- Để vô hiệu hóa đài radar – “trái tim” mạng lưới phòng không Việt Nam, Không quân Mỹ đã sử dụng một loại tên lửa nguy hiểm có thể chọc mù “mắt thần” radar.
“Kẻ thù đáng sợ của mắt thần”
Ngày 30/4/1965, đài radar bắt mục tiêu SON-9A (chỉ thị mục tiêu cho pháo phòng không) bị một quả tên lửa của máy bay Mỹ đánh trúng khi đang làm nhiệm vụ bảo cầu Hàm Rồng. Tháng 8/1965, thêm một đài radar SON-9A bị tên lửa của Mỹ đánh trúng ở Nam Định.
Sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu, các cán bộ kỹ thuật của ta xác định đây là loại tên lửa chống radar AGM-45 Shrike (Việt Nam gọi là “Sơ rai”).
AGM-45 Shrike dài 3,05m, đường kính thân 203mm, trọng lượng phóng 177kg. Tên lửa có tầm bắn tối đa 40km, cự ly phóng hiệu quả 14-18km. Ban đầu, tên lửa thường được phóng từ các máy bay tiêm kích hạm A-4 Sky Hawk, sau này có thêm loại F-105F/G và F-4.
|
Tiêm kích hạng nặng F-4 phóng tên lửa chống radar AGM-45 Shrike. |
Đây là loại tên lửa đặc biệt nguy hiểm đối với các hệ thống radar bắt mục tiêu – điều khiển hỏa lực của phòng không Việt Nam. AGM-45 lắp đầu tự dẫn hoạt động theo nguyên tắc tự động điều khiển theo bức xạ sóng điện tử.
Nghĩa là, khi máy bay Mỹ phát hiện tín hiệu radar mặt đất đang hoạt động thì chúng sẽ phóng AGM-45. Quả tên lửa bám theo cánh sóng radar lao tới, cách mục tiêu 5m hệ thống kích nổ sẽ hoạt động. Đầu nổ của AGM-45 có chứa 30kg thuốc nổ cực mạnh có thể tạo ra vùng sát thương có bán kính từ 120-150m.
Bằng loại tên lửa AGM-45, Không quân Mỹ đã gây cho bộ đội radar những thiệt hại lớn về người và trang thiết bị.
Ban đầu, chúng chỉ đánh vào một số đài radar chỉ thị mục tiêu cho pháo 57mm và 100mm. Nhưng từ năm 1966, Không quân Mỹ sử dụng rất nhiều AGM-45 đánh vào các đài điều khiển của hệ thống tên lửa S-75 Dvina và đài radar đo độ cao làm việc ở rãnh sóng 10cm.
Trước tình hình hết sức căng thẳng, không thể để bộ đội tiếp tục chịu những tổn thất hi sinh mất mát cũng như làm hỏng các bộ khí tài quý giá. Chúng ta đã nhanh chóng tìm ra phương án đối phó.
Cuộc đấu súng mặt đất - trên không
Nguyên tắc hoạt động của AGM-45 là lần theo cánh sóng radar để đánh vào đài. Vì vậy, nếu đài radar tự “triệt tiêu” sóng bằng cách ngừng phát hoặc đổi hướng phát thì tên lửa mất điều khiển. Đây là cách phổ biến mà bộ đội ta áp dụng khắc chế AGM-45.
Tuy nhiên, trong chiến đấu, bộ đội tên lửa thường xuyên phải đối mặt với tình huống hết sức khó khăn. Nếu như áp dụng cách làm trên thì đó là một hành động “tiêu cực chiến đấu”.
Khi đài radar bắt mục tiêu, sĩ quan điều khiển ấn nút phóng tên lửa S-75 Dvina thì đồng thời máy bay địch cũng phóng AGM-45 về phía ta. Nếu sĩ quan chỉ huy ra lệnh ngừng phát sóng thì AGM-45 mất điều khiển, nhưng ta cũng đã tự bỏ quả đạn S-75 Dvina.
|
Cuộc đối đầu với AGM-45 Shrike đòi hỏi người sĩ quan điều tên lửa trước hết phải có tinh thần vững vàng, lòng dũng cảm. |
Vậy tình huống này đặt ra cho bộ đội ta một vấn đề phải giải quyết làm sao vừa “gạt” được AGM-45 vừa kịp đưa tên lửa diệt mục tiêu.
Quả thực, cuộc đối đầu này giống như những cuộc đấu súng ở miền viễn Tây nước Mỹ. Tay súng nào nhanh tay, nhanh mắt, chính xác hơn sẽ là người chiến thắng. Cuộc đấu giữa những người sĩ quan điều khiển tên lửa với AGM-45 cũng vậy.
Trong chiến đấu, nếu ta nhận định khoảng cách giữa AGM-45 với đài điều khiển còn an toàn thì tập trung dẫn đạn tên lửa diệt mục tiêu trước rồi quay ra xủ lý AGM-45 sau. Nhìn chung, cuộc đối đầu này đòi hỏi người sĩ quan điều khiển phải hết sức bình tĩnh, dũng cảm, vững vàng.
Cuốn sách “Điện Biên Phủ trên không - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam” của tác giả Lưu Trọng Lân viết: “Chúng ta hay hình dung tình huống hai quả đạn tên lửa (địch – ta) đang di chuyển ngược chiều nhau trong cùng một cánh sóng với tốc độ cực nhanh. Nếu người sĩ quan điều khiển “gạt” sớm một chút thì không diệt được máy bay. Còn nếu xử lý chậm một li thì đài radar trúng ngay Sơ rai. Điều này đòi hỏi người sĩ quan điều khiển phải hết sức bình tĩnh, dũng cảm để xử lý chính xác”.
Hoàng Lê (tổng hợp)
[links()]