Chiều 30/10, Ban Nội chính Trung ương thông tin về kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực do Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì sáng cùng ngày.
Tạm giữ, kê biên, phong tỏa trên 6.150 tỷ đồng
Tại buổi thông báo, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, kết quả nổi bật trong thời gian qua là sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng, bài bản của các cơ quan trong các khâu kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Kết quả này thể hiện cụ thể trong việc kiểm tra, điều tra, xử lý các vi phạm liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn; Tập đoàn Thuận An; công ty AIC; dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm Đồng).
|
Quang cảnh buổi thông báo. |
Trong đó, liên quan Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, đến nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoàn thành 5/8 cuộc kiểm tra và chỉ đạo 13 địa phương rà soát, kiểm tra dấu hiệu vi phạm với cấp ủy, tổ chức đảng liên quan; trong đó có 58 tổ chức đảng, 86 đảng viên, 17 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật.
Về xử lý hình sự, đến nay đã khởi tố 44 bị can, trong đó có có 10 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Riêng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn đã khởi tố 8 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 4 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Một kết quả nổi bật khác là công tác thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo. Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa trên 6.150 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác.
Tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông thông tin, với vụ án liên quan đến tập đoàn Phúc Sơn đã tạm giữ số tiền, tài sản là gần 320 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, 534 lượng vàng SJC và 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, vụ án Tập đoàn Thuận An đã tạm giữ số tiền 91,57 tỷ đồng, 130.000 USD.
Vụ án xảy ra tại Công ty Đất hiếm Việt Nam đã tạm giữ tiền, sổ tiết kiệm, phong tỏa giao dịch trị giá 52,95 tỷ đồng, cùng hơn 13.000 tấn đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt. Còn vụ án liên quan đến Quy hoạch điện VII, đã tạm giữ 145 tỷ đồng tiền hoàn thuế và hơn 2.270 tỷ đồng do các bị can nộp khắc phục hậu quả.
Vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil đã tạm giữ 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, 134 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1.100 tỷ đồng, 4,7 tỷ đồng tiền mặt, hơn 490.000 USD. Vụ án xảy ra tại Lâm đồng đã tạm giữ số tiền 9,05 tỉ đồng. Vụ án xảy ra tại dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm đồng) đã tạm giữ số tiền 9,05 tỷ đồng. Vụ án liên quan Tổng công ty lương thực miền Nam đã phong tỏa tài sản gồm 4 bất động sản và số cổ phần trị giá trên 2.056 tỷ đồng. Giai đoạn 2 vụ "chuyến bay giải cứu" đã tạm giữ số tiền 38,28 tỷ đồng. Vụ án xảy ra tại Bắc Ninh và AIC đã tạm giữ số tiền 51,3 tỷ đồng.
Trong giai đoạn thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 11.000 tỷ đồng, nâng số thu hồi từ đầu năm đến nay gần 19.000 tỷ đồng (tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2023) và từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay hơn 96.000 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 53,84%).
Đã vận động đầu thú, truy bắt được 9 người bỏ trốn ra nước ngoài
Tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cũng thông tin, các cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã tích cực vận động đầu thú, truy bắt, dẫn độ những người bỏ trốn trong các vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tính từ đầu năm đến nay, đã vận động đầu thú, truy bắt được 9 người bỏ trốn ra nước ngoài trong các vụ án do cơ quan điều tra thụ lý và đã phục hồi điều tra theo quy định.
Thời gian tới, Thường trực Ban chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo các cơ quan này thực hiện nhiệm vụ một cách quyết liệt.
Theo ông Đông, vẫn còn có nhiều khó khăn do những người này bỏ trốn lâu và đã bỏ trốn ra nước ngoài. Do đó, phải tiếp tục phối hợp các nước để thực hiện nhiệm vụ này.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, các vụ án liên quan đến Công ty AIC, tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An…được xác định là rất nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra nhiều địa bàn, nhiều nơi, nhiều đối tượng, khối lượng hồ sơ rất lớn.
Bộ Công an bố trí đầy đủ nguồn lực, nhiều điều kiện khác để tập trung giải quyết thúc đẩy, điều tra, kết thúc những vụ án này.
Trong quá trình điều tra, xử lý, Bộ Công an hiện đang tập trung vào 3 vấn đề. Đó là tập trung củng cố chứng cứ, làm rõ những tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng; tập trung mở rộng điều tra các vụ án đảm bảo không để sót lọt tội phạm, những người có liên quan phải bị xem xét, xử lý; tập trung thu hồi tài sản, đảm bảo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Bộ Công an đang đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án từ Trung ương đến cơ sở, định giá tài sản, truy bắt những đối tượng trốn truy nã, đảm bảo công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp sắp tới.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, Bộ Công an đang triển khai nhiều biện pháp nhằm truy bắt, dẫn độ các đối tượng trốn truy nã về quy án, xét xử. Qua báo chí mong muốn gửi thông điệp tới những người bị truy nã như Nguyễn Thị Thanh Nhàn hay các đối tượng khác hãy suy nghĩ, sớm về đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của cơ quan điều tra, Nhà nước.
"Khi không trở về, trốn chạy, vẫn bị xét xử theo đúng quy định như bà Nhàn. Trong trường hợp như thế không có điều kiện tự bảo vệ mình trước pháp luật", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cựu kế toán trưởng AIC bất ngờ tiết lộ nóng về bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn:
Hải Ninh