Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện học viên phi công, Trường sĩ quan Không quân đã nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống cabin tập lái máy bay huấn luyện cánh quạt Yak-52 bằng công nghệ mô phỏng. Mô hình bắt đầu ứng dụng tại nhà trường từ năm 2012.
Chủ nhiệm đề tài là Đại tá Nguyễn Trần Hồng, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân và Đại tá Nguyễn Tiến Học, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường. Mục đích của mô phỏng nhằm giúp cho học viên luyện tập điều khiển máy bay từ lúc mở máy, lăn ra đường băng, cất cánh, bay trên không cho đến khi hạ cánh. Quá trình máy bay hoạt động trên không sẽ thực hiện được các bài bay như vòng kín, khu vực, các bài bay phức tạp.
Theo Đại tá Nguyễn Tiến Học, trước đây nhà trường thường dùng phương pháp trực quan bằng mô hình huấn luyện thông qua các trang bị được cắt bổ từ máy bay cũ để người học quan sát, nghiên cứu. Nhược điểm của phương pháp này là người học không được trực tiếp điều khiển, vận hành, nên chất lượng tiếp thu kiến thức hạn chế.
Công nghệ mô phỏng ca-bin tập lái máy bay Yak-52 bằng công nghệ mô phỏng đã khắc phục tình trạng trên. Ca-bin tập lái máy bay Yak-52 bằng công nghệ mô phỏng giúp các học viên tăng thời gian luyện tập trên máy tập, có thể tập bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, phục vụ cho số lượng học viên đông và tiết kiệm kinh phí cho công tác huấn luyện bay.
Đặc biệt, ca-bin tập lái sẽ là nơi làm quen và luyện tập cho các học viên phi công trên loại máy bay Yak-52. Ca-bin Yak-52 bằng công nghệ mô phỏng còn là nơi luyện tập của các phi công trước khi chuyển bài bay, đặc biệt là những bài bay phức tạp.
|
Buồng tập lái máy bay Yak-52 của Trường sĩ quan Không quân. |
Phần cứng của ca-bin là trang thiết bị công nghệ thông tin và khung vỏ máy. Đối với phần mềm mô phỏng, trong quá trình bay, chuyên gia phần mềm tiếp nhận ý tưởng, yêu cầu đặc tả từ các phi công để triển khai viết phần mềm, gồm những module phần mềm lấy, xử lý tín hiệu đầu vào điều khiển máy bay như: lấy xử lý tín hiệu bàn đạp; lấy xử lý tín hiệu cần lái; lấy xử lý tín hiệu tay dầu; lấy xử lý tín hiệu thu thả càng; lấy xử lý tín hiệu vòng quang; lấy xử lý tín hiệu phân loại mục tiêu; bắn tên lửa.
Hệ phần quản lý và hiển thị thông số bay, gồm: Mô phỏng đồng hồ đo độ cao; mô phỏng đồng hồ đo vận tốc bay; đồng hồ thể hiện vòng quay động cơ; đồng hồ định hướng; mô phỏng đồng hồ đo vận tốc lên xuống và tốc độ lượn vòng; mô phỏng đồng hồ chỉ thị đường chân trời; đồng hồ nhiên liệu...
Ở hệ phần mô phỏng bay biên đội gồm: Đồng bộ độ cao tốp máy bay; vận tốc tốp máy hướng tốp máy bay; đồng bộ vận tốc lên xuống và tốc độ lượn vòng tốp máy bay. Hệ thống sinh cảnh 3D sân bay và khu vực quản lý bay nhằm mô phỏng không gian huấn luyện tại sân bay.
Sau nhiều lần nghiên cứu cài đặt, chạy thử và hiệu chỉnh, đối chiếu với ý tưởng và yêu cầu đặt ra ban đầu, hệ thống đã mô phỏng được quá trình điều khiển máy bay Yak-52 từ lúc mới mở máy, lăn ra đường băng, cất cánh, bay trên không cho đến khi hạ cánh. Quá trình máy bay hoạt động trên không đã thực hiện được các bài bay như: Bay vòng kín, khu vực, các bài bay phức tạp...
Tất cả quá trình trên đều xác định được những tham số hoạt động của các trang thiết bị thông qua hệ thống đồng hồ hiển thị trên buồng lái, như: Vòng quay của động cơ, tốc độ bay, độ cao, độ nghiêng, hướng bay. Cụ thể, các tham số hiển thị rõ nét, tương đối chính xác và phù hợp với trạng thái của máy bay. Chuyển động của màn hình đều đặn phù hợp với động cơ của các động tác giản đơn; địa tiêu, địa hình rõ ràng, tương đối giống thực tế; cần tập lái, bàn đạp điều khiển đều đặn ăn lái.
Với hệ thống gọn, đơn giản, dễ sử dụng, thuận lợi cho học viên và giáo viên luyện tập các bài bay, hệ thống ca-bin tập lái máy bay Yak-52 đưa vào khai thác đã giảm đáng kể thời gian huấn luyện bay tại đơn vị, giảm chi phí bay tập; tiết kiệm được một lượng lớn kinh phí về xăng dầu tổ chức bay, giảm đáng kể lực lượng, phương tiện phục vụ; các học viên có thể tập bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và góp phần bảo đảm an toàn trong quá trình bay.
Theo Quân đội Nhân dân