Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đối thoại với nông dân Thủ đô

Google News

Sáng 27/9, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội có buổi đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2022.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy Hà Nội đến 18 điểm cầu tại 18 huyện, thị xã và 406 điểm cầu tại 406 xã, phường, thị trấn.
Hà Nội hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa "tam nông"
Phát biểu mở đầu buổi đối thoại với Nông dân Thủ đô sáng 27/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hội nghị đối thoại với nông dân có ý nghĩa rất quan trọng.
Thành ủy Hà Nội luôn xác định tăng cường đối thoại, tiếp thu góp ý, tích cực giải quyết kiến nghị chính đáng của nhân dân. Đây là giải pháp căn cơ, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo, điều hành của địa phương. Đồng thời ủng hộ và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân khi triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.
Bi thu Thanh uy Ha Noi Dinh Tien Dung doi thoai voi nong dan Thu do
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị đối thoại.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn thành phố.
Trong đó, qua nhiều lần lãnh đạo thành phố đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề cốt lõi hoặc còn khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như: Nguồn lực đầu tư; Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; Các nguồn vốn, quỹ phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; Chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; Hỗ trợ nông dân; Quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp… đã được Thành ủy, UBND TP và cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giải quyết. Từ đó, ngành nông nghiệp có sự biến chuyển tích cực, được các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là nông dân Thủ đô ghi nhận, đồng tình, đánh giá cao...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô bước vào nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ TP với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, với tinh thần chủ động và khát vọng khơi dậy mạnh mẽ ý chí vươn lên, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế, vai trò gương mẫu của Thủ đô, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Để cụ thể hóa Nghị quyết XVII Đảng bộ Thành phố, ngay sau Đại hội; Thành ủy đã xây dựng và ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó có Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025"; hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa "tam nông" - nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với những giải pháp kỳ vọng sẽ phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh, mang bản sắc riêng của Thủ đô Hà Nội.
Thực hiện chính sách ‘tam nông” vẫn còn những khó khăn
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách “tam nông” trên địa bàn thành phố còn có những khó khăn, hạn chế. Nhất là vấn đề sản xuất manh mún; thương hiệu sản phẩm chủ lực với năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao còn mờ nhạt; đất nông nghiệp không được canh tác có xu hướng ra tăng; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều.
Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn được đầu tư chưa đồng bộ theo hướng tiệm cận đô thị. Đời sống một bộ phận nông dân còn gặp khó khăn, vấn đề giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập của người nông dân, nhất là đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 còn hạn chế.
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp và đầu tư vào khu vực nông thôn còn bất cập, chưa khả thi, chưa hiệu quả. Công tác hội và phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
“Để giải quyết hiệu quả, triệt để những vấn đề này; lãnh đạo TP rất cần nghe ý kiến tham vấn của bà con nông dân, cán bộ, hội viên Hội Nông dân, các hợp tác xã, DN đầu tư về nông nghiệp” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị đối thoại, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo thành phố sẽ lắng nghe, tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà bà con nông dân Hà Nội quan tâm, đề xuất, mong muốn được trao đổi, nhất là những đề xuất về tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách tam nông, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh.
Để cuộc đối thoại hiệu quả, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu nêu ý kiến thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể với lãnh đạo thành phố. Kiến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách của Trung ương, của thành phố đã đúng và trúng, đáp ứng nhu cầu của bà con và phù hợp với tình hình thực tiễn chưa? Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc gì? Mạnh dạn đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh
Đồng thời, tham góp ý kiến với thành phố về việc triển khai tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiến kế, đóng góp sáng kiến xây dựng Thủ đô; chủ động đề xuất với thành phố giao Hội Nông dân tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng bày tỏ mong muốn tại hội nghị này, lãnh đạo thành phố sẽ nhận được nhiều ý kiến chất lượng của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; sau hội nghị, các vướng mắc, kiến nghị đó sẽ cơ bản được giải đáp, giải quyết theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn thành phố.
Qua đó, góp phần tạo môi trường ngày càng thuận lợi để nông dân Thủ đô và tổ chức Hội Nông dân phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, vững tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng chung tay, góp sức “Làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần” như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Theo chương trình, sau phát biểu khai mạc định hướng nội dung đối thoại của Bí thư Thành ủy, các đại biểu sẽ xem phóng sự truyền hình về một số kết quả công tác Hội Nông dân thành phố và những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của hội với thành phố. Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cũng sẽ báo cáo kết quả thực hiện thực hiện các kết luận của Thường trực Thành ủy từ năm 2019 đến nay đối với Hội Nông dân thành phố. Sau đó, các đại biểu nông dân sẽ nêu câu hỏi đối với Bí thư Thành ủy và các cơ quan thành phố. Bí thư Thành ủy Hà Nội sẽ có phát biểu kết luận về cuộc đối thoại. Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy tôn vinh, khen thưởng một số đại biểu nông dân xuất sắc của thành phố năm 2022.

>>> Mời độc giả xem thêm video Tỷ phú nông dân từ những quả trứng gà:

Nguồn: VTV24


Hải Ninh