Việt Nam có nên tham khảo xe tăng T-64B1M Ukraine?

Google News

(Kiến Thức) - Gói nâng cấp T-64B1M của Ukraine được đánh giá là mang lại sự hồi sinh mạnh mẽ cho dòng xe tăng tốt nhất thế giới một thời T-64.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-64 do Cục thiết kế Kharkiv Morozov (KMDB, nay thuộc sở hữu của Ukraine) thiết kế phát triển, nhà máy Malyshev sản xuất. Tuy không được xuất khẩu và nổi tiếng trên toàn thế giới như T-54/55, T-62 hay T-72 nhưng T-64 được công nhận là một trong những xe tăng tốt nhất thế giới khi nó ra đời và trong suốt nhiều năm sau đó. T-64 so với T-62 và T-54/55 được áp dụng nhiều công nghệ mới mang tính cách mạng trong phát triển xe tăng.
Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine thừa hưởng khoảng 2.200 chiếc T-64. Đáng tiếc phần lớn xe tăng huyền thoại này đang được lưu trữ trong kho. Gần đây Cục thiết kế máy móc Morozov đã giới thiệu gói nâng cấp T-64 lên tiêu chuẩn T-64B1M được đánh giá sẽ mang lại sự hồi sinh cho dòng xe tăng huyền thoại này.
 Xe tăng chiến đấu chủ lực nâng cấp T-64B1M ấn tượng với tháp pháo rất giống T-90 cùng màu sơn ngụy trang độc đáo.

T-64B1M được phát triển trên cơ sở T-64B1, gói nâng cấp được trang bị loại giáp bảo vệ mới, cải thiện khả năng hỏa lực, trang bị động cơ mạnh hơn. Ban đầu gói nâng cấp T-64B1M dự định sẽ xuất khẩu cho Congo nhưng do bất ổn gần đây trong nước nên nó được chuyển giao cho quân đội Ukraine.

Hiện tại không rõ bao nhiêu chiếc T-64B1M đã được chuyển giao cho quân đội nước này trong cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai. T-64B1M được trang bị module giáp phản ứng nổ Nozh. Nhà phát triển cho rằng, Nozh cung cấp bảo vệ chống lại các loại đạn xuyên giáp liều đúp  và làm giảm sức xuyên của đạn xuyên giáp động năng đến 90%.

Giáp bảo vệ của T-64B1M tương tự như loại được sử dụng trên xe tăng T-64BM Bulat và T-84 Opot. Gói nâng cấp còn được trang bị hệ thống chữa cháy tự động và hệ thống bảo vệ ê kíp chiến đấu trước tác nhân sinh hóa học NBC.

Về vũ khí, T-64B1M được trang bị pháo chính nòng trơn 125mm, kết hợp hệ thống nạp đạn tự động cơ số 37 đạn pháo. Tuy nhiên, điểm hạn chế của T-64B1M là nó không được trang bị tính năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo. Dẫu vậy, thiếu khả năng này không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tác chiến của nó.

 Gói nâng cấp T-64B1M chủ yếu tập trung cải thiện khả năng bảo vệ và tính cơ động của xe tăng.
Vũ khí phụ bao gồm súng máy đồng trục 7,62mm cơ số 1.250 viên đạn và đại liên phòng không 12,7mm cơ số 300 viên đạn. Pháo chính có tầm bắn tối đa 2,5km vào ban ngày và 1,5km vào ban đêm.
T-64B1M có một tháp pháo hình đĩa bay rất ấn tượng tương tự như tháp pháo của xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Nga.

Nhiều khả năng T-64B1M giữ lại hệ thống điều khiển hỏa lực của xe tăng T-64B1. Hệ thống điều khiển hỏa lực này được cho là kém hiện đại. Tuy nhiên, gói nâng cấp T-64B1M được hướng đến thị trường đang phát triển nên có thể coi là phù hợp với điều kiện sử dụng tại các nước này.

Về mặt động lực, T-64B1M được trang bị động cơ diesel tăng áp 6TD, công suất 1.000 mã lực. Động cơ này được phát triển vào đầu những năm 1980, khi đó nó là một lựa chọn tốt hơn, mạnh mẽ hơn so với động cơ 5TD và 5TDF - hai loại động cơ nổi tiếng là kém tin cậy.

Điển hình cho các xe tăng Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, xe tăng này có một cấu hình tương đối thấp. Nó có thể bắn trong vòng từ 12-40 phút tùy thuộc vào địa hình. Xe tăng cũng được trang bị một bộ dụng cụ để vượt sông.

Xét về tổng thể hỏa lực và khả năng cơ động của T-64B1M là tương đương với T-64BM Bulat đang hoạt động trong biên chế lực lượng tăng - thiết giáp Ukraine. T-64B1M có lợi thế về động cơ mạnh mẽ hơn trong khi T-64BM Bulat có lợi thế về hệ thống điều khiển hỏa lực.

Hiện tại, không rõ đơn giá của gói nâng cấp này là bao nhiêu nhưng có thể thấy rằng đây là một lựa chọn phù hợp cho các quốc gia đang phát triển cần hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp. Bản thân T-64 đã là một chiếc xe tăng rất mạnh, từng là “bảo vật quốc gia” của Liên Xô. Gói nâng cấp T-64B1M không chỉ kế thừa mà còn phát huy danh tiếng của xe tăng huyền thoại T-64.

Quốc Minh