Sáng ngày 14/2, trả lời báo chí Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid-19, Bộ GD&ĐT sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện đã có một số địa phương báo cáo Bộ GD&ĐT việc sẽ cho học sinh đi học trở lại từ ngày 17/2 sau 2 tuần tạm nghỉ để phòng, phòng chống dịch covid-19.
“Tôi được biết lãnh đạo những địa phương này trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế và Sở GD&ĐT, đã cân nhắc kỹ tình hình dịch bệnh ở địa phương để đưa ra quyết định cho học sinh đi học trở lại” - Bộ trưởng Nhạ nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, do tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp nên các địa phương cần cân nhắc rất kỹ phương án cho học sinh đi học trở lại, chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. |
Đồng thời, ông Phùng Xuân Nhạ thông tin, Bộ GD&ĐT cũng đã có các kịch bản ứng phó với tình hình dịch, trong đó có việc lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung, đặc biệt là sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi trong việc giãn khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học (nếu cần thiết).
“Việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ gây một số khó khăn cho ngành và các địa phương, tuy nhiên qua phân tích vẫn có thể khắc phục được bằng các giải pháp quản lý phù hợp của từng nhà trường, tại từng địa phương. Việc phòng, chống dịch bệnh dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Vì vậy, các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn, an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết”, ông Nhạ nói.
Trước đó, ngày 13/2 sau khi xin ý kiến về mặt chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố; thủ trưởng các đại học, học viện; các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Theo công văn này, các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học trở lại sau khi đã tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho học sinh (nước sạch và xà phòng), hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch bệnh Covid-19, giúp cho học sinh biết cách phòng bệnh.
Đối với các địa phương có báo cáo trường hợp bệnh, ngoài yêu cầu trên, tiếp tục theo dõi sát tình hình và chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã có các biện pháp phòng bệnh cho học sinh; trường hợp nhiễm bệnh đã được tiến hành cách ly và không phát sinh ca mới - thực hiện như khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cũng trong sáng 14/2, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona (Covid-19) gây ra với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, học sinh đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thực sự an toàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngày 11/2, ông đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương có hướng dẫn thật chi tiết, dễ hiểu để các cấp, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh khi đi học trở lại.
Nhấn mạnh “tinh thần là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại”, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết, nhất thiết chính quyền, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để đảm bảo trường học, lớp học thật sự an toàn. Nhưng như vậy cũng chưa đủ mà còn phải hướng dẫn, tuyên truyền để phụ huynh, học sinh an tâm.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chưa làm được cho phụ huynh và học sinh an tâm thì chưa cho học sinh đi học trở lại ngay. Còn khi các em đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thực sự an toàn.
“An toàn cả dưới giác độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, của phụ huynh học sinh. An toàn và an tâm. Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng việc cho học sinh nghỉ học tiếp chắc chắn có gây xáo trộn, trở ngại cho ngành giáo dục và cả công việc, sinh hoạt của phụ huynh, của xã hội. Tuy nhiên, những điều đó không thể so sánh được với sức khỏe, sự an tâm, tin tưởng của nhân dân. Bởi những việc liên quan tới đông đảo người dân thì ngoài những yếu tố mang tính chuyên môn cũng phải đặc biệt lưu ý tới sự đồng thuận của nhân dân. Vì thế, cần cân nhắc thật kỹ lưỡng.
>>> Mời độc giả xem video Nhiều tỉnh, thành chính thức cho học sinh trở lại trường:
Đã có 33 tỉnh/thành cho học sinh đi học trở lại ngày 17/2:
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch virus corona (Covid - 19) của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này, có 33 tỉnh/thành phố báo cáo về Bộ cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2. Cụ thể là các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Giang. Hà Tĩnh, Hà Nam, Sóc Trăng, Tây Ninh, Đăk Nông, Hậu Giang, Bình Phước, Sơn La, Lâm Đồng, Trà Vinh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Yên Bái, Quảng Ngãi, Cà Mau, Đồng Nai, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Nam Định, Cao Bằng, Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Ninh Bình, Hòa Bình, Điện Biên, Đắk Lắk, Thừa Thiên – Huế.
Riêng tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến ngày 22/02/2020. Tỉnh Hưng Yên đã dự định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2, nay Hưng Yên cho học sinh nghỉ đến hết 23/2.
Hải Ninh