Kỳ 4: Thực hư lời đồn người làm phép khiến vợ chồng chết theo nhau
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà thầy bùa Hà Văn M. ở bản Xuân, người nổi tiếng trong vùng về khả năng làm bùa, ngải.
Ở xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ) có rất nhiều thầy mo, có khả năng làm bùa, ngải, nhưng chỉ có 5 người là giỏi nhất, có khả năng làm "tơm thăm", gồm bà Bằng (bản Chiềng), ông Cứng (bản Quyền), ông Long (bản Chiềng), ông Tan (bản Nhàng) và ông M. (bản Xuân).
Trong số 5
thầy bùa giỏi này, thì ông M. được coi là cao tay và nổi tiếng nhất. Ông M. nổi tiếng đến nỗi, người Hà Nội cũng biết tiếng. Họ đánh cả xe con lên, thậm chí khi chưa có đường vào bản còn cuốc bộ lên núi, chi phí nhiều tiền để đưa ông về Hà Nội cúng bái, làm bùa ngải cho người ta.
|
Ông Hà Văn M. đang đọc chú trong bài bùa "tơm thăm" cho phóng viên nghe. |
Nhà
thầy bùa nổi tiếng Hà Văn M. nằm gần đỉnh một ngọn núi, phải cuốc bộ, trèo dốc một lúc mới đến. Ngồi trên nhà sàn của thầy nhìn xuống chân núi, thấy thung lũng Xuân rất đẹp. Bốn bề núi non hiểm trở, rừng rú âm u bọc lấy một cánh đồng lúa chín vàng ruộm như dát vàng. Thầy M. 65 tuổi, ngồi rít thuốc lào sòng sọc bên cửa sổ.
Ông M. cũng thú nhận chuyện ông thường xuyên về Hà Nội làm bùa là có thật, nhưng ông chỉ làm việc tốt mà thôi. Vừa mới đây, ông Thiếu tá công an, nhà ở gần ga Hàng Cỏ đã đánh cả xe con lên đón ông về Hà Nội làm bùa.
Lý do anh này muốn làm bùa là vì vợ anh ta, là phó giám đốc một công ty, đã bỏ vào Nam theo bồ, để lại hai đứa con cho anh ta nuôi dưỡng. Ông M. giận người đàn bà lăng loàn, đã niệm thần chú "tơm thăm" vào chiếc áo của cô ta, để cô ta phải trở về nhà sống hết đời với chồng con. Tôi hỏi về tác dụng, ông M. bảo chưa thấy anh công an kia thông báo lên, nên ông cũng không biết thế nào.
Thầy M. kể, bố ông là một thầy mo,
thầy bùa nổi tiếng. Trước khi chết, bố ông truyền lại cho rất nhiều bài bùa, nèm. Tuy nhiên, những bài bùa ấy chỉ là chuyện nhỏ, những thầy bùa ở trong xóm đều làm được cả.
Bố ông cũng truyền lại cho ông bùa "tơm thăm", nhưng không thấy có tác dụng. Ông làm "tơm thăm" giỏi là do một ông thầy người Lào truyền cho.
|
Thầy bùa Thục đang làm bùa yêu cho khách |
Ông M. từng đi bộ đội, đóng quân ở Xavannakhet (Lào) từ năm 1968 đến 1972. Những ngày sống ở các bản làng trong rừng sâu, ông nhận thấy người Lào còn giỏi bùa, nèm hơn các dân tộc ở nước ta rất nhiều.
Bài bùa "tơm thăm" mà ông đang sử dụng là do một ông thầy mo người Lào già lắm, lúc đó đã 110 tuổi dạy cho. Ông phải mất ối tiền mới học được.
Bùa "tơm thăm" không có gì to tát, phức tạp. Thầy cúng có căn số, học được, chỉ cần nín hơi, niệm chú vào chiếc áo, hoặc chiếc khăn người đó đang sử dụng, thì hai người sẽ cả đời phải nằm bên nhau, chết cũng không rời. Từ "tơm thăm" dịch nghĩa ra tiếng Việt là "trăm năm", tức sẽ bên nhau mãi mãi.
