OpenAI được công chúng biết đến là công ty phát triển siêu AI ChatGPT và những AI đột phá khác. Trong đó, ChatGPT được nhiều người biết đến nhất khi được OpenAI giới thiệu đến công chúng vào ngày 30/11/2022. ChatGPT được giới công nghệ gọi là 'siêu AI' bởi khả năng trả lời câu hỏi, viết văn, dựng kịch bản... theo ý người dùng.
Sau khi siêu AI Chat GPT ra mắt công chúng, Google đã nhanh chóng phát 'Báo động đỏ' (‘Code Red’) cho toàn công ty trước thềm dịp lễ Giáng sinh. Từ đây, nhiều người tò mò 'cha đẻ' của Chat GPT là ai.
Người đứng sau thành công của Chat GPT là Sam Altman - đồng sáng lập và CEO OpenAI. Sinh năm 1985, anh Altman lớn lên ở St. Louis, Missouri, Mỹ có gốc là người Do Thái. Khi lên 8 tuổi, anh được mẹ là bác sĩ da liễu tặng chiếc máy tính đầu tiên. Anh rất thích món quà này và nó giúp anh định hình tương lai.
Sau khi tốt nghiệp trường John Burroughs, anh Altman tiếp tục theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford danh tiếng. Thế nhưng, anh bỏ học vào năm 2005.
Sau khi bỏ học Đại học Stanford, Altman đồng sáng lập và trở thành CEO của Loopt - ứng dụng di động và mạng xã hội dựa trên vị trí. Loopt từng huy động được 30 triệu USD nhưng phải đóng cửa năm 2012 vì không thu hút được sự chú ý của công chúng. Cuối cùng, Loopt bị thâu tóm với giá 43,4 triệu USD.
Sam Altman - đồng sáng lập và CEO OpenAI.
Vào năm 2017, Altman nhận bằng danh dự của Đại học Waterloo. Hai năm sau, anh từ chức Chủ tịch YC Group để tập trung vào OpenAI. Kể từ đầu năm 2020, anh cho hay không còn đóng vai trò nào ở YC Group.
Ban đầu, OpenAI hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận kể từ năm 2015 với sự tài trợ từ Altman khi ông làm việc ở Y Combinator. Anh là một trong những nhà sáng lập công ty cùng với CEO Tesla Elon Musk, nhà đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và nhiều thành viên khác. Công ty đặt trụ sở ở quận Mission, San Francisco.
Kể từ khi anh Altman điều hành, OpenAI đạt nhiều thành tựu, đặc biệt là trong năm 2022. Trong đó, giữa năm 2022, OpenAI 'trình làng' AI Dall-E 2 cho phép người dùng tạo tác phẩm nghệ thuật chỉ bằng chuỗi văn bản. Tiếp đến, ChatGPT được OpenAI ra mắt công chứng được mô tả là AI siêu thông minh, đa tài, có thể 'trả lời mọi thứ như người thật'.
Do ngày càng đạt được nhiều thành tựu nên OpenAI trở thành đối thủ đáng gờm với nhiều công ty công nghệ lớn khác, trong đó có Google. Những thành tựu này giúp Altman và các nhà đầu tư ban đầu vào OpenAI nhận được lợi nhuận gấp 100 lần so với khoản đóng góp ban đầu.
Altman - CEO OpenAI ít khi chia sẻ về cuộc sống cá nhân. Dù vậy, trước khi đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp, anh từng thẳng thắn công khai bản thân là người đồng tính nam. Thêm nữa, anh còn là người ăn chay thuần từ nhỏ.
Câu chuyện của ChatGPT
Chat GPT được phát triển bởi OpenAI, đây là một tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 2015 với các khoản tài trợ từ Altman, tỷ phú Elon Musk, đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và những người ủng hộ khác.
Tổ chức có địa chỉ ở khu Mission của San Francisco, với mục tiêu tìm cách hình thành một đối trọng nghiên cứu với các công ty công nghệ lớn như Google của Alphabet Inc. Thay vì theo đuổi lợi nhuận, OpenAI cam kết phát triển công nghệ vì lợi ích của nhân loại.
Tuy nhiên, mọi thứ ở OpenAI bắt đầu thay đổi khi Sam Altman trở thành CEO, anh quyết định đưa phòng nghiên cứu OpenAI chuyển sang một chiến lược mới.
