Xe thiết giáp Boomerang là thiết kế mới nhất trong dòng xe thiết giáp bánh lốp ở Nga. Nó được thiết kế giới thiệu với những thay đổi quan trọng so với dòng xe BTR-60/70/80 được đưa vào phục vụ từ những năm 1960 dưới thời Liên Xô.
VPK, nhà thiết kế và sản xuất xe thiết giáp bánh lốp, ưa thích đầu tư vào mẫu BTR-90 với động cơ mạnh hơn, vũ trang tốt hơn so với dòng BTR-60/70/80 - 25.000 chiếc được sản xuất trong suốt 50 năm qua. Nhưng Quân đội Nga muốn một cái gì đó khác biệt hơn. Chính vì vậy, VPK đã hoãn lại BTR-90 và cải tiến mẫu BTR-80 lên BTR-82 như là giải pháp tạm thời. Và bắt đầu thiết kế nền tảng bánh lốp 8x8 bánh giải quyết các nhu cầu của Quân đội Nga.
|
Xe thiết giáp 8x8 Boomerang. |
Nguyên mẫu đầu tiên của Boomerang được chuyển giao thử nghiệm trong năm 2013. Và mẫu xe thiết giáp bánh lốp thế hệ mới chính thức công khai trong cuộc duyệt binh ngày 9/5/2015 tại Moscow. Sau những thử nghiệm, VPK kỳ vọng họ sẽ nhận được đơn hàng 2.000 chiếc Boomerang với nhiều cấu hình.
Xe thiết giáp Boomerang hoạt động với kíp lái 3 người và có khả năng chở theo 9 binh sĩ. Phù hợp với tiêu chuẩn xe thiết giáp chở quân (APC) 8x8 hiện đại, khoang chiến đấu của nó rộng rãi hơn họ xe BTR. Động cơ sẽ được đặt ở bên phải đầu xe và module tháp pháo đặt hoàn toàn trên nóc xe, không xuyên qua lớp giáp, không gây ảnh hưởng tới không gian bên trong. Các thay đổi này cho phép mở được cửa đuôi xe, tương tự dòng xe chiến đấu bộ binh bánh xích BMP. Mặc dù đây là thiết kế phổ biến trên các dòng xe APC 8x8 phương Tây, nhưng kiểu này không tồn tại trên mọi loại xe 8x8 bánh từ thời Liên Xô tới Nga hôm nay.
|
Xe thiết giáp chở quân BTR-82. |
|
Còn đây là đuôi Boomerang với cửa cho binh sĩ ra vào bằng cửa hậu. |
Thiết kế trước đó của VPK - xe thiết giáp BTR-82, tương tự thế hệ huyền thoại BTR-60 với động cơ đặt ở đuôi, khoang chở quân nằm ở giữa, trong khi tháp pháo gắn đại liên 14,5mm một người điều khiển đặt ở phía trước. Cách thiết kế này khiến binh sĩ "chỉ có nước" ra vào bằng cửa hông hoặc cửa nóc xe. Phương án thiết kế này đã được chứng minh là một nhược điểm rất lớn trong chiến đấu, binh sĩ ra vào xe có thể hứng chịu hỏa lực địch từ phía trước hoặc hai bên hông.
Xe thiết giáp Boomerang được phát triển với cách tiếp cận hoàn toàn khác - cho phép cơ động bảo vệ cho một tiểu đội bộ binh, trong khi cung cấp hỏa lực mạnh mẽ chi viện cho họ trong cả hai trường hợp: cơ động hoặc cố định. Đó là nền tảng lớn hơn so với tiền nhiệm BTR, nặng hơn và mạnh mẽ hơn.
Trái ngược với lớp giáp thép mỏng manh của họ BTR, trên Boomerang được trang bị giáp phức hợp, tăng cường module giáp, kết hợp vật liệu khác nhau và tùy chọn trang bị hệ thống phòng vệ chủ động.
Những chiếc Boomerang được tăng cường bảo vệ, bổ sung module giáp ở phía trước, và cũng có thể có tấm giáp bảo vệ bụng xe. Thiết kế thân hình chữ V làm chệch hướng vụ nổ của mìn hoặc thiết bị nổ tự tạo dưới gầm xe hoặc bánh. Boomerang cũng có thể tùy chọn giáp hạng nặng, nhưng điều này gây tổn hại tới khả năng bơi của nó.
|
Boomerang được trang bị lớp giáp tốt hơn so với dòng BTR. |
|
Cận cảnh một trong hai động cơ waterjet để xe bơi trên mặt nước. |
Giống như xe chiến đấu bộ binh bánh xích Kurganets-25, xe thiết giáp Boomerang sẽ có hai cấu hình vũ khí trang bị: xe chiến đấu bộ binh sẽ lắp tháp pháo điều khiển từ xa EPOCH trang bị pháo tự động 2A42 cỡ 300m, đại liên đồng trục 7,62mm và 4 tên lửa chống tăng Kornet-EM; xe thiết giáp chở quân trang bị tháp pháo tự động cỡ nhỏ lắp đại liên 12,7mm.
Về mặt động lực, Boomerang được lắp một động cơ diesel tua bin tăng áp, tương tự nền tảng Kurganets-25. Đấy là chiếc xe 8x8 bánh với hai trục trước. Tất cả bánh xe được trang bị hệ thống treo MacPherson, với cặp bánh trước và sau có giảm sóc đôi. Ngoài ra, xe cũng có hệ thống động cơ Water Jets cho hoạt động lội nước.
Bên cạnh hai cấu hình cơ bản hiện tại, khung gầm Boomerang có thể được dùng để phát triển các biến thể pháo tự hành, cối tự hành, xe chỉ huy, xe tăng bánh lốp...
Hoàng Lê