Bé 2 tháng tuổi bị bạo hành ở Lâm Đồng: Mẹ và người tình xử sao?

Google News

Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi của Trần Hoài Thương, kẻ trực tiếp bạo hành cháu bé là rất tàn nhẫn. Đáng lên án là mẹ của cháu bé đã không can ngăn.

Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang tạm giữ Trần Hoài Thương (33 tuổi, ngụ số 3E Thông Thiên Học, phường 2, TP Đà Lạt) để điều tra hành vi bạo hành cháu N.N.T.C. (2 tháng 20 ngày tuổi, con gái của Nguyễn Phúc Hồng Ân, 22 tuổi). Theo Công an, Thương được xác định là người trực tiếp bạo hành cháu C. dẫn đến đa chấn thương nội sọ, gãy xương cẳng tay, gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân, suy thận cấp, suy gan. Đáng lên án hơn, thời điểm Thương bạo hành cháu C, mẹ của cháu có mặt tại phòng trọ nhưng không can ngăn. Công an TP Đà Lạt đã xét nghiệm nhanh, kết quả cả Thương và Ân đều dương tính với ma túy.
Be 2 thang tuoi bi bao hanh o Lam Dong: Me va nguoi tinh xu sao?
Bé C. đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa Lâm Đồng. 
Có thể khởi tố tội giết người
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, hành vi của các đối tượng là rất tàn nhẫn, có thể tước đoạt tính mạng của cháu bé.
Với thông tin ban đầu như vậy, cơ quan điều tra sẽ triệu tập hai đối tượng này để làm rõ sự việc, có thể ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp với cả hai đối tượng này để xem xét làm rõ hành vi vi phạm pháp luật.
Be 2 thang tuoi bi bao hanh o Lam Dong: Me va nguoi tinh xu sao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. 
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng hành vi vi phạm pháp luật và đánh giá tính chất của từng hành vi đối với từng làm để xác định hành vi có thể dẫn đến chết người hay không. Đặc biệt chú ý đến hành vi lắc đầu cháu bé 2 tháng tuổi này. Làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của đối tượng khi thực hiện hành vi này.
Trong trường hợp đối tượng nhận thức được rằng hành vi lắc mạnh đầu cháu bé có thể dẫn đến chấn thương não khiến cháu bé tử vong hoặc kết luận của cơ quan chức năng xác định hành vi có thể dẫn đến cháu bé tử vong thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối tượng này về tội giết người quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự mà không phụ thuộc vào việc hậu quả. Theo quy định của pháp luật, hành vi với mục đích giết người hoặc hành vi có thể dẫn đến chết người, đối tượng nhận thức được hành vi nguy hiểm có thể tước đoạt tính mạng của người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra thì sẽ xử lý hình sự về tội giết người.
Còn đối với mẹ của cháu bé, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi của người phụ nữ này. Nếu cùng có hành vi đánh đập cháu bé hoặc có những hành vi xúi giục, giúp sức cho đối tượng người tình thực hiện hành vi đánh đập cháu bé thì cũng sẽ được xác định là đồng phạm.
Ngoài ra cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ việc sử dụng trái phép chất ma túy. Trong trường hợp thu giữ được ma túy hoặc xác định có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với đối tượng có liên quan về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy nếu có.
Hành vi tàn ác với những sinh linh bé bỏng có điểm gì chung?
Cũng trao đổi với PV, thượng tá, TS Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) phân tích về 3 sự tương đồng trong các vụ án bạo hành trẻ em gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua:
Be 2 thang tuoi bi bao hanh o Lam Dong: Me va nguoi tinh xu sao?-Hinh-3
Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) 
Thứ nhất, sự tương đồng về thân phận: Trước khi trở thành bị hại trong các vụ án hình sự, các con đều là nạn nhân trực tiếp của các cuộc hôn nhân tan vỡ. Khi mẹ hoặc cha đẻ đưa chúng đến ở cùng với những người khác, cuộc sống các con trở thành địa ngục nếu kẻ gá nghĩa đó là người ích kỷ, máu lạnh, nhẫn tâm. Trong sâu thẳm tâm lý nội tâm, những kẻ đó coi 'núm ruột' của bồ là cái gai trong mắt.
