Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định trục vong, gọi hồn vi phạm pháp luật

Google News

Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định các hiện tượng "trục vong", "gọi hồn" không có trong truyền thống Phật giáo, nếu các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện việc trên là đang vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Ban Ton giao Chinh phu khang dinh truc vong, goi hon vi pham phap luat
Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh việc truyền bá vong báo oán tại chùa Ba Vàng trước ngày 25/3. (Ảnh: CBV)
Ngay sau khi Báo Lao Động có loạt bài phản ánh chùa Ba Vàng (TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) tổ chức truyền bá việc vong báo oán, lấy tiền để hóa giải các ân oán từ nhiều kiếp trước... Ban Tôn giáo Chính phủ đã ngay lập tức vào cuộc.
Về góc độ quản lý nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định những hành vi mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, không phù hợp với truyền thống Phật giáo Việt Nam phải bị loại khỏi các cơ sở Phật giáo.
"Các hiện tượng 'trục vong', 'gọi hồn' không có trong truyền thống Phật giáo. Nếu các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện việc trên là đang vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162/2017/NĐ - CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như những văn bản liên quan, cần được xử lý theo quy định của pháp luật" - Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh.
Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, văn hóa cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch chuẩn diễn ra tại cơ sở thờ tự Phật giáo. Bên cạnh đó, cần bổ sung, hoàn thiện những quy định của pháp luật để xử lý nghiêm những hành vi truyền bá mê tín dị đoan, gây dư luận thiếu tích cực, tác động xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh với UBND tỉnh Quảng Ninh và Ban Tôn giáo Chính phủ trước ngày 25/3.
Trao đổi với PV, ông Vũ Thái Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe nhận định: Căn cứ vào các thông tin ban đầu về vụ việc, có thể thấy dấu hiệu của hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là khá rõ ràng. Ngoài ra, còn có dấu hiệu của hành vi hành nghề mê tín dị đoan.
Nếu những người có hành vi bị truy tố về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hình phạt có thể lên đến 20 năm tù hoặc chung thân, còn đối với tội hành nghề mê tín dị đoan hình phạt có thể lên đến 10 năm tù.
Luật sư Vũ Thái Hà cũng đề cập tới trách nhiệm của chính quyền địa phương.
"Sau khi xem tư liệu của Báo Lao Động, tôi thực sự thấy ngạc nhiên bởi nếu như hoạt động này đã diễn ra công khai từ nhiều năm nay thì cần phải đặt một dấu hỏi rất lớn vào vai trò của các cơ quan, đoàn thể, các cán bộ quản lý nhà nước tại địa phương.
Rõ ràng, việc này sẽ ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp nhân dân khi một hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật diễn ra thường xuyên, công khai tại một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất cả nước" - ông Hà nói.
Theo nhóm PV Lao Động/Báo Lao Động