việt Nam.
Dựa theo điều khoản hợp tác kỹ thuật quân sự Việt Nam-Ukraine được ký năm 2002, trong lĩnh vực phòng không, nước này đã đồng ý cung cấp hỗ trợ nâng cấp hệ thống phòng không Việt Nam gồm radar, tên lửa đất đối không. Nhưng Ukraine không thông báo bất kỳ việc cung cấp tên lửa nào cho UNROCA.
Tháng 7/2013, theo
Interfax-Ukraine, doanh nghiệp nhà nước Ukroboronservis – thành phần của Tập đoàn Nhà nước Ukroboronprom và Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Vạn Xuân (VAXUCO) trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký hợp đồng sửa chữa tại cơ sở Ukraine các động cơ phản lực
AL-31F (trang bị trên tiêm kích Su-27SK/UBK, Su-30MK/MK2) của Nga bán cho Không quân Nhân dân Việt Nam.
|
Ukraine đang thực hiện hợp đồng sửa chữa lớn động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AL-31F trang bị trên tiêm kích hiện đại Su-27/30 của Việt Nam.
|
Theo bộ phận báo chí Ukroboronprom cho biết, các điều khoản hợp đồng được ký kết mấy ngày trước quy định. Việc sửa chữa động cơ phản lực AL-31F của Nga sẽ được tiến hành tại nhà máy ở Lusk, tỉnh Volynskaya.
Ngoài sửa chữa, theo một hợp đồng riêng, phía Ukraine cũng cung cấp tư vấn kỹ thuật cho các đồng nghiệp Việt Nam sửa chữa động cơ AL-31F. Các chi tiết khác của hợp đồng vừa ký kết không được nêu rõ.
Năm 2008, Việt Nam đã mua 4 hệ thống trinh sát thụ động
Kolchuga từ Ukraine, mỗi bộ có giá 27 triệu USD. Hệ thống này có khả năng phát hiện được máy bay tàng hình.
Hải quân
Theo báo cáo từ hãng xuất khẩu vũ khí Ukrspecexport của Ukraine, trong năm 2013, Tổ hợp Zorya-Mashproekt đã hoàn thành hợp đồng cung cấp các động cơ đẩy M-15 cho 4 tàu hộ tống tên lửa đầu tiên thuộc Project 12418
Molniya dành cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
|
Ukraine cung cấp động cơ cho các tàu tên lửa Molniya mà Việt Nam đóng với sự chuyển giao công nghệ từ Nga.
|
Nhà máy Ba Son (Việt Nam) đã bắt đầu thử nghiệm 2 tàu tên lửa Project 12418 Molniya, được trang bị với các động cơ tua bin khí do Tổ hợp khoa học - sản xuất chế tạo tubine khí Zorya - Mashproekt của Ukraine chế tạo.
Theo hợp đồng, trong giai đoạn 2011-2013, doanh nghiệp sản xuất động cơ tàu thủy Zorya-Mashproekt sẽ cung cấp các động cơ tuabin khí M-15 để lắp đặt trên 4 tàu tên lửa lớp Molniya đang đóng dưới sự giám sát về chuyên môn, kỹ thuật của các kỹ sư từ Viện thiết kế hải quân Trung ương (TsMKB) Almaz ở St Petersburg cùng với các kỹ sư của nhà máy đóng tàu Vympel.
Zorya-Mashproekt bắt đầu cung cấp những động cơ đầu tiên cho 4 tàu tên lửa Molniya từ tháng 12/2011.
Ukraine muốn tham gia hiện đại hóa Quân đội Việt Nam
Trong cuộc gặp gỡ với Tư lệnh Quân chủng Phòng – Không quân Việt Nam Phương Minh Hòa vào giữa năm 2013, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ukroboronprom (Ukraine) Serhiy Hromov tuyên bố là sẽ gửi đề xuất, kiến nghị tới Việt Nam về việc tham gia hiện đại hóa trang thiết bị phòng không, hải quân, máy bay, xe tăng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Trong tương lai gần, Ukraine sẽ gửi cho các đối tác Việt Nam đề xuất, kiến nghị của mình về việc hiện đại hóa các trang thiết bị phòng không, máy bay, xe bọc thép cũng như hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp thiết bị hải quân Việt Nam”, ông Hromov nói.
|
Ukraine muốn tham gia nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng không cho Việt Nam. Ảnh: Hà Trang
|
Trong cuộc họp giữa ông Serhiy Hromov và Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân Trung tướng Phương Minh Hòa trước khi ký hợp đồng đại tu động cơ AL-31F, 2 bên tái khẳng định thúc đẩy hơn nữa việc tăng cường hợp tác kỹ thuật – quân sự.
Về phía Việt Nam, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam Trung tướng Phương Minh Hòa đánh giá cao các thỏa thuận đã ký kết và triển vọng phát triển hợp tác hơn nữa với Ukraine.
“Ukraine là một trong những đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng. Chúng tôi sẵn sàng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mua sắm vũ khí mới, cũng như hiện đại hóa và kéo dài tuổi thọ các trang thiết bị quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam”, Trung tướng Phương Minh Hòa cho biết.
Ukraine và Việt Nam đã thông qua một kế hoạch và chương trình hợp tác kỹ thuật – quân sự trong giai đoạn 2011-2015 từ tháng 9/2010.
Hoàng Lê