Những năm Chiến tranh Lạnh, công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã tạo ra rất nhiều mẫu vũ khí có tính năng rất độc đáo. Đặc biệt, Liên Xô chế tạo khá nhiều vũ khí chống ngầm nhằm đối phó với hạm đội tàu ngầm hùng hậu của NATO. Một trong những vũ khí độc đáo đó là tên lửa chống ngầm RPK-9 Medvedka.
RPK-9 được thiết kế để có thể trang bị trên các tàu chiến có lượng giãn nước từ 350 tấn trở lên nhằm xây dựng lực lượng chống ngầm hùng hậu. RPK-9 là sự kết hợp giữa một tên lửa và ngư lôi. Cấu hình hệ thống gồm: Tên lửa 87R, đầu đạn là ngư lôi MPT-1U đường kính 324 mm, ống phóng và hệ thống điều khiển hỏa lực.
Cơ chế hoạt động của RPK-9 khá độc đáo, sau khi hệ thống định vị thủy âm phát hiện tàu ngầm đối phương. Sĩ quan điều khiển sẽ nạp tham số mục tiêu vào ngư lôi và phóng đi. Khi đến tọa độ nạp sẵn, ngư lôi sẽ tách ra khỏi tên lửa và rơi xuống nước bằng dù.
|
Tàu chống ngầm cao tốc đề án 1141 trang bị tên lửa diệt tàu ngầm RPK-9. Ảnh: Russian Defence |
Ngư lôi MPT-1U sử dụng đầu dò thủy âm chủ động có chiều dài 3 m, đường kính 324 mm, trọng lượng 325 kg. RPK-9 có thể diệt tàu ngầm đối phương ở độ sâu từ 15 – 500 m. Tên lửa có tầm bắn tối thiểu 1,6 km, tối đa 20,5 km.
Mỗi cụm phóng chứa 4 ống phóng với tổng trọng lượng 9,2 tấn. RPK-9 được trang bị đầu tiên trên dự án tàu cao tốc chống ngầm cỡ nhỏ Project 1141. Tàu được trang bị 2 cụm phóng chứa 8 đạn tên lửa chống ngầm RPK-9.
Ngoài trang bị trên tàu chiến, tên lửa RPK-9 có thể phóng từ bệ phóng trên bờ. Gần đây, nhà sản xuất đã tiến hành nâng cấp RPK-9 Medvedka lên tiêu chuẩn Medvedka 2. Tên lửa mới sử dụng cơ cấu phóng thẳng đứng thay vì phóng nghiêng như trước.
Người ta trang bị cho tên lửa hệ thống điều khiển bay tự động mới cho phép tác chiến hiệu quả hơn. Việc chuyển sang cơ cấu phóng thẳng đứng giúp tên lửa dễ dàng bố trí trên các tàu chiến mới. Hải quân Nga dự định trang bị Medvedka 2 cho tàu hộ vệ cỡ lớn Project 22350.
Quốc Minh