Máy bay huấn luyện phi công phản lực là thành phần rất quan trọng để đào tạo ra những phi công lái tiêm kích xuất sắc. Ngày nay khi khái niệm tiêm kích đa năng đang trở thành một xu hướng trong phát triển các loại máy bay chiến đấu thì việc phát triển các máy bay huấn luyện cũng có những thay đổi đáng kể.
Những chiếc máy bay huấn luyện mới không chỉ giới hạn trong nhiệm vụ huấn luyện bay mà còn có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát chiến đấu không thua kém các chiến đấu cơ thực thụ.
Với Không quân Việt Nam, lực lượng máy bay huấn luyện chủ lực là các máy bay L-39 và Yak-52. Đây đều là những máy bay huấn luyện thế hệ cũ, mặc dù đảm đương tốt nhiệm vụ huấn luyện bay song khả năng làm nhiệm vụ chiến đấu rất hạn chế.
Đã đến lúc Việt Nam cần thay thế phi đội huấn luyện bay L-39 và Yak-52 bằng một loại máy bay huấn luyện đa năng hiện đại hơn. Trong số các mẫu máy bay huấn luyện mới nổi lên hai ứng viên sáng giá là Yak-130 của Nga và L-159B của Cộng hòa Séc.
L-159B có lợi thế về hệ thống điện tử
|
Nhờ được trang bị radar nên L-159 có thể sử dụng các loại tên lửa không đối đất, điển hình là tên lửa AGM-65 Maverick.
|
L-159B là một biến thể hiện đại hóa được phát triển trên cơ sở của L-159A. Mẫu máy bay huấn luyện đa năng này là hậu duệ của máy bay huấn luyện nổi tiếng L-39 đang có trong biên chế Không quân Việt Nam. L-159B có thiết kế khí động học tương tự L-39 đã chứng minh được đặc tính bay ưu việt của nó.
Bên cạnh tính năng huấn luyện phi công phản lực xuất sắc vốn có kế thừa từ L-39, L-159B còn được cập nhật các công nghệ điện tử hàng không tiên tiến cho phép thực hiện nhiệm vụ đa dạng hơn. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện bay, L-159B còn có khả năng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ đường không tầm gần, trinh sát chiến thuật, phòng không, chống nổi dậy, tuần tra biên giới, chống tàu, dẫn đầu nhóm máy bay chiến đấu và huấn luyện sử dụng vũ khí.
L-159B là một sự kết hợp hoàn hảo giữa động cơ phản lực hiệu suất cao và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Buồng lái của L-159B có cấu hình tương ứng với một máy bay chiến đấu hiện đại. Phi công phía trước được trang bị một màn hình hiển thị HUD đa chức năng với khả năng vạch đường cho hệ thống thiết bị bay và vũ khí.
Buồng lái còn có các màn hình màu đa chức năng hiển thị các thông tin về chuyến bay, định hướng và tình trạng vũ khí. Cả hai phi công đều được trang bị thanh điều khiển HOTAS cho phép kiểm soát máy bay một cách liên tục. Bên cạnh đó, buồng lái còn được bảo vệ với áo giáp composite-gốm, hệ thống hỗ trợ oxy OBIGGS.
|
L-159 (ở trên) và Yak-130 (ở dưới) đều là hai ứng viên xuất sắc để trở thành loại máy bay huấn luyện thế hệ tiếp theo của Không quân Việt Nam.
|
L-159B được trang bị 1 radar xung Doppler Grifo-L, do công ty FIAR, Italy sản xuất. Radar này có 5 chế độ hoạt động, nó có thể theo dõi 8 mục tiêu và có khả năng theo dõi trong khi đang quét. Bộ vi xử lý có 4 chế độ phụ cho không đối không và 9 chế độ cho không đối đất. Bên cạnh đó, L-159B còn được trang bị một bộ cảm biến quang-điện tử hoặc thiết bị laser bên trong mũi máy bay.
Hệ thống phòng vệ trên máy bay gồm có cảm biến cảnh báo radar Sky Guardian 200 do BAE Systems sản xuất, hệ thống rải nhiễu Vinten Vicon 78 cùng 2 pod gây nhiễu điện tử. Hệ thống giám sát bay AMOS cho phép cung cấp thông tin một cách đầy đủ về quá trình hoạt động của máy bay.
