Ngày 5/9, Tổng cục Hải quan vừa thông tin về mối quan hệ giữa Công ty CP Tập đoàn Asanzo với các công ty có chữ “Asanzo”. Theo đó, từ 1/1/2017 đến 30/6/2019, Công ty Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”.
Cụ thể, Công ty CP Công nghệ cao Asanzo, Công ty CP truyền thông và giải trí Asanzo, Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo, Công ty CP Đầu tư Công nghệ Điện Tử Asanzo, Công ty CP Viễn thông Asanzo, Công ty CP Đầu tư Asanzo, Công ty CP Điện Tử A Sanzo Việt Nam, Công ty TNHH Đầu Tư Sản Xuất Phương Nguyên Asanzo, Công ty TNHH Truyền thông Asanzo.
Qua kiểm tra, xác minh đã xác định được 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Asanzo. Qua tra cứu trên Cổng thông tin của Tổng cục Thuế và kết quả xác minh tại UBND phường nơi đăng ký địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm nơi thuê văn phòng, thông tin cụ thể về tình hình hoạt động của các công ty, Tổng cục Hải quan cho biết: 14 công ty bỏ trốn; 4 công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh; 7 công ty ngừng hoạt động; 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; 32 công ty đang hoạt động.
|
Ông Phạm Văn Tam đã phải dừng mọi hoạt động của Asanzo. |
“Theo thực tế kiểm tra, xác minh tồn tại tình trạng, công ty treo biển nhưng không có hoạt động; địa chỉ đăng ký kinh doanh không có thật; một số công ty đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng trên cổng thông tin chưa cập nhật thông tin. Có trường hợp, qua xác minh chủ nhà khai không cho công ty thuê làm trụ sở nhưng trên giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn khai địa chỉ của họ”, Tổng cục Hải quan cho biết.
Tuy nhiên, ngày 6/9, Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Tam cho biết, đối với các công ty có mối quan hệ làm ăn cùng Asanzo, việc xác minh cần đánh giá đang hoạt động hay dừng, có nợ thuế hay vi phạm gì không? Việc sử dụng từ “bỏ trốn” là không đúng và có thể gây hiểu nhầm.
“Ngay từ đầu chúng tôi đã khẳng định, đó chỉ là những công ty đối tác, họ làm ăn xong nghỉ thì là chuyện của người ta. Đồng ý là việc xác minh không thấy họ hoạt động nữa thì là do nghỉ thôi, quan trọng là kiểm tra xem họ có nợ thuế hay không? Nếu các công ty đang hoạt động lại nghỉ mà nợ thuế mới có thể gọi là bỏ trốn, ở đây chỉ là không làm nữa thôi sao lại quy kết như vậy?” ông Tam bức xúc.
Dư luận đặt ra câu hỏi, 14 công ty bỏ trốn có quan hệ làm ăn với Asanzo thì liệu Asanzo có phạm pháp gì không?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong sự việc trên, cơ quan chức năng cần làm rõ 14 công ty bỏ trốn trên có phải là công ty thành viên của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo hay không, có phải là cổ đông góp vốn của doanh nghiệp này hay không, có quan hệ thương mại hay thuộc sở hữu gì của Asanzo hay không hay chỉ là các pháp nhân riêng biệt, độc lập. Từ đó sẽ xác định trách nhiệm có liên quan.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Luật doanh nghiệp hiện chưa có chế định về Doanh nghiệp bỏ trốn. Hiện nay chỉ mới có Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/2/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thì có nêu đến việc doanh nghiệp bỏ trốn như sau: Doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền xác định.
Như vậy quy định về “Doanh nghiệp bỏ trốn” trong pháp luật hiện hành nói chung và Luật doanh nghiệp nói riêng là đang bị bỏ ngõ.
“Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định về Doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, quy định từ khái niệm Doanh nghiệp có chủ bỏ trốn đến quy trình tổ chức thanh lý tài sản, đến việc giải quyết chế độ chính sách cho NLĐ; trả các khoản nợ có liên quan đến BHXH, BHYT, nợ các tổ chức tín dụng… Do đó, việc xử lý các trường hợp này trên thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn”, luật sư Cường cho biết.
Bên cạnh đó, chưa có sự kiểm tra sát sao việc thực hiện pháp luật lao động, bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước; nhất là việc thực hiện trả lương, thưởng, nộp các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Thực tế hiện nay, việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn thường đi kèm với vấn đề trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Đối với hành vi này thì tùy mức độ tính chất hành vi vi phạm mà pháp nhân có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu TNHD về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động quy định tại Điều 216 BLHS.
“Theo thông tin thì hiện nay, đối với nghi án hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, thì Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an TP HCM đã khởi tố vụ án công ty "ma" nhập hàng từ Trung Quốc gắn mác hàng Việt Nam chất lượng cao về hành vi "Buôn lậu" và đã khởi tố vụ án Công ty Sa Huỳnh về tội "Buôn lậu".
Từ đó cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp khác để xử lý theo quy định pháp luật. Việc kết luận Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo và các doanh nghiệp khác có sai phạm hay không, sai phạm đến đâu, sẽ do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo trình tự thủ tục luật định”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Từ đó, theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu qua quá trình xác minh điều tra kết luận Asanzo không có hoạt động sản xuất mà chỉ là lắp ráp các bộ phận linh kiện không làm thay đổi bản chất của hàng hóa, không làm gia tăng giá trị đáng kể của hàng hoá...., thậm chí nhập khẩu nguyên sản phẩm từ Trung Quốc, không có tem nhãn ghi thông tin xuất xứ nhưng lại được gắn mác “xuất xứ Việt Nam”, thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hải Ninh