Bí ẩn chuyện quạ đen chỉ chỗ xây Nghè Ná trong rừng cấm

Google News

Sau buổi lễ, người dân trong làng đồng lòng góp sức xây dựng Nghè Ná dưới chân rừng Cấm, vị trí con Quạ đen đậu trên cành cây.

Nghé Ná, nằm ngay dưới chân rừng Cấm, bên cạnh đường đi xuống bến đò ngang sông Gianh. Tương truyền, trước đây Nghé Ná nằm ở bên bờ Bắc của sông Gianh, tuy nhiên, sau khi chia lại địa giới hành chính xã Mỹ Trạch, Nghè Ná được chuyển về rừng Cấm (nằm bên bờ Nam sông Gianh).
Theo ông Nguyễn Trọng Chiến (SN 1941), một cao niên - người lưu giữ rất nhiều tư liệu lịch sử, văn hóa về làng, cho biết: “Nghè Ná được xây dựng lại vào năm 1930. Từ đó về sau, Nghè Ná được xem là chốn linh thiêng, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương”.
Nghè Ná nằm dưới chân khu rừng Cấm, ngay trước đường tới bến đò ngang qua Bắc sông Gianh 
Theo ông Chiến kể lại, khi chọn địa điểm xây mới Nghè Ná, các vị cao niên trong làng chuẩn bị một mâm cổ cúng bái. Khi thầy cúng đang làm lễ xin vị trí xây Nghè và có nói quạ đen đậu ở đâu thì xây ở đó.
Thầy vừa nói dứt lời, bỗng có một con Quạ đen ở đâu bay tới, lượn hai vòng nơi các vị cao niên đang làm lễ, sau đó, nó đậu trên cành cây cao ngất ngưỡng. Thấy vậy, những người có mặt trong buổi lễ đều tỏ ngạc nhiên vì sự trùng hợp tới lạ lùng.
Người dân trong làng đồng lòng góp sức xây dựng Nghè dưới chân rừng Cấm (vị trí con quạ đậu trên cành cây) được người dân đặt tên là Nghè Ná.
“Trong làng có rất nhiều Nghè, Miếu. Có Nghè nằm ở giữa làng thờ thần nước, có Nghè lại thờ Thành hoàng làng. Riêng Nghè Ná nằm trong khu rừng cấm ở cuối làng, thờ đức vua Cao Các và các vị thần núi. Dân làng thờ các vị thần với mong muốn được họ che chở, phù hộ cho người dân có cuộc sống sung túc, no đủ”, một người dân cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Chiến kể lại những câu chuyện ly kỳ về Nghè Ná. 
Từ khi Nghè được xây dựng đến nay, vào các dịp lễ, tết hay ngày rằm, người dân ở đây đều chuẩn bị một mâm cổ cúng tại Nghè.
“Không kể ít hay nhiều, vào mùa xuân và mùa thu, mỗi gia đình sắm một mâm cổ đến thắp hương tại Nghè. Nhà nào nghèo cũng sắm một nải chuối, nhà có điều kiện thì nấu xôi và thịt luộc dâng lên nghè...”, ông Chiến cho biết.
Những người dân ở đây mỗi khi nhắc đến Nghè Ná đều tỏ ra kính cẩn... và xem đó là chốn tâm linh.
“Có lần, ông Nhẫn (người trong làng) đang đi làm ngoài ruộng, cách Nghè vài cây số bỗng nhiên thả lưỡi cày, chạy một mạch về Nghè.
Đến Nghè, ông ngồi chễm chệ trước mặt các cao niên, rồi phán cho người dân rằng, làng mình muốn tránh được bệnh tật, chết chóc do sốt rét thì mỗi khi làng gặp chuyện, người dân đừng dắt díu nhau vào rừng chạy chốn mà hãy đào hầm trú ngụ ngay trong làng. Bởi trong rừng rất nhiều muỗi gây bệnh sốt rét, các loài kí sinh trùng gây dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Tuy, Trưởng thôn 2 cho rằng, những câu chuyện đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. 
Lời ông Nhẫn phán lúc đó, lập tức được người dân trong làng truyền tai nhau làm theo. Có lẽ ông Nhẫn mượn chuyện đó để bảo người dân tránh đi vào rừng gặp muỗi mà lây bệnh sốt rét. Thế nhưng, nhiều người lại cho rằng đó là thần linh mách bảo nên làm lễ tạ”, ông Chiến kể lại.
Chúng tôi đem những câu chuyện trên tới hỏi ông Nguyễn Văn Tuy (SN 1957), Trưởng thôn 2, thì được ông trả lời: “Những câu chuyện về Nghè Ná được người dân ở thế hệ trước kể lại cho thế hệ sau nghe. Thực chất, những câu chuyện đó chỉ mang tính chất truyền miệng, chưa có ai kiểm chứng tính xác thực của nó.
Ông Tuy cho biết thêm, từ lâu, Nghè Ná là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương. Đến cuối những năm 70, người ta mở một con đường ngay trước mặt Nghè Ná. Trong thâm tâm chẳng ai muốn, nhưng để làm được đường phục vụ cho việc đi lại, người dân buộc phải đập Nghè hiến đất.
Từ ngày đó, Nghè Ná chỉ còn lại phế tích. Đến nay, người dân địa phương có tâm nguyện khôi phục lại Nghè Ná ở khu đất liền kề. Tuy nhiên, vì chưa đủ kinh phí nên việc phục dựng lại Nghè chưa thể thực hiện được”.
Theo Người Đưa Tin