Nhiều chuyên gia quốc phòng từng đề xuất ba phương án chính để đẩy lùi thảm hoạ từ sát thủ “tiềm tàng” này: sử dụng vũ khí hạt nhân, cho một vật thể khác lao vào tiểu hành tinh, hay nhờ lực hấp dẫn của một con tàu vũ trụ hút nó đi lệch hướng. Tuy nhiên, không phải tất cả các tiểu hành tinh đều có kích thước giống nhau, vì vậy một phương pháp chỉ có thể cho thấy hiệu quả tuỳ thuộc vào kích cỡ, vận tốc và khoảng cách tới trất đất của tiểu hành tinh.
|
Mô phỏng thảm họa do tiểu hành tinh/thiên thạch gây ra đối với trái đất. Ảnh: Donald Davis/NASA |
“Rõ ràng chúng ta không có tiền hay thời gian cho việc phát triển và thử nghiệm tất cả các phương pháp”, Erika Nesvold, nhà thiên văn học từng công tác tại viện Khoa học Carnegie ở Washington DC (Mỹ, nói trong bài thuyết trình tại hội nghị do hiệp hội Thiên văn Mỹ tổ chức tại National Harbor, Maryland). “Vì vậy, chúng tôi muốn biết làm thế nào chúng ta có thể xác định những phương án này có thể hiệu quả”, cô nhấn mạnh.
Là một phần trong khuôn khổ của dự án Deflector Selector, Nesvold và nhóm nghiên cứu của cô đã thực hiện mô phỏng giả lập hơn 18 triệu nỗ lực nhằm cứu trái đất khỏi thảm hoạ do tiểu hành tinh gây nên. Sau đó, họ sử dụng một phần kết quả mô phỏng để huấn luyện máy tính xác định phương án tối ưu nhất trước những mối nguy cơ, phần kết quả còn lại thì được dùng để kiểm nghiệm sau đó. Sau khi được huấn luyện, máy tính có thể đưa ra các khuyến nghị chỉ sau vài phút, so với việc mất hàng nhiều ngày để thực hiện công việc mô phỏng chi tiết. Những khuyến nghị của máy tỏ ra khá ăn khớp với các kết quả mô phỏng, với tỷ lệ vào quãng 90%.
Theo Thế Hải/Khoa học phát triển