800 tỷ xây Toà án ND Hà Nội: Hoành tráng cỡ nào... đầu tư khủng?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét việc bỏ 800 tỷ để xây trụ sở TAND TP Hà Nội. Bởi đây là tiền đầu tư công cao, trong khi chủ trương chung hạn chế đầu tư công, xây trụ sở... để tập trung đầu tư hạ tầng, an sinh xã hội.

Tại phiên họp HĐND TP Hà Nội chiều 6/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trụ sở Tòa án nhân dân thành phố sẽ khởi công trong tháng 7/2020 với nguồn vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, từ tháng 9/2016, thành phố đã bàn giao toàn bộ quy hoạch trụ sở các cơ quan tư pháp. Thành phố đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng toàn bộ trụ sở làm việc của viện kiểm sát, tòa án, công an các cấp; đã khởi công xây dựng 12 trụ sở làm việc của của Viện kiểm sát nhân dân, TAND cấp huyện cũng như Công an thành phố.
Trước đó, sáng cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết, hiện tòa án đã tạm thời chuyển trụ sở về TAND cấp cao tại Hà Nội nhưng phát sinh nhiều khó khăn trong việc xét xử.
800 ty xay Toa an ND Ha Noi: Hoanh trang co nao... dau tu khung?
 Trụ sở TAND TP Hà Nội cũ.
Cụ thể, hiện TAND TP Hà Nội chỉ được bố trí 9 phòng xét xử trong khi lượng án phải thụ lý rất lớn, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 đã thụ lý hơn 3.500 vụ án các loại, dẫn đến tình trạng chủ tọa không thể tổ chức xét xử theo lịch đã lên và các đương sự đã đến đủ, do thiếu... phòng xử.
Từ đó, ông Nguyễn Hữu Chính đề nghị HĐND và UBND TP Hà Nội quan tâm sớm triển khai thực hiện dự án xây dựng trụ sở TAND TP Hà Nội, hỗ trợ đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng trụ sở các TAND cấp huyện.
Dư luận đặt câu hỏi, trụ sở tòa án nhân dân TP Hà Nội hoành tráng cỡ nào mà đầu tư khủng lên đến 800 tỷ? Việc đầu tư kinh phí lớn như vậy có cần thiết hay không?
Trao đổi với PV Kiến Thức, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trụ sở tòa án thành phố Hà Nội 800 tỷ đồng thì không chỉ thiết kế mà còn các trang thiết bị, mặt bằng... nhưng với số tiền đầu tư trên có thể thấy đây là trụ sở hoành tráng, cao nhiều tầng.
“Tôi cho rằng, Bộ Tài chính nên xem xét, nghiên cứu có nên bỏ ra kinh phí xây dựng trụ sở tòa án thành phố đến 800 tỷ hay không. Bởi đây là số tiền đầu tư công khá cao” - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Theo đại biểu Hòa, hiện nay chủ trương rất hạn chế trong việc đầu tư công, xây dựng trụ sở, cơ quan hành chính để tập trung cho đầu tư phát triển, đầu tư cho hạ tầng, đầu tư cho an sinh xã hội.
“Vấn đề đầu tư công xây dựng trụ sở nên tiết kiệm được bao nhiêu thì tiết kiệm để dư ngân sách lo cho những việc khác. Một trụ sở tòa án thành phố mà đầu tư đến 800 tỷ đồng như vậy là quá cao. Toàn quốc cũng không có một cơ quan, đơn vị của các tỉnh xây dựng một trụ sở to tát như thế. Khu hành chính tập trung cấp tỉnh biết bao nhiêu đơn vị, con người tập trung ở đó nhưng giá trị xây dựng cũng không đến 800 tỷ như vậy. Do đó nên xem xét lại bởi theo tôi đó là sự lãng phí” - đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan nhà nước là cần thiết và trên cơ sở vốn đầu tư công, nguồn tiền từ ngân sách nhà nước. Bởi vậy, diện tích, quy mô, tầm cỡ không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu mà còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách.
“Việc xây dựng trụ sở càng to đẹp, hoành tráng càng thể hiện sự phát triển của kinh tế, đời sống, xã hội, là bộ mặt của quốc gia, xã hội, là bộ mặt của quốc gia tuy nhiên cũng cần phù hợp với khả năng ngân sách, tránh những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai dự án” - luật sư Cường cho hay.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong các quyền lực của nhà nước, quyền tư pháp là một quyền quan trọng, thể hiện sự uy nghiêm, quyền uy của quyền lực nhà nước.
“Một đất nước có phát triển bền vững, có công bằng, văn minh hay không thì không thể không nhắc đến vai trò của ngành Toà án trong việc thực hiện quyền tư pháp. Việc thực hiện quyền tư pháp là điều hết sức quan trọng cần thiết để khơi thông các bế tắc trong các quan hệ xác hội cũng như là nơi mà người dân có thể thấy mức độ công bằng, dân chủ văn minh của một đất nước.
Khi quyền tư pháp được coi trọng, đề cao thì các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính, lao động, hình sự sẽ được minh bạch, công bằng trên cơ sở những phán quyết và chủ sở của tòa án, thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với quyền tư pháp, thể hiện quyền vị trí của quyền tư pháp, của ngành Toà án trong đời sống xã hội. Bởi vậy, việc xây dựng trụ sở tòa án khang trang, quy mô là cần thiết tuy nhiên phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và tránh thất thoát” - luật sư Cường nêu ý kiến.
Ông Cường cho rằng, việc đầu tư xây dựng trụ sở tòa án nhân dân thành phố Hà Nội với nguồn kinh phí bao nhiêu phụ thuộc vào quy mô xây dựng, chất lượng xây dựng và khả năng ngân sách nhà nước.
Hiện nay cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, mở rộng địa bàn thủ đô, các quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính diễn ra phức tạp, lượng các vụ án hành chính, dân sự, hình sự, kinh tế của tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tăng đột biến bởi vậy nhu cầu về nơi làm việc của cán bộ, phòng xét xử, các phòng ban và bộ phận giúp việc của tòa án tăng cao.
Do đó, việc xây dựng một trụ sở lớn hơn trụ sở cũ là không có gì đáng bàn. Vấn đề ở đây là quy mô xây dựng đến đâu phù hợp với nhu cầu thực tại và trong tương lai của tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, phù hợp với việc phân bổ ngân sách nhà nước. Đồng thời, trong quá trình triển khai xây dựng dự án cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng để tránh những thất thoát, lãng phí có thể xảy ra. 
>>> Mời độc giả xem thêm video TAND tỉnh Thái Nguyên bác đơn kêu oan của tài xế container vụ xe Innova lùi trên cao tốc

Nguồn: VTV 24

Tâm Đức