Về vũ khí, L-159B có 7 giá treo vũ khí với khả năng sử dụng hầu hết các vũ khí tiêu chuẩn NATO bao gồm tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, bom rơi tự do, bom dẫn đường laser, ụ pháo gắn ngoài, pod trinh sát, pod gây nhiễu điện tử và thùng nhiên liệu phụ.
Bên cạnh đó, L-159B còn có khả năng cập nhật các vũ khí mới bao gồm cả tên lửa không đối không tầm trung, các pod trinh sát đặc biệt để nhắm mục tiêu và tấn công vào ban đêm. L-159B được trang bị động cơ phản lực Honeywell ITEC F124-GA-100 cung cấp lực đẩy tối đa 28 kN. L-159B đạt tốc độ tối đa 936km/h, phạm vi hoạt động 2.530km, trần bay 13,2km, khoảng cách chạy đà cất cánh chỉ 440 mét.
Yak-130 lợi thế về tốc độ và tải trọng vũ khí
Yak-130 là một máy bay huấn luyện phi công phản lực xuất sắc, nó có khả năng mô phỏng các đặc tính của tiêm kích thế hệ 4++ và cả tiêm kích thế hệ 5. Nhà sản xuất tuyên bố Yak-130 có thể đảm đương đến 80% nhiệm vụ huấn luyện bay cơ bản.
|
Yak-130 thuần chủng hơn với cơ sở hạ tầng và trang bị vũ khí hiện có của Không quân Việt Nam
|
Yak-130 được trang bị 2 động cơ phản lực AL-222-25 với hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số FADEC. Động cơ cung cấp lực đẩy 24,52 kN/chiếc, với hệ thống động lực này Yak-130 có thể đạt tốc độ tối đa 1.050km/h. Xét về đặc tính bay, Yak-130 có lợi thế lớn về tốc độ, vận tốc lên cao của Yak-130 là 50 m/s còn chỉ số này ở L-159B là 47 m/s.
Về hệ thống điện tử, Yak-130 được trang bị hệ thống điện tử kỹ thuật số kiến trúc mở, buồng lái nhà kính hiện đại. Hệ thống kiểm soát bay “fly-by-wire” kỹ thuật số. Phi công phía trước được trang bị một màn hình hiển thị HUD, hệ thống nhắm mục tiêu trên mũ bay HMSS.
Yak-130 còn có một hệ thống định vị toàn cầu có thể sử dụng tín hiệu GPS hay GLONASS, một hệ thống tham khảo quán tính để nhắm mục tiêu. Bên cạnh đó, Yak-130 còn có thể mang theo các thiết bị tìm kiếm-chỉ thị mục tiêu gắn ngoài để sử dụng các loại vũ khí có điều khiển. Biến thể nâng cấp M1 được bổ sung một hệ thống tìm kiếm mục tiêu và định tầm laser.
Xét về hệ thống điện tử, Yak-130 bất lợi hơn so với L-159B do không được trang bị radar, việc thiếu bộ cảm biến tìm kiếm-chỉ thị mục tiêu quang-điện tử cũng khiến Yak-130 bị hạn chế trong việc sử dụng các loại vũ khí có điều khiển. Tuy nhiên, Yak-130 lại có hệ thống nhắm mục tiêu trên mũ bay HMSS tương thích với tên lửa R-73E cho phép tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trên không.
Về vũ khí, Yak-130 có thể mang theo tổng tải trọng vũ khí tới 3.000kg bao gồm các loại bom rơi tự do, bom có điều khiển, tên lửa và rocket, ụ pháo gắn ngoài, thùng nhiên liệu phụ, pod gây nhiễu…
Nếu xét một cách tổng thể từ huấn luyện bay cho đến chiến đấu hạng nhẹ thì L-159B có lợi thế về radar còn Yak-130 có lợi thế về tốc độ và tải trọng vũ khí. Cả hai ứng viên đều xứng đáng để thay thế L-39 và Yak-52.
Tuy nhiên, áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam thì việc đầu tư L-159B sẽ có nhiều bất lợi. Máy bay này sản xuất theo tiêu chuẩn NATO từ hệ thống điện tử đến vũ khí. Trong khi đó Yak-130 thuần chủng hơn với cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam.Yak-130 có thể sử dụng các loại vũ khí sẵn có mà không cần phải đầu tư thêm vũ khí mới.
Do đó, Yak-130 là ứng viên phù hợp hơn với Không quân Nhân dân Việt Nam.
Quốc Minh