Open AI thay đổi hướng đi, tập trung vào xây dựng một phần mềm đủ sức thông minh để phản ánh trí tuệ và khả năng của con người. Altman tin rằng OpenAI cần tích cực huy động vốn để đáp ứng được sứ mệnh này. Thậm chí, anh còn tham gia giám sát việc tạo ra một mảng lợi nhuận mới của Open AI.
Kể từ đó, OpenAI tiếp cận các đối tác lớn như Microsoft để tìm cách huy động thêm tiền. Altman cho biết các công cụ của công ty có thể biến đổi công nghệ tương tự như việc phát minh ra điện thoại thông minh và giải quyết những thách thức khoa học rộng lớn hơn.
Ngay sau khi trở thành CEO AI, ông Altman đã huy động được khoản tài trợ 1 tỷ USD sau khi bay tới Seattle để trình diễn mô hình trí tuệ nhân tạo cho CEO Microsoft Satya Nadella.
Thỏa thuận với Microsoft đã mang lại cho OpenAI các tài nguyên máy tính cần thiết để đào tạo và cải thiện các thuật toán trí tuệ nhân tạo, dẫn đến một loạt đột phá.
Ngay sau đó, OpenAI đã cho ra mắt Dall-E 2, một dự án được công bố vào tháng 9 cho phép người dùng tạo tác phẩm nghệ thuật chân thực từ các chuỗi văn bản. Không lâu sau, dự án ChatGPT, chatbot trả lời thông minh cũng được trình làng.
ChatGPT thể hiện đặc điểm nổi trội khi có thể tự động viết kịch bản phim, kết hợp nhiều diễn viên từ nhiều loạt phim khác nhau, viết luận văn học thuật cơ bản cho sinh viên. Nhiều người gọi đây là ứng dụng siêu AI, có thể trả lời mọi thứ như người thật.
Vào tháng 10, Microsoft cho biết họ sẽ tích hợp các mô hình của OpenAI vào ứng dụng tìm kiếm Bing và một chương trình thiết kế mới có tên Microsoft Design.
Theo WSJ, OpenAI hiện đang đàm phán nâng cao về việc bán cổ phiếu do nhân viên sở hữu. Trong một đợt chào mua trước đó, OpenAI được định giá khoảng 14 tỷ USD.
(Theo Nhịp sống thị trường)
ChatGPT khiến cả thế giới 'phát sốt'
ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì. Bên cạnh đó, ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí là cả sửa lỗi trong lập trình.
Khi ChatGPT ra mắt, người dùng muốn tra cứu đã bắt đầu trò chuyện với AI này thay vì tìm kiếm thông tin trên Google. Với sự hiểu biết sâu rộng đa lĩnh vực, các thắc mắc của họ đã được giải quyết chỉ sau vài giây. Công cụ hoạt động giống như một cuộc trao đổi giữa người với người. Do đó, nó được xem là một đối thủ đáng gờm sắp tới của Google.
Chuyên gia công nghệ Dan Gillmor đã sử dụng ChatGPT trong một bài tập của sinh viên. Thật bất ngờ, kết quả được tạo ra ngang tầm với những gì một sinh viên giỏi có thể làm, khiến ông phải thốt lên "giới học thuật có vấn đề rất nghiêm trọng phải đối mặt rồi".
Trong một bài tweet, ngay cả "ông trùm công nghệ" Elon Musk cũng phải cảm thán:"ChatGPT tốt đến đáng sợ. Ngày AI mạnh đến mức nguy hiểm đối với chúng ta không còn xa đâu".
ChatGPT đã vượt mốc 10 triệu người dùng hằng ngày chỉ sau 40 ngày ra mắt chính thức, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Trước đó, kỷ lục thuộc về Instagram khi mạng xã hội này mất 355 ngày để đạt được 10 triệu người dùng đăng ký.
Tại Việt Nam, AI này cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng Internet, đặc biệt là các bạn trẻ. Cùng với đó, người dùng thường xuyên chia sẻ những câu chuyện đầy thú vị trong quá trình giao tiếp với công nghệ này.
(Theo Tiền Phong)
Mời độc giả xem video: Khám chữa bệnh bằng công nghệ AI. Nguồn: THĐT1.
Tâm Anh (theo WSJ)