Một thập niên trở lại đây, việc thiết kế các tàu chiến có khả năng tàng hình trước các biện pháp trinh sát điện tử đã trở thành một xu hướng chủ đạo của công nghiệp đóng tàu quân sự thế giới. Mặc dù không phải là một cường quốc quân sự lớn trên thế giới nhưng Thụy Điển lại là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển các tàu chiến có khả năng tàng hình.
Trong những năm 1980, khi các quốc gia khác đang tập trung phát triển các tàu khu trục hạng nặng thì Thụy Điển đã phát triển thành công một chiếc xuồng cao tốc HMS Smyge có lượng giãn nước 140 tấn. Con tàu được chế tạo bằng những vật liệu và công nghệ hoàn toàn mới cho phép ứng dụng một số công nghệ mới làm cơ sở định hình cho những thiết kế tàu chiến tương lai.
Các thành tựu công nghệ về vật liệu và thiết kế của dự án Smyge đã tạo tiền đề cho sự phát triển của tàu hộ tống tàng hình lớp Visby. Chương trình Visby được khởi xướng vào năm 1995 và là một trong những chương trình tàu chiến tàng hình đầu tiên của thế giới.
|
Tàu hộ tống tàng hình bậc nhất thế giới Visby.
|
Visby có thiết kế thủy động lực học “quái dị”, hai bên mạn tàu và tháp chỉ huy được thiết kế kiểu như kim tự tháp, tháp pháo phía trước cũng được thiết kế theo kiểu đó. Bộ phận nòng pháo có thể gập vào bên trong tháp pháo tạo nên một khối thống nhất, đuôi tàu vị trí đặt chân vịt được thiết kế theo kiểu bậc thang sâu vào bên trong thân.
Mặt boong tàu phía sau hoàn toàn phẳng lì và không có bất kỳ thiết bị nào trên đó. Thân tàu được làm chủ yếu từ vật liệu sợi carbon ở lõi bên ngoài được bao bọc bằng loại vinyl nhựa giả gỗ. Những phần quan trọng của tàu được làm bằng vật liệu composite, lườn tàu được làm bằng thép cường độ cao.
Loại vật liệu tổng hợp này gần như không có từ tính, khả năng cách nhiệt rất tốt làm giảm tối đa độ bộc lộ hồng ngoại và an toàn hơn trong các trường hợp bị cháy. Vật liệu tổng hợp hầu như không phản xạ radar nên diện tích phản hồi radar của tàu hộ tống tàng hình Visby rất nhỏ.
Ngoài ra, các vật liệu này giúp tàu trở nên nhẹ hơn do đó tàu có tốc độ nhanh hơn và khả năng cơ động cao hơn. Vật liệu composite có trọng lượng nhẹ hơn thép nhưng độ bền cơ học của nó gần như tương đương.
Jan Nilsson một trong những nhà thiết kế của dự án Visby trao đổi với BBC rằng: “Chúng tôi có thể giảm diện tích phản hồi radar xuống đến 99%, điều đó không có nghĩa là vô hình nhưng chúng tôi đã giảm một cách tối đa phạm vi bị phát hiện của tàu”.
|
Mặt cắt của chiếc Visby.
|
Cấu trúc thân tàu được chia thành 8 khoang kín nước, trong đó 3 khoang đầu tiên là nơi làm việc chính của thủy thủ đoàn, hệ thống thiết bị vệ sinh, máy phát điện diesel, hệ thống định vị thủy âm và hệ thống đẩy ở mũi. Khoang thứ 4 là phòng khu vực của phòng khách, phòng ăn, phòng bếp.
Khoang thứ 5 là nơi chứa đạn dược và các loại vũ khí cá nhân khác, khoang này cũng là nơi kiểm soát máy phát điện chính và bể nhiên liệu cho động cơ. Các khoang thứ 6-8 là nơi bố trí một loạt các thiết bị của hệ thống động lực chính, tầng phía trên là nơi bố trí các ống phóng ngư lôi và cơ số đạn cần thiết.
Trong đó khoang thứ 6 được trang bị 2 động cơ diesel MTU 16V 2000 N90 công suất 1.770 mã lực/chiếc. Động cơ được đặt trên một hệ thống đệm có tác dụng hấp thu độ rung của động cơ. Đông cơ diesel được sử dụng khi di chuyển ở tốc độ dưới 15 hải lý/h.
