Việt Nam tích cực nghiên cứu cải tiến pháo, tên lửa

Google News

Trong nhiều năm qua, Binh chủng Pháo binh đã đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật pháo binh, tên lửa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) pháo binh biên chế trong quân đội ta có thời gian sử dụng lâu dài, chiếm số lượng lớn đã trải qua chiến đấu, dẫn đến mất đồng bộ và xuống cấp.

Để bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng VKTBKT pháo binh phục vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), huấn luyện, đào tạo và các nhiệm vụ khác, Binh chủng Pháo binh đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện đồng bộ. Trong đó đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ và ứng dụng kết quả các đề tài, dự án và sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác kỹ thuật pháo binh.

Bảo đảm đủ VKTBKT chất lượng tốt phục vụ các nhiệm vụ của binh chủng luôn được ngành kỹ thuật đặt lên hàng đầu. Cùng với việc tiếp nhận, cấp phát, điều chuyển VKTBKT theo yêu cầu của trên, công tác bảo đảm đồng bộ được triển khai tích cực.

Cục Kỹ thuật pháo binh phối hợp với Cục Kỹ thuật binh chủng (Tổng cục Kỹ thuật) nghiên cứu, khảo sát, hợp đồng sửa chữa, đồng bộ các hệ thống pháo tự hành SU-122, SU-152; các tổ hợp tên lửa mặt đất, tên lửa chống tăng; khí tài cho radar khí tượng...

Kết quả Dự án TH-17 qua hai giai đoạn đã được Bộ Quốc phòng thẩm định, nghiệm thu, đưa vào ứng dụng. Ngành kỹ thuật pháo binh đang tập trung sửa chữa, đồng bộ các hệ thống xe dàn 2T3M, bộ giá đạn pháo phản lực BM-21, các xe chuyên dụng KRAZ-255B, máy đo xa lade.
Nhân viên kỹ thuật Lữ đoàn 490 hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật khí tài điều khiển của tổ hợp điều khiển tên lửa mặt đất.

Ngành kỹ thuật pháo binh triển khai ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học-công nghệ mới vào công tác bảo quản, niêm cất dự trữ VKTBKT; sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ bảo đảm kỹ thuật. Ngành kỹ thuật đang áp dụng kết quả đề tài nghiên cứu quy trình niêm cất dài hạn tổ hợp tên lửa mặt đất R17E; đề tài đánh giá sự tác động của môi trường nhiệt đới ẩm với vũ khí trang bị và niên cất nhiên liệu O; đề tài nghiên cứu phương pháp định mức vật chất bảo quản VKTBKT phục vụ SSCĐ cho lữ đoàn tên lửa mặt đất hoạt động dài ngày ở địa hình rừng núi và hang động...
 
Trước thực trạng nhiều hư hỏng của VKTBKT phát sinh trong quá trình niêm cất không thể phát hiện được bằng quan sát thông thường, ngành kỹ thuật đã nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm kiểm tra, khắc phục hư hỏng trong quá trình bảo quản.

Kết quả của đề tài nghiên cứu phương pháp kiểm tra, khắc phục hư hỏng, bảo quản hệ thống phanh xe kéo pháo trong quá trình niêm cất đã được ứng dụng hiệu quả. Các đơn vị tổ chức bảo quản, niêm cất, mở niêm kiểm tra các hệ thống pháo BM-21, pháo 152mm, 130mm; các tổ hợp tên lửa mặt đất, tên lửa pháo binh và các khí tài đồng bộ đúng quy trình công nghệ, do đó bảo đảm chất lượng VKTBKT, khi có lệnh là cơ động, làm nhiệm vụ được ngay.

Đánh giá chất lượng công tác đồng bộ VKTBKT, cần tính đến việc bảo đảm khí tài và trang thiết bị đi cùng. Những năm gần đây, ngành kỹ thuật pháo binh đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, dự án khoa học-công nghệ để nâng cao chất lượng khí tài pháo binh. Cùng với việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu khai thác sử dụng, Binh chủng Pháo binh phối hợp triển khai nghiên cứu thiết kế, chế tạo đài quan sát quang điện tử cho tiểu đoàn pháo binh mặt đất; nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm hệ thống radar đo sơ tốc đạn; nghiên cứu khai thác, bảo đảm kỹ thuật khí tài trinh sát pháo binh thế hệ mới...

Đại tá Phạm Lê Thành, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh khẳng định: “Nhờ ứng dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào các hoạt động công tác kỹ thuật, nên 6 tháng đầu năm 2013, ngành kỹ thuật pháo binh đã hoàn thành đồng bộ hàng chục hệ thống pháo tự hành, pháo mặt đất và xe chuyên dụng; niêm mới và mở niêm, kiểm tra bảo dưỡng, bổ sung đồng bộ VKTBKT đạt 100% kế hoạch; sản xuất hàng nghìn thước chỉ huy pháo binh, giá bắn sa bàn, thiết bị chuẩn bị phần tử bắn; sửa chữa hàng trăm bộ khí tài quang học, kính kinh vĩ phục vụ chuyên ngành”.

Đặc biệt, ngành kỹ thuật pháo binh đã áp dụng hiệu quả các trang bị công nghệ tiên tiến phục vụ bảo đảm kỹ thuật, như việc lắp đặt, khai thác máy tháo lắp bằng khí nén cho trạm sửa chữa của các đơn vị, nhà trường; thiết bị kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe ô tô hiện đại và hệ thống sơn tĩnh điện cho Xưởng X965; lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh cho các kho đạn...
Thử nghiệm kiểm tra máy đo sơ tốc đầu đạn pháo.

Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào huấn luyện khai thác, làm chủ VKTBKT Binh chủng Pháo binh đã đạt được kết quả nổi bật. Những năm qua, các đơn vị pháo binh đã nghiên cứu chế tạo, chuyển giao công nghệ nhiều loại trang thiết bị huấn luyện hiện đại. Đặc biệt là kết quả đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn và chỉ huy bắn pháo binh; nghiên cứu thiết kế, chế tạo ca-bin mô phỏng kíp chiến đấu pháo tự hành SU-152.

Hiện nay, ngành kỹ thuật đang triển khai đề tài nghiên cứu khảo sát, thiết kế chế tạo khối 2B-26 và khối giả định APĐ-8 của bộ luyện sĩ quan phóng thuộc tổ hợp tên lửa R-17E.

Các sản phẩm khoa học-công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật các chuyên ngành pháo tự hành, tên lửa mặt đất, mô hình huấn luyện các hệ thống pháo phản lực bắn loạt, tên lửa chống tăng... đang được ứng dụng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng SSCĐ, làm chủ VKTBKT của bộ đội pháo binh.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Theo Quân đội Nhân dân