40 phút cứu người phụ nữ mắc kẹt dưới vực sâu Yên Tử

Google News

Thành viên đoàn cứu hộ kể hành trình 40 phút thòng dây, mở đường bộ để đưa người phụ nữ 60 tuổi bị rơi xuống vực sâu ở Yên Tử lên vị trí an toàn.

Một ngày sau khi giải cứu thành công bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khỏi vực sâu ở Yên Tử, những người tham gia đoàn cứu hộ vẫn chưa thể tin vào câu chuyện sinh tồn như trong phim.

Ông Nguyễn Minh Thuận - nhân viên phòng Quản lý di tích, Ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh) cho biết, xung quanh chỗ bà Liên ngã từng có 4 người rơi xuống vực được cứu sống nhưng họ đều bị gãy chân, gãy tay hoặc thương tích nặng, chỉ duy nhất trường hợp bà Liên là vẫn lành lặn.

"Một người phụ nữ 60 tuổi rơi xuống và ở đó một tuần trời vẫn bình an trở về đúng là một kỳ tích. Khi anh em chúng tôi đưa được bà Liên lên khu vực an toàn, ai cũng thấy vui", ông Thuận tâm sự.

40 phut cuu nguoi phu nu mac ket duoi vuc sau Yen Tu

Bà Liên được đưa lên từ dưới vực sâu.

Ông Thuận cho biết, những ngày trước đó, ông cùng mọi người vẫn đi tuần tra, kiểm soát địa bàn nhưng do thời tiết xấu nên không phát hiện tiếng kêu cứu của bà Liên. Sáng 3/5, trời nắng đẹp, may mắn họ đã nghe được tiếng kêu vọng lên từ vực sâu.

Ông kể, khoảng 9h, ông cùng nhóm người đi tuần tra, kiểm soát địa bàn để đảm bảo an toàn cho du khách. Khi ở gần khu vực chùa Đồng, ông thoáng nghe tiếng phụ nữ kêu cứu, tiếng chai lọ khua, đập vào cây, vào đá... 

"Tôi quay sang bảo anh em đi cùng hình như có tiếng người kêu cứu dưới vực. Anh em nói cũng thoảng nghe thấy tiếng kêu. Ngay sau đó, tất cả tản ra đi tìm, xác định xem tiếng kêu cứu phát ra từ hướng nào, vừa đi vừa phát tín hiệu.

Khi nghe rõ tiếng đáp trả, chúng tôi xác định được vị trí người bị nạn. Tôi lập tức gọi điện báo cáo sự việc cho lãnh đạo Ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử.

Nhận thông tin, lãnh đạo Ban cũng triển khai lực lượng để khẩn trương xuống cứu hộ. Trong lúc này, anh Thắng là người bán hàng lưu niệm ở danh thắng Yên Tử thòng dây trèo xuống dưới chỗ người phụ nữ đang chờ cứu giúp", ông Thuận nói.

Xuống tới nơi, anh Thắng gọi điện lên trên báo cáo tình hình. Anh Châu, anh Mạnh là người giúp việc cho nhà chùa ở Yên Tử tìm đường bộ, leo cây xuống. 3 người đàn ông khoẻ mạnh, quen thuộc địa hình rừng núi thay phiên nhau người dìu, người kéo... mở đường bộ giữa những bụi cây cối um tùm. Sau khoảng 40 phút, nhóm cứu hộ đưa được người phụ nữ từ vực sâu 30-40m lên khu vực an toàn. 

40 phut cuu nguoi phu nu mac ket duoi vuc sau Yen Tu-Hinh-2

Nhiều người thay nhau cõng bà Liên xuống khu vực ga cáp treo.

Theo chia sẻ của ông Thuận, sau khi đưa được nạn nhân lên trên, gương mặt bà mệt mỏi và vẫn còn sợ hãi. Mọi người để bà ngồi nghỉ ngơi, uống nước, sữa. Khi tinh thần bà ổn định, kiểm tra thân thể không có thương tích nặng, không gãy chân, gãy tay..., ông Thuận mới hỏi thông tin thì được biết, người phụ nữ này tên Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, nhà ở Mỹ Đình, Hà Nội). Bà bị rơi xuống vực từ ngày 27/4, một mình ở dưới đó suốt 7 ngày đêm.

"Sau đó, chúng tôi đưa bà Liên lên chùa Đồng nghỉ ngơi chừng 30 phút rồi tiếp tục đưa xuống ga cáp treo để trở xuống dưới chân núi. Ban đầu, chúng tôi dìu bà Liên nhưng khi đi một đoạn thấy không ổn nên thay phiên nhau cõng bà xuống ga. Chiều 3/5, bà Liên được đưa về đoàn tụ cùng gia đình ở Hà Nội.

