Bức tử thai nhi: "Cần coi đó là hành vi giết người”

Google News

Trước hành vi phá thai trái phép , thậm chí khi thai nhi đã lớn trên 22 tuần mà Báo Lao Động đã phản ánh trong loạt bài “Bức tử...

Trước hành vi phá thai trái phép, thậm chí khi thai nhi đã lớn trên 22 tuần mà Báo Lao Động đã phản ánh trong loạt bài “Bức tử thai nhi”, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã dùng những từ “độc ác”, “dã man”, “phẫn nộ”… để lên án hành vi trên. Đồng thời, ông Nhưỡng cho rằng những hành vi dã man đó cần bị xử tội giết người.

“Thật độc ác, dã man”!

Trong cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tỏ ra bức xúc sau khi xem xong phóng sự mà Báo Lao Động đã phản ánh tình trạng phá thai trái phép, những ca thai to trên 22 tuần tuổi (tức 5 tháng rưỡi) đã bị pháp luật nghiêm cấm, đang diễn ra khá ngang nhiên tại một số phòng khám sức khoẻ sinh sản trên địa bàn Hà Nội.

“Nếu là một người bình thường xem phóng sự này thì rất sợ, có cảm giác rất dã man. Chúng ta sống giữa xã hội văn minh lại có những việc làm không thể tưởng tượng được. Tôi quả thật rất phẫn nộ! Chắc chắn, nhiều người khi xem phóng sự này của Báo Lao Động sẽ có tâm trạng như tôi, thậm chí có những người còn thấy căm thù những hành vi này. Tôi có thể nói một điều là rất độc ác!” – ông Nhưỡng chia sẻ.

Buc tu thai nhi:

Những em bé may mắn được cứu từ các phòng khám khi người mẹ phá thai đã lớn. Ảnh: P.A.N

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng trăn trở: “Một thai đã 7 tháng tuổi thì vẫn có khả năng sống được. Trên thực tế, trong phóng sự của Báo Lao Động đã có nhiều cháu đã được cứu sống. Như vậy đã chứng minh rất rõ ràng đó là con người chứ không phải hài nhi vô tri vô giác. Rất tiếc là chưa có án lệ nào của Toà án nhân dân về vấn đề này. Giả sử Toà án nhân dân đã có một án lệ rằng hành vi của một bác sĩ hành nghề phá thai, mà thai nhi đó có sức sống, mà bác sĩ không muốn cứu thì phải xử đó là tội giết người” – ông Nhưỡng nói.

Cần có quy định rõ ràng về phá thai theo độ tuổi thai

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng luật, nước ta hiện nay không cấm phụ nữ có thai được phép phá bỏ. Tuy nhiên, đối với các cơ sở, trung tâm nạo phá thai trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá thai trái phép theo quy định tại Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 118 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 với mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 15 năm tù.

Tuy nhiên, với những quy định về bộ luật này chỉ được thực thi khi ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ chứ không liên quan đến thai nhi.

Theo ông Nhưỡng, mức xử phạt này còn quá nhẹ và chưa phù hợp với thực tế: “Hiện tại pháp luật nước ta không quy định việc phá thai to trên 22 tuần là hành vi giết người. Đây là một vấn đề đã gây ra khá nhiều tranh luận trong giới học thuật, cũng như trong thực tiễn. Bởi nhiều người cho rằng một hài nhi đã có đầy đủ thân hình, có sức sống và có khả năng sống thì phải coi là con người”.

Từ những thực tiễn như vậy, ông Nhưỡng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi và bổ sung thêm quy định về luật.

Buc tu thai nhi:

Với những thai nhi xấu số sẽ được đội thiện nguyện thu nhặt về làm lễ an táng. Ảnh: PV

Ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích, thai nhi 7 tháng tuổi đã hình thành con người cơ bản hoàn thiện, có khả năng cứu được, sống được thì phải coi đó là tội giết người chứ không thể coi là tội phá thai ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ. Do đó, cần có quy định rõ ràng, xem xét lại cấp độ phá thai giữa các tháng tuổi.

“Cấp độ phá thai có sự khác nhau giữa các tháng tuổi, chúng ta phải xem xét cấp độ này. Tôi mong muốn các nhà khoa học, y học, đặc biệt là những người liên quan đến sức khỏe sinh sản cần nghiên cứu một cách chu đáo, đầy đủ, toàn diện, đưa ra các cấp độ nhất định. Phải tách bạch trường hợp nào thì coi là có sự sống, coi hài nhi đó là một đứa trẻ em thực sự. Nếu chúng ta công nhận như thế được thì cứ ở thời điểm ấy mà phá thai dẫn đến cái chết của hài nhi thì phải coi đó là tội giết người”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị Đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị cần xem xét việc bảo vệ hài nhi, điều này phải được ưu tiên và đặt lên hàng đầu.

Các cơ quan quản lý không thể buông lỏng

Nói về việc để xảy ra những tình trạng này, ông Nhưỡng cho rằng trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về địa phương. Các cấp uỷ, chính quyền cho đến các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng để cho hiện tượng này xảy ra trên địa bàn quản lý mà không nắm được thì phải xem xét lại. Bởi nếu thắt chặt đầu ra, thanh tra kiểm tra thường xuyên chặt chẽ, xử phạt một cách nghiêm minh đối với các cơ sở phá thai trái phép, câu chuyện nạo phá thai sẽ giảm đi.

Buc tu thai nhi:

Phòng khám Phương Thanh số 85 đường Giải Phóng (Hà Nội) chuyên nhận phá thai to. Ảnh: PV

Cùng với đó, khi các cơ sở nạo phá thai mọc ra nhiều vô hình trung tạo ra tâm lý không tốt cho những người quan hệ tình dục trước hôn nhân và nạo phá thai kể cả khi thai đã hình thành nên một con người.

“Về mặt chính sách thì đây là cả một quy trình. Vấn đề này, tôi sẽ có ý kiến với Ủy ban về Các vấn đề xã hội Quốc hội để thực hiện việc giám sát và có ý kiến với một số cơ quan có thẩm quyền. Bước đầu phải có sự nghiên cứu để chúng ta hoàn thiện dần chính sách” – ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.

Hành động cứu sống thai nhi đã vượt qua tầm đạo đức thông thường

“Qua phóng sự của Báo Lao Động cho thấy đã có nhiều thai nhi được cứu sống. Các cháu được cứu bằng toàn bộ tâm đức của những người có lương tri. Điều này vượt qua tầm đạo đức thông thường. Do đó, để nước ta hạn chế tình trạng nạo phá thai trái phép thì pháp luật cần xem xét nghiên cứu, điều chỉnh. Phải xử lý đối với những người cố tình nạo phá thai trái phép, cố tình hủy hoại những thai nhi có tuần tuổi cao, có khả năng sống sót” - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Theo Báo Lao Động