"Bóng hồng” tìm lại tương lai sau cánh cổng trại cai nghiện

Google News

Đằng sau cánh cửa trung tâm cai nghiện Xuân Phú (tỉnh Đồng Nai), nhiều “bóng hồng” lún sâu vào ma túy, phải bước chân vào trại để lại sau lưng sự hối hận muộn màng.
 

Vết trượt đầu đời
Chúng tôi gặp cô gái N.D.K.N. (SN 1990, quê tỉnh Đồng Nai) tại khu nữ của trung tâm cai nghiện Xuân Phú. Tiếp xúc với chúng tôi, N. khá nhanh nhẹn, hoạt bát và rất thân thiện nhưng trong ánh mắt cô gái ấy lại chất chứa đầy nỗi niềm sâu kín. N. chia sẻ, cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, thuộc dạng “có điều kiện”, bố mẹ đều có công việc ổn định. Do được gia đình bảo bọc, lo lắng chu đáo, chu cấp đầy đủ nên trong cuộc sống, N. sống không phải lo nghĩ gì đến tiền bạc.
Hồ sơ điều tra - Tâm sự của những 'bóng hồng' tìm lại tương lai sau cánh cổng trại cai nghiện
 Nhiều "bóng hồng" ân hận khi rơi vào vòng xoáy "nàng tiên nâu".
Được cha mẹ chiều chuộng, cung phụng, càng lớn, N. càng ăn chơi, lêu lổng theo bạn bè. N. sa vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng mặc bố mẹ nhiều lần can ngăn. Có điều, dù ham chơi bời, N. vẫn không quên nhiệm vụ học hành, vẫn cố gắng thi đậu vào trường đại học Lâm nghiệp (địa chỉ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Những ngày tháng sinh viên, N. cũng cố gắng chăm chỉ học hành. Nhưng rồi, N. vẫn bước chân vào con đường nghiện ngập. N. kể, ham đàn đúm, dự những cuộc chơi, N. bị bạn bè rủ chơi ma túy đá và heroin.
“Ban đầu, em muốn vui với bạn bè, muốn thể hiện mình nên mới dùng thử. Nhưng sau đó, càng ngày, em càng lấn sâu vào những cuộc vui thác loạn ấy, bị ma túy khống chế. Thanh xuân tươi đẹp của em coi như đã mất hết”, N. ngậm ngùi tâm sự.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về vết trượt của mình, cô gái ấy cho biết, sau 1 năm học tập tại trường đại học Lâm nghiệp, N. bị gia đình phát hiện đã nghiện ma túy nên đưa đi cai nghiện theo hình thức tự nguyện.
Sau những ngày tháng vật vã trong trung tâm, được sự giúp đỡ của cán bộ, nhân viên tại đây, N. cũng đã cắt cơn và cai nghiện thành công. Nhưng chỉ sau khi rời khỏi trại, N. lại tiếp tục ham chơi với bạn bè, ngập chìm trong những làn khói trắng. Và cách đây hơn một năm, cũng trong một tiệc vui với bạn, N. lại chơi ma túy. Lúc này, công an ập vào kiểm tra. N. bị bắt cùng nhiều người rồi đưa đi cai nghiện bắt buộc.
“Trước đây, thời điểm em bắt đầu chơi ma túy là lúc còn trẻ, suy nghĩ nông cạn, bồng bột, muốn thể hiện mình. Lâu dần, em bị ma túy khống chế, lúc nào cũng ảo giác, tinh thần rất tệ nên mặc kệ bố mẹ khuyên ngăn cứ thế lao vào cuộc vui. Nhiều lần nhìn bố mẹ lo lắng, đau khổ, nhưng em vẫn không thấy động lòng. Nhưng hiện nay, khi đã vào trại, được thầy cô dạy dỗ, khuyên nhủ, nghĩ lại những năm tháng nông nổi ngoài kia, em mới thấy mình sai lầm. Giờ em chỉ mong bản thân cải tạo, học tập thật tốt để sớm được ra ngoài kia, về với bố mẹ, làm lại cuộc đời. Em tự hứa với bản thân không thể để mình sa ngã thêm lần nào nữa”, N. nói với vẻ mặt, ánh mắt đầy quyết tâm.
Nể lời mời nên chơi thử
Chia tay cô gái ấy, chúng tôi gặp gỡ chị N.T.Th. (34 tuổi), chị T. vừa bị đưa vào trung tâm cai nghiện cách nay hơn 2 tháng. Ngồi thu mình trên chiếc ghế nhỏ, vẻ mặt ngần ngại, chị Th. e dè tâm sự với chúng tôi về bước đường sa ngã của mình.
Chị cho biết, hơn chục năm trước, chị lập gia đình tại quê nhà ngoài miền Bắc và đã có hai con, nhưng cuộc sống vợ chồng không mấy hạnh phúc. Kinh tế khó khăn cộng thêm việc không có công việc ổn định nên vợ chồng chị vẫn chưa có nhà riêng mà ở cùng bố mẹ chồng.
Tình cảm mẹ chồng nàng dâu của chị Th. cũng không mấy tốt đẹp khiến chị Th. thêm mệt mỏi. Trong khi đó, người chồng không hề chia sẻ, an ủi quan tâm, trái lại, anh thường xuyên gây chuyện, nhiều lần đánh đập chị. Chán nản cuộc sống không hạnh phúc, đầy cay đắng nên cách đây ít tháng, chị Th. bỏ quê vào Đồng Nai chơi cho đỡ buồn. Tại đây, trong một lần đi chơi với bạn bè và những người em quen biết, chị đã bị rủ rê giải sầu bằng ma túy. Và bi kịch bắt đầu từ đó.
Th. cũng nói thêm, những ngày qua, chị đã rất buồn, rất đau khổ khi tuổi đã lớn nhưng lại lầm lỡ như vậy. Cả tuổi trẻ sống nghiêm túc, không chơi bời, chỉ biết sống vì chồng con, cuối cùng lại sa ngã.
Chị Th. mong muốn sớm được ra ngoài để làm lại cuộc đời, kiếm tiền lo cho hai đứa con nên người. Chị cũng nhắn nhủ với những cô gái rằng, tất cả mọi chuyện khúc mắc trong cuộc sống đều có thể giải quyết, đừng bao giờ thử ma túy, dù chỉ một lần.
“Tôi tự thấy mình mất tất cả vì ma túy, vào đây càng thấm thía, càng đau khổ. Tôi rất ngại mỗi lần nghe thầy cô dạy dỗ khuyên nhủ bởi cay đắng lắm. Có trẻ nữa đâu mà lại nông cạn như vậy. Tôi mong rằng đừng ai dại dột, lầm lỡ như tôi”.
Việc tư vấn, giáo dục và quản lý người nghiện còn nhiều khó khăn

Về công tác cai nghiện bắt buộc, ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc cơ sở Điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai cho biết, hiện nay người nghiện ma túy ngoài xã hội khá đông,nhưng theo quy định của Nhà nước thì cơ sở chỉ có thể tiếp nhận hơn 700 người nghiện.

“Hiện nhiều người nghiện sử dụng các loại ma túy khác nhau, có quá nhiều loại ma túy nên việc phân loại, cắt cơn đòi hỏi phác đồ điều trị khác nhau, rất phức tạp, trong khi đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa về tâm thần, thần kinh lại còn thiếu. Đối tượng nghiện có nhiều tiền án, tiền sự chiếm tỉ lệ cao (chiếm khoảng 60%) dẫn đến việc tư vấn, giáo dục và quản lý khó khăn hơn”, ông Lịch nói.

Theo Nguyễn Nhâm/Vietnamnet