Quá trình cứu hộ, chúng tôi luôn với tinh thần cứu người như cứu hoả. Xong công việc, tôi cũng không định hình được vì sao đưa được bà Liên lên vì vực sâu chừng 30-40m, chỉ biết anh em ai cũng rất vui mừng", ông Thuận tâm sự.

Trả lời PV VTC News, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết, khi tìm thấy bà Liên mắc kẹt dưới vực, Ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử chủ trì, phối hợp cùng nhà chùa, Công ty Cổ phần Tùng Lâm và người dân gần đó đưa bà Liên tới khu vực an toàn để bà nghỉ ngơi.

Ông Dũng cho biết thêm, theo camera ghi lại, lúc 12h39 ngày 27/4, bà Liên qua cổng Khai Tâm Yên Tử, mua vé cáp treo và vé tham quan tại đây rồi lên chùa Đồng.

Thời điểm cứu được bà Liên, trong người bà vẫn giữ các vé này nhưng tất cả đã bị ướt, nhàu nát.

"Sau khi nghỉ ngơi, bà Liên cho chúng tôi số điện thoại của chồng mình. Chúng tôi đã liên hệ với người đàn ông này. Bản thân chồng bà Liên không biết vợ mình đi Yên Tử và từng gửi đơn đến các cơ quan chức năng để nhờ tìm kiếm bà Liên", ông Dũng nói.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News sáng 4/5, bà Liên kể ngày 27/4, bà đi một mình từ Hà Nội xuống Quảng Ninh để cắt thuốc Nam chữa đau xương khớp. Khi qua Uông Bí, bà ghé vào Yên Tử để lễ chùa. Sau đó, bà mua vé tham quan và vé cáp treo khứ hồi để lên đỉnh chùa Đồng.

Sau khi lễ ở chùa Đồng, bà Liên quay xuống núi. Vừa đi được một đoạn, bà thấy chóng mặt nên ngồi tựa vào lan can cạnh vách núi để nghỉ. Lúc đứng dậy do loạng choạng nên bà bị trượt ngã xuống vực.

“Ban đầu tôi không có ý định đi nhưng nghe người dân gần đó bảo gần chùa Yên Tử nên tôi nghĩ rằng tiện thể lên chùa để cầu cho gia đình được bình an. Buổi trưa lên thì trời mưa, lúc trở xuống thì đã cuối giờ chiều, sương mù dày đặc. Tôi bám theo đoàn thanh niên nhưng họ nhanh chân đi trước, tôi đuổi không kịp.

Tôi quyết định ngồi nghỉ ở một phiến đá phẳng, đợi tốp người sau để đi cùng. Lúc có đoàn khác xuống, tôi vội vàng đứng dậy nhưng bị hoa mắt, chóng mặt nên bị lộn nhào về sau. Tôi bị ngất luôn, lúc tỉnh dậy cũng không biết là đã lịm được bao lâu, chỉ biết lúc tỉnh lại thấy mình bị lọt vào khe đá, đầu đang gối vào rễ cây, chân tay xước xát hết cả vì va vào đá”, bà Liên nhớ lại.

40 phut cuu nguoi phu nu mac ket duoi vuc sau Yen Tu-Hinh-3

Bà Nguyễn Thị Bích Liên chia sẻ với phóng viên VTC News sau sự việc.

Do địa hình hiểm trở ít người qua lại và đặc biệt, khu vực đỉnh chùa Đồng gió rất to, thời tiết thường xuyên mây mù nên dù bà Liên kêu cứu từ dưới vực nhiều ngày nhưng không ai nghe thấy.

7 ngày, lúc đói, lúc khát bà Liên chỉ có thể cầm cự bằng cách chia nhỏ gói bánh cháy ăn dần và chai nước mang theo bên người.

"Có chai nước mỗi ngày cứ chia ra uống, ăn thì tôi ăn lá dương xỉ với củ lạc tiên. Đọc qua Đông y cũng biết dương xỉ làm được mà loại cây này sống cả triệu năm rồi nên cứ thử ăn xem sao. Ăn xong cũng lấy củ lạc tiên đắp vào những vết thương ở chân tay, nó dịu hẳn đi, cũng đỡ hơn. Sau 2 – 3 ngày, số nước sạch trong chai hết, nên tôi phải bới rác để tìm các chai nước họ vứt đi để uống", bà Liên nhớ lại.

Giữa vực sâu, xung quanh là đống rác, ẩm thấp, với đầy rẫy nguy hiểm nhưng bà Liên chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ buông xuôi. “Tôi khát khao được sống, được về với gia đình. Nhờ những trải nghiệm, kiến thức được trau dồi qua phim ảnh, sách báo nên tôi tự tin vào khả năng sinh tồn của bản thân. Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện có thể mình sẽ chết khô ở đây nhưng tự nhủ cứ sống được ngày nào hay ngày đó”, người phụ nữ sống sót kỳ diệu sau 7 ngày rơi xuống vực sâu chia sẻ.

Theo VTC