Khoang sau cùng được trang bị 4 động cơ tuabin khí Vericor TF50A với tổng công suất 21.750 mã lực. Hệ thống động lực này có thể giúp tàu di chuyển với tốc độ 35 hải lý/h trong phạm vi 2.500 dặm. Hệ thống truyền động từ động cơ được truyền đến 2 động cơ phản lực nước Kamewa 125SII.
Ở tốc độ 15 hải lý/h, động cơ phản lực nước giúp giảm độ ồn xuống 2 lần so với chân vịt thông thường. Nhằm làm giảm độ bộc lộ hồng ngoại, hệ thống khí thải của 6 động cơ được xả ra phía sau đuôi tàu gần sát mặt nước. Mũi tàu được trang bị thêm 2 động cơ phụ HRP-200-65 cho phép tàu thực hiện các động tác rẽ đột ngột.
|
Pháo tự động 57mm trên Visby khai hỏa.
|
Cảm biến chính của tàu hộ tống tàng hình Visby là radar tìm kiếm mục tiêu GIRAFFE AMB 3D, radar này có khả năng phát hiện tên lửa chống tàu mặt nước ở khoảng cách từ 70-80km, radar điều khiển hỏa lực Ceros 200, radar chiến thuật CS-3701, hệ thống định vị thủy âm CDC Hydra gắn ở mũi tàu và hệ thống định vị thủy âm kéo theo.
Tàu được trang bị hệ thống dữ liệu chiến đấu CICS CETRIS C3. Cấu hình hệ thống bao gồm 2 hệ thống con là hệ thống kiểm soát vũ khí phức tạp 9LV mk3E và hệ thống thông tin chiến thuật MAST. Tất cả các thành phần đều hoạt động trên môi trường kỹ thuật số hiện đại.
Visby là tàu hộ tống tàng hình đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống điện tử cực kỳ đặc biệt. Bất kỳ thủy thủ đoàn nào sử dụng một thiết bị đầu cuối họ có thể nhận được một cách đầy đủ tất cả các dữ liệu điện tử mà họ được truyền truy cập.
Hệ thống vũ khí trên tàu Visby bao gồm: Một pháo tự động Bofors 57 mm Mk3, pháo có tốc độ bắn lên đến 220 viên/phút với phạm vi tiêu diệt mục tiêu từ 10-11km. Đạn pháo được trang bị một ngòi nổ điều khiển từ xa cho phép lựa chọn thời điểm kích nổ đầu đạn để đạt hiệu quả cao nhất.
|
Visby trang bị tên lửa hành trình chống tàu RBS 15 Mk2.
|
4 tàu Visby đầu tiên được trang bị 4 ống phóng ngư lôi đường kính 400mm được bố trí ở 2 bên mạn tàu phía sau. Ống phóng ngư lôi được bố trí bên trong các thân tàu, khi tác chiến các cửa sổ sẽ mở ra còn bình thường thì đóng lại để giảm mặt cắt radar.
Từ tàu Visby thứ 5, ống phóng ngư lôi được thay thế bằng tên lửa chống hạm Saab Bofors Dynamics RBS 15 Mk2 tầm bắn 200km. Một hệ thống tên lửa phòng không Saab Bofors Dynamics RBS 23 BAMSE được bố trí trong các ống phóng thẳng đứng VLS được bổ sung thêm để cung cấp khả năng bảo vệ tàu trong vòng bán kính 15km. Ngoài ra 2 pháo tự động điều khiển từ xa 30mm cũng được trang bị thêm ở phía 2 bên mạn phần đuôi tàu.
Đuôi tàu có sàn đáp cho một trực thăng chống ngầm Augusta A109 cùng hệ thống thiết bị điện tử liên quan, nhưng trực thăng này không hoạt động thường xuyên trên tàu để giảm khả năng bị phát hiện. Tàu hộ tống Visby có chiều dài 72,7m, rộng 10,4m, mớn nước 2,4m, lượng giãn nước toàn tải 640 tấn.
|
Hiện Hải quân Thụy Điển có trong biên chế 5 chiếc tàu hộ tống lớp Visby.
|
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, chỉ một ít hệ thống radar hiện đại trên thế giới có thể phát hiện tàu hộ tống tàng hình Visby ở khoảng cách từ 20-22km, khoảng cách theo dõi từ 11-13km, như vậy Visby có một lợi thế rất lớn so với đối phương. Visby có thể tung ra đòn tấn công trước khi bị phát hiện.
Bình Đức