Chiều 7-9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan dự án hồ thủy lợi Ka Pét (xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam) được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua.
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp báo.
|
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết, hiện chỉ 20% đất nông nghiệp ở Bình Thuận, tương đương 57.000ha, được tưới nước chủ động. Còn diện tích rất lớn chưa được tưới, đặc biệt ở phía Nam như Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi. Khoảng 619ha rừng sẽ trở thành hồ thủy lợi, nhưng đổi lại sẽ cấp nước tưới trực tiếp cho hơn 7.760ha đất nông nghiệp - gấp 13 lần diện tích rừng bị mất, và nước sinh hoạt tới 120.000 dân huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Ngoài ra, dự án còn cấp nước cho các hồ ở hạ du, gián tiếp tưới nước cho hơn 6.200ha, cung cấp 2,63 triệu m3 nước mỗi năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II. Dự án cũng phòng, chống lũ, lụt, cải tạo môi trường sinh thái cho một số vùng hạ du của tỉnh.
|
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận trả lời các câu hỏi của cơ quan báo chí. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
Theo ông Dương Văn An, quá trình triển khai các thủ tục để thực hiện dự án đã nhận được các đóng góp và không có nhiều ý kiến phản đối dự án. Nhưng, hiện dư luận cả nước lại quan tâm rất nhiều đến dự án này, trong đó có người ủng hộ, người không ủng hộ.
Để rộng đường dư luận, Bình Thuận tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ về quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án trình các cấp phê duyệt, cũng như quy mô, cách thức khai thác, bảo vệ rừng.
Tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thông tin, dự án hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 93/2019/QH14 ngày 26-11-2019 và Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023.
Quy mô hồ Ka Pét có dung tích trên 51 triệu m3 , tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là hơn 874 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.
Tổng diện tích đất dự án là 697,73ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72ha (đất có rừng 619,5ha, gồm: rừng đặc dụng 137,95ha; rừng phòng hộ 0,51ha; rừng sản xuất 440,4ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha và đất không có rừng 60,1ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01ha.
|
Tổng diện tích đất dự án là 697,73ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72ha. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
Khi thực hiện dự án, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế theo Điều 21 Luật Lâm nghiệp là 1.844,54ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định 3263/QĐ-UBND ngày 30-12-2020 về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích 434,22ha (cho 144,74ha rừng tự nhiên).
Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại (1.410,32ha), Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng thay thế bổ sung, đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án.
Không còn vị trí nào khác phù hợp để làm hồ
Xung quanh việc tại sao tỉnh Bình Thuận không tận dụng hoặc chọn vị trí khác để xây hồ thủy lợi, thay vì khai thác 619ha rừng tự nhiên để làm thêm hồ chứa, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án đã được các chuyên gia, nhà khoa học phân tích kỹ lưỡng, được báo cáo tại rất nhiều kỳ họp, qua hội đồng thẩm định cấp nhà nước, qua nhiều đoàn kiểm tra của cơ quan trung ương. Theo đó, hiện không còn vị trí nào khác tại tỉnh Bình Thuận phù hợp để làm hồ thủy lợi này.
Bí Thư tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh, huyện Hàm Thuận Nam và khu vực lân cận hiện khai thác 100% công suất các công trình thủy lợi nêu trên, nhưng chỉ tưới được khoảng 15% đất sản xuất nông nghiệp. Mùa khô hàng năm, ở vùng thiếu nước của huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh chỉ đạo mỗi tháng chỉ tưới một lần cho hàng ngàn ha thanh long, mục tiêu để cây sống chứ không dám cho ra trái, vì không đủ nước.
|
Hiện, không còn vị trí nào khác tại tỉnh Bình Thuận phù hợp để làm hồ thủy lợi Ka Pét. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
"Hồ hiện hữu ở các khu vực trên đều được cân bằng dung tích rất kỹ, không đủ năng lực và không có mạng lưới để tưới tiêu cho nơi khác. Chưa kể, các hồ nằm ở độ cao khác nhau, theo nguyên lý nước từ trên cao chảy xuống nơi thấp, nên không thể lấy hồ ở hạ du để tưới cho thượng du. Hồ Ka Pét ở thượng nguồn nên bên cạnh phục vụ nước cho vùng sản xuất sẽ cung cấp nước cho các hồ phía dưới", ông Dương Văn An chia sẻ.
Điều tra, kiểm kê rừng trong khu vực dự án đúng quy định
Thông tin về hiện trạng điều tra, kiểm kê rừng trong khu vực dự án, ông Đỗ Văn Thông, Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ cho biết thực hiện đúng các quy định, quy chuẩn hiện hành.
Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng sơ bộ cho thấy, trong tổng số 679,72ha đất rừng có 619,58ha đất có rừng (rừng tự nhiên 612,48 ha và rừng trồng 7,1ha) và 60,14ha đất không có rừng.
Phân theo mục đích sử dụng có 149,9ha rừng đặc dụng, 0,86ha rừng phòng hộ, 440,4ha rừng sản xuất và 40,72ha nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng.
|
Điều tra, kiểm kê rừng trong khu vực dự án đúng quy định. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
Về trạng thái rừng, trong số 612,48ha (chiếm 90,11%) có trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL giàu là 12,22 ha (chiếm 1,80%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL trung bình là 120,25 ha (chiếm 17,69%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL nghèo là 43,04 ha (chiếm 6,33%), trạng thái rừng hỗn giao tự nhiên núi đất là 436,11 ha (chiếm 64,16%) và trạng thái rừng hỗn giao tự nhiên núi đất là 0,86 ha (chiếm 0,13%).
Đối với công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM)
Công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) đã hoàn thành vào tháng 9-2020. Do dự án phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa đủ cơ sở trình Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt. Hiện nay, Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 5 đã thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023.
Ngày 4-7-2023, UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 30-10-2023 tại Công văn số 2412/UBND-ĐTQH.
Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với đơn vị tư vấn để tổ chức lập lại hồ sơ theo quy định, cụ thể như: Hoàn chỉnh nội dung ĐTM theo biểu mẫu mới; lập mô hình đa dạng sinh học, mô hình thủy lực và lấy ý kiến của tổ chức chuyên môn về tác động của việc thực hiện dự án tới đa dạng sinh học; đăng tải tham vấn ý kiến trên cổng thông tin điện tử Bộ TN-MT; tham vấn cộng đồng dân cư địa phương.
Đến nay, công tác đăng tải tham vấn ý kiến trên cổng thông tin điện tử Bộ TN-MT và tham vấn cộng đồng dân cư địa phương đã thực hiện xong. Hiện, đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh các nội dung trong hồ sơ theo Nghị định mới để trình Bộ TN-MT thẩm định.
Theo Nguyễn Tiến/ Báo Sài Gòn