Cũng theo ông thầy M., làm "tơm thăm" rất nguy hiểm. Nguy hiểm cả cho người ta, lẫn cho cả ông. Nếu việc làm của ông là thất đức, ông cũng sẽ gặp họa. Còn nếu làm nhiều việc tốt, thì ông sẽ được phúc.
Từ ngày ở Lào về, ông làm bùa yêu cho nhân dân trong cả xã. Cứ cặp vợ chồng nào, một người phải đi làm ăn xa, người ở nhà sẽ đến ông xin bùa, và y rằng, lúc nào họ cũng nhớ về nhau, tâm tình không còn dành cho ai khác nữa. Những cặp vợ chồng hay mâu thuẫn cũng nhờ vả ông để gắn kết lại.
Ông M. chỉ tôi xuống gặp ông Páng ở chân núi để hỏi cho rõ. Ông Páng ngày trước suốt ngày đánh vợ, khiến cô ấy phải bỏ về nhà mẹ đẻ. Ông M. làm cho lá bùa, giờ sống quấn quýt với nhau, có đến ba mặt con mà không thấy to tiếng câu nào nữa, có xua đuổi cũng chẳng rời xa nhau.
|
Một thầy bùa ở Tân Sơn đang làm bùa yêu cho hai cô gái từ Hà Nội, |
Tôi ngồi trò chuyện với ông M. bên bếp lửa, thi thoảng vợ ông lại tủm tỉm cười, nhìn chồng rất âu yếm. Tôi quay sang hỏi bà vợ: "Bà có bị ông bỏ bùa không vậy?". Ông M. cướp lời: "Không có bỏ bùa gì đâu". Tôi hỏi lại, bà vợ ông vẫn tủm tỉm nói: "Không biết nữa, nhưng có khi là có đấy...".
Tôi hỏi ông M. rằng, ông có ý định truyền nghề cho ai khác không, ông bảo là có. Hàng năm, cứ từ ngày mùng 3 đến mùng 8 Tết, ông lại gọi bọn thanh niên trong xóm đến nhà ông để ông dạy. Ai nào sáng dạ, ít nói, kín đáo, có cái bụng tốt thì khắc học được, còn tối dạ, lòng hiểm thì không bao giờ học được bùa, nèm.
Khi chúng tôi đang ngồi tiếp chuyện thì một chị hớt hải vào nhà ông bảo ông nèm cho đứa con đang bị hóc xương gà. Sau khi hỏi han kỹ lưỡng, ông thầy M. nhắm mắt, nín thở nói không ra hơi đúng ba lần: "Úm lênh nghênh, úm lang ngang", rồi quay sang bảo chị kia về đi, con chị hết hóc xương rồi.
Sau đó tôi có hỏi, thì ông M. dịch câu thần chú đó như sau: "Mày ở gần mày ra, mày ở xa mày vào". Không biết chuyện này tiếp đó xảy ra thế nào, vì nhà chị nọ ở tít tận trong rừng, chúng tôi không đi theo được, nhưng những chuyện chữa hóc xương bằng mẹo như vậy tôi cũng được nghe nhiều rồi nên không lấy làm quá lạ.
Những câu chuyện ông M. kể còn dài lắm, nhiều lắm, không biết đúng sai đến đâu. Lời ông kể cứ rủ rỉ rù rì như đưa người nghe vào một thế giới huyền bí cổ xưa, đầy chết sử thi và cổ tích.
Rời xứ sở bùa ngải người Mường ở vùng đất tận cùng Phú Thọ vài hôm, thì tôi nhận được thông tin từ một người dân ở xã Kim Thượng, rằng ông thầy bùa Hà Văn M. đã qua đời. Hôm gặp ông, trò chuyện với ông, thấy ông vẫn khỏe mạnh, tinh tường, thậm chí có vẻ như sức vóc ông còn hơn người ở tuổi ấy. Chuyện ông ra đi đột ngột cũng thật khó hiểu và để lại nhiều lời đồn.
Còn tiếp…