Theo truyền thông Nga, chính phủ nước này đã đồng ý với Trung Quốc cùng mở rộng hợp tác an ninh và lĩnh vực công nghệ quốc phòng. Bắc Kinh mong muốn có được công nghệ cao của ngành công nghiệp chế tạo máy bay từ Moscow, bao gồm đông cơ hàng không, thiết bị điện tử, vũ khí tên lửa trên máy bay.
Chuyên gia phân tích cho rằng, hợp tác với Trung Quốc có thể khiến Nga không thể có được cơ hội hợp tác hữu nghị với phương Tây, ngược lại Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội hợp tác này để sở hữu những công nghệ quốc phòng từ Nga.
Tổng biên tập một tạp chí vũ khí của Nga cho rằng, một loạt các cuộc tiếp xúc của nguyên thủ Trung – Nga là để củng cố hợp tác công nghiệp quốc phòng hai nước, để đạt đến một mức độ chưa từng có.
|
Trung Quốc có lẽ cần những công nghệ (radar, động cơ, vũ khí) trang bị bên trong Su-35 nhiều hơn là một chiếc tiêm kích Su-35.
|
Hiện nay, trong bối cảnh phương Tây trừng phạt quyết liệt, Nga có thể cùng Trung Quốc phát triển dự án công nghệ quốc phòng quy mô lớn. Ngoài chế tạo máy bay vận tải quân sự hạng nặng, Nga có thể đồng ý cung cấp máy bay tiêm kích Su-35S cho Trung Quốc.
Mặt khác do lợi ích địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc và Nga là không đan xen nhau, mà là bổ sung cho nhau. Trong khi xu hướng chính trị và quân sự chủ yếu của Trung Quốc không nhằm vào Nga, mà chủ yếu tập trung và các nước láng giếng phía Nam và phía Tây, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, cho nên sự hợp tác này đều mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Một trong những điều gây thu hút sự quan tâm nhất của dư luận trong hợp tác quân sự Trung – Nga lần này là thương vụ mua máy bay tiêm kích Su-35 của Nga. Nhưng báo chí Nga cho biết, do nhà thiết kế Sukhoi từ chối sửa đổi ngoại hình Su-35, vì vậy thương vụ này có thể sẽ rơi vào bế tắc.
Theo chuyên gia quân sự phương Tây, việc Trung Quốc muốn mua máy bay Su-35 có thể là do việc nghiên cứu phát triển tiêm kích tàng hình J-20 gặp khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất đó có thể là vấn đề động cơ – “điểm yếu cố hữu” của Trung Quốc.
Với việc mua Su-35, Trung Quốc có cơ hội lớn “trên tay” động cơ phản lực thế hệ mới nhất 117S (hay còn gọi là AL-41F) vốn mới chỉ được trang bị trên tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi T-50.
Phó Viện trưởng thứ nhất Học viện Địa Chính trị Nga cho rằng, nhìn từ góc độ quân sự cho thấy, Trung Quốc muốn có được những công nghệ mà nước này còn thiếu hoặc chưa hiện đại để lấp đầy khoảng trống, đặc biệt là động cơ máy bay, thiết bị điện tử hàng không và hệ thống vũ khí tên lửa hàng không như tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất. Trung Quốc tạm thời rất yếu về công nghệ trong những lĩnh vực này.
|
Tuy đã chế tạo được tên lửa hành trình, tên lửa phòng không nhưng Trung Quốc vẫn cần thêm công nghệ cấp độ mới hơn từ Nga. |
Trung Quốc còn hy vọng có được các hệ thống phòng không đặc biệt tối tân của Nga mà điển hình là hệ thống S-400. Ngoài ra, Trung Quốc còn muốn có được công nghệ sản xuất tên lửa hành trình tầm xa như Klub, Kh-101…Trung Quốc cũng rất hứng thú đối với công nghệ sản xuất tàu ngầm, đầu tiên là công nghệ làm giảm độ ồn.
Trong 20 năm qua, Nga đã cung cấp nhiều vũ khí trang bị cho Trung Quốc, bao gồm máy bay tiêm kích Su-27/30, hệ thống phòng không hiện đại (như Tor-M1, S-300), tàu chiến cỡ lớn, tàu ngầm Kilo.
Bước vào thế kỷ 21, Trung Quốc đã trải qua một cuộc cách mạng công nghệ và cho rằng có thể tự chủ việc bảo đảm nhu cầu trang bị cho quân đội, nhưng vẫn không hoàn toàn từ bỏ việc nhập khẩu vũ khí. Năm 2009, Trung Quốc chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu trang bị quân sự và vũ khí Nga, năm 2012 con số này là 12%.
Bằng Hữu