Chuẩn bị bước sang tuổi 40 vợ chồng ông bà mới sinh được cậu con trai đầu lòng.
Bao nhiêu tình thương dồn hết cho đứa con trai độc nhất. Những ngày đông lạnh, ông vẫn gắng chạy thêm vài cuốc xe ôm, còn bà thức khuya, dậy sớm để nhặt rác kiếm thêm tiền lo cho con.
Nhưng nào ngờ, đứa con trai độc nhất trở thành nạn nhân trong một vụ giết người. Để lại bao nỗi đau, trút lên đôi vai gầy của cha mẹ già…
Chống gậy ra dự tòa
Vụ án mạng đã xảy ra cách đây hơn năm năm. Bị hại là sinh viên một trường Cao đẳng tại Đà Nẵng.
Sinh viên nên có định hướng học tập, rèn luyện để tránh xa các vi phạm pháp luật. (trong ảnh: sinh viên giao lưu với giáo sư Ngô Bảo Châu).
Theo nội dung vụ án: vào ngày 12/9/2012 M. (sinh viên một trường Cao đẳng tại Đà Nẵng) cùng nhiều bạn bè đi nhậu.
Trong lúc “chén chú chén anh” thì giữa M. có xảy ra mâu thuẫn với người dẫn chương trình tại quán nhậu.
Do trong người có men say nên một người trong nhóm của M. không chịu trả tiền nhậu và gây sự đánh chửi chủ quán.
Ẩu đã xảy ra và trong cơn hỗn loạn M. bị đâm chết. Vụ án được đưa ra xét xử. Bị cáo gây nên cái chết cho M. phải trả giá bằng mức án 10 năm tù về tội giết người.
Nhưng nỗi đau mất con của cha mẹ chàng sinh viên kia thì không thể nào bù đắp được.
Tại phiên tòa hôm ấy, người mẹ già cứ mân mê vạt áo rồi nước mắt cứ thế thi nhau rơi trên gò má đã sạm đen.
Còn người cha, ánh mắt ráo hoãnh thâm quầng. Chốc chốc ông nhắm nghiền đôi mắt thở dài không nói.
Đau đớn vì mất đi đứa con trai độc nhất
Đọc lại những trang lý lịch, hồ sơ của vụ án mới thấy hết nghịch cảnh của một gia đình.
Hậu quả của những trận sốt rét khiến ông T. không thể sinh con. Nhưng niềm vui rồi cũng đến, sau gần 20 năm, vợ ông có bầu khi bước sang tuổi 40, còn ông tóc đã nhuốm bạc.
Niềm vui muộn của ông bà lớn lao đến chừng nào, “Ngày sinh con, tôi như được tiếp thêm sức, bao nhiêu mệt nhọc, bao nhiêu bệnh tật tiêu tan hết” ông T. tâm sự rồi giọng nói trùng lại vì nghẹn.
Còn người vợ thì khóc nức nở “Tôi chỉ có một thằng con, niềm vui cuối đời của tôi”… Bao nhiêu tình thương hai vợ chồng già giành trọn cho con.
Vì muốn con không thua kém bạn bè, dù vất vả bao nhiêu hai vợ chồng già cũng không bao giờ than phiền.
Những đêm lạnh, ông cứ gắng về khuya hơn để chạy thêm vài chuyến xe ôm kiếm tiền.
Còn bà đi nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn từ khi mặt trời còn chưa mọc đến nhá nhem mới về.
Đáp lại sự hy sinh của ba mẹ, M. cố gắng học hành để ba mẹ không phiền lòng.
“Biết ba mẹ cực nhọc nó gắng học hành. Dù không giỏi nhưng nó cũng gắng hết sức trong khả năng”.
M. đậu vào một trường cao đẳng tại Đà Nẵng. Dù chẳng cao sang nhưng với ông bà đó là niềm vui khôn siết vì biết: “Sau này vợ chồng tôi có khuất núi, nó cũng sẽ kiếm được công việc để lo thân”, ông T. tâm sự.
Nhưng rồi niềm vui chẳng được vẹn tròn như ông bà ao ước, M. đi chơi rồi xảy ra ẩu đã và trở thành nạn nhân trong vụ giết người.
“Nghe tin con bị giết, bà nhà tôi ngất lịm, tôi không giám tin đó là sự thật. Mãi tới khi nhìn thấy con mình trong bệnh viện tôi mới quỳ sụp vì đau đớn” ông T. nói rồi nước mặt rưng rức.
Từ ngày con mất, ông bà chưa một ngày trọn giấc ngủ, “Nghĩ tới con ra đi, tôi đau lắm, hễ nhắm mắt lại thấy con đang cười với tôi. Nó hứa sẽ lo cho vợ chồng già này, sao lại bỏ tôi mà đi”, người mẹ nói rồi khóc tức tưởi.
Lỗi lầm và vị tha
Phiên tòa hôm ấy, hội đồng xét xử đánh giá rằng bản chất vụ án có một phần lỗi của M. - người bị hại trong vụ án.
Bởi sự hung hăng, hiếu thắng của M. nên mới dẫn đến ẩu đã. Nghe hội đồng xét xử nhận định, người mẹ không đồng ý, còn người cha thì khẽ nắm tay vợ như trấn an điều gì đó.
Cuối phiên tòa, ông T. không yêu cầu tòa xử bị cáo mức án nặng, nhưng vợ ông thì một mực “Con tôi chết rồi, suốt đời này tôi đã mất con. Yêu cầu tòa xử bị cáo thật nặng”.
Quay sang phía vợ, ông trấn an “Bà nó à, đừng gieo thêm nỗi đau nữa”. Nghe chồng nói người vợ lại sụt sùi, đầm đìa nước mắt.
Gia đình bị hại đã xin tòa khoan hồng cho bị cáo, để bị cáo sớm trở về với vợ con. Trong lúc chờ tòa nghị án, ông khẽ tâm sự cùng tôi:
“Lỗi lầm thôi thì đừng bàn tới nữa. Tôi chỉ mong con tôi yên nghỉ, còn bị cáo cũng được khoan hồng để rồi bớt đi nỗi đau”.
Nói rồi ông nắm chặt tay vợ “thôi thì vợ chồng già này cứ nương tựa vào nhau”. Câu nói đầy chua xót của hai vợ chồng già khiến nhiều người ngồi bên cạnh rơi nước mắt.
Theo Hà Dung/GDVN