Do thơ ngây, không có khả năng tự vệ, phản kháng hay thông đạt chuyện xảy ra với mình đến những người xung quanh, nên các con âm thầm chịu trận, lãnh đủ sự tàn bạo, vô nhân tính của người lớn, mà không hiểu sao mình bị phạt. Nỗi đau trong sự ngơ ngác tội nghiệp làm trái tim những người có lương tri rỉ máu, công phẫn cao độ trước hành động không thể biện minh của kẻ thủ ác. 
Thứ hai, sự tương đồng về thái độ vô cảm của những người thân thích, liên quan, hàng xóm: Trong các vụ án giết trẻ em mới xảy ra, đều dưới hình thức bạo hành gia đình. Trước khi bị giết, trẻ đã có một khoảng thời gian hứng chịu bạo lực, đòn roi, với những chấn thương để lại trên thân thể. Tại sao không ai biết cho đến khi những sinh mệnh thuần khiết ấy lìa bỏ cuộc đời? Có thực sự khó để không thể biết trẻ bị bạo hành hay không? Tiếng quát tháo, đòn roi, đổ vỡ, tiếng khóc ré vọng ra từ nhà bên, sao không thể nghe thấy?
Rồi người cha, người mẹ dù không ở cùng con, nhưng khi đến thăm, chẳng nhẽ không nhìn thấy những vết bầm tím đòn roi? Rồi cô giáo mầm non, thầy giáo trường học… có khó gì khi nhận ra những biểu hiện bất thường của một học sinh. Biểu hiện đó là những khác lạ về tâm lý và thể chất.
Chỉ cần có một lòng thật tâm yêu trẻ, một ý thức trách nhiệm công dân… sẽ không khó để nhận ra trẻ cần được cứu trước khi quá muộn. Có thể đánh giá ở các vụ án đã xảy ra, xếp sau kẻ trực tiếp gây tội ác về mặt trách nhiệm, chính là người thân của các cháu, rồi đến hàng xóm, giáo viên… Tội của họ là thờ ơ, vô cảm, mà không biết rằng giá như họ bao đồng chút thôi, là một sinh linh đã có thể được giữ lại. 
Thứ ba, sự tương đồng về nhân cách thoái hóa, lệch lạc của kẻ gây án và người liên quan: Kẻ trực tiếp bạo hành với trẻ chủ yếu là mẹ kế, chồng hờ, nhân tình của bố, mẹ trẻ.
Điểm chung trong đặc điểm tâm lý thủ phạm là sự thoái hóa về nhân cách, với các đặc điểm lệch lạc như: tính ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, lối sống vị kỷ, hưởng thụ, thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý trong giao tiếp xã hội, coi thường các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật.
Người liên quan trực tiếp sau hung thủ là bố hoặc mẹ của trẻ. Họ cũng đồng điệu với kẻ thủ ác ở thái độ thờ ơ trước an nguy, hạnh phúc của con. Rất có thể trong họ tồn tại suy nghĩ đứa con là một gánh nặng, việc phải nuôi nó như một nghĩa vụ, chứ không có tình mẫu tử, phụ tử thật sự. Rất có thể, trong sâu thẳm, họ cũng thấy đứa con như một trở ngại cho hành trình tìm duyên mới. Chưa hết, đứa bé còn nhắc họ nhớ về những buồn thảm đã qua với mảnh ghép không hoàn hảo cũ. Cũng có thể, sau một lần đổ vỡ, họ sợ lại mất tiếp đi người họ mới tìm được để trao thân, gửi phận.
Nỗi sợ đó kìm hãm, ngăn cản họ có hành vi phản kháng cần thiết để bảo vệ “núm ruột” của mình trước hành động vũ phu, tàn bạo của người tình. Hoặc giả kẻ gá nghĩa đó có tâm lý “cửa trên” nên ứng xử lỗ mãng, bạo lực ngay cả với người tình, gây ra sự sợ hãi. Sợ mãi thành quen, làm triệt tiêu mọi suy nghĩ phản kháng. Với các sắc thái tâm lý này, ở một chừng mực nào đó, có thể họ đồng tình với hành động bạo hành của nhân tình với chính đứa con của mình.
Từ các vụ án đau thương này, cần đặt ra vấn đề xã hội hệ trọng, đó là phải làm sao để khôi phục lại truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam. Đó là ông bà cha mẹ nêu gương, con cháu thảo hiền; làm sao để gia đình Việt bền vững trước đại dịch có tên: ly hôn. Chỉ khi gia đình bền vững, mới đỡ đi những cái chết tức tưởi như đang thấy!
>>> Xem thêm video: Cha ruột bạo hành con gái gần 1 tuổi để níu kéo vợ

Nguồn: Pháp luật TP HCM.

Gia Đạt