Công an quận 9 (TP.HCM) đang hoàn tất hồ sơ để bàn giao bà Hồ Thị Ngọc Điệp (52 tuổi, bán bún riêu) cho Công an TP.HCM điều tra và xem xét khởi tố tội danh Giết người. Giới luật sư đã có nhiều phân tích, ý kiến trái chiều về vụ việc.
Có nhiều ý kiến trái chiều
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khi đã có kết luận mẫu nước lèo trong nồi bún riêu có hàm lượng chất diệt chuột cực độc gây chết người, cơ quan thẩm quyền hoàn toàn có cơ sở điều tra tội Giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự (BLHS). Theo đó, người phạm tội có thể nhận khung hình phạt từ 7 đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc nên xử lý bà Điệp ra sao về hành vi bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu để vừa mang tính răn đe, vừa hợp tình hợp lý.
Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM), việc bà Điệp khai bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu của chị Trần Thị Bạch Tuyết (37 tuổi, cháu dâu bà Điệp) chỉ vì muốn phá hỏng nồi nước lèo chứ không nghĩ đến việc hại người ăn là không thuyết phục.
“Ai cũng biết thuốc chuột có thể gây chết người. Khi bà Điệp bỏ chất độc này vào nồi nước lèo thì hoàn toàn có khả năng nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi, có thể gây chết người hoặc thậm chí chết nhiều người. Vì vậy, hành vi này là rất đáng lên án”, luật sư Hiệp phân tích.
|
Bị can Hồ Thi Điệp. Ảnh: N.K. |
Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khung hình phạt dành cho người gây ra có thể lên đến tử hình. Theo căn cứ, các tình tiết tăng nặng như giết người “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; có tính chất côn đồ; vì động cơ đê hèn”.
Chính vì thế, hành vi đổ thuốc diệt chuột vào nồi bún riêu với mục đích đầu độc có thể làm chết nhiều người nếu như không bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. "Người thực hiện hành vi đã thể hiện sự xem thường pháp luật, không thực hiện giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật dân sự", luật sư Trạch bình luận thêm.
Vẫn có thể áp dụng các tình tiết giảm nhẹ?
Ở một khía cạnh khác, các luật sư đều đồng tình rằng vẫn có thể áp dụng một vài tình tiết giảm nhẹ cho người gây ra vụ việc. Cụ thể là việc bị hại Trần Thị Bạch Tuyết đã làm đơn xin bãi nại.
Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp, tội Giết người theo Điều 93 BLHS không phải thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại nên đơn bãi nại của người bị hại không phải là điều kiện để cơ quan điều tra không khởi tố hay đình chỉ vụ án mà sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ trong quá trình tố tụng.
Trên quan điểm nhân văn hơn, luật sư Hà Hải cho rằng không nên quy chụp mà cần xác định rõ xem bà Điệp có thực sự nhận thức được đầy đủ hậu quả từ hành vi của mình trước khi thực hiện hay không. Nếu không thì nội dung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can rất có thể thay đổi theo hướng có khung hình phạt thấp hơn rất nhiều lần so với hình phạt của tội Giết người.
“Hành vi của bà Điệp là phạm tội chưa đạt. Theo các nghị quyết của Quốc hội, khi tòa xét xử phải áp dụng các tình tiết có lợi cho bị can, bị cáo của BLHS”, luật sư Hiệp chia sẻ.
Theo Chi Mai/ Zing