Chiều 10-4, tại phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của QH trong tháng 3.
Lo lắng ma túy vào Việt Nam qua tiếp viên hàng không
Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm về Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị làm cơ sở cho QH, HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh, chức vụ do QH, HĐND các cấp bầu và phê chuẩn.
Cử tri cũng quan tâm về các quy định, kết luận, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lựa chọn đội ngũ cán bộ có tâm, có đức, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân để phát triển đất nước.
|
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày nội dung cử tri quan tâm trong tháng 3. Ảnh: THUẬN THẮNG |
Cũng theo ông Dương Thanh Bình, cử tri và nhân dân cả nước phản ánh và lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra. Cạnh đó là việc ma túy tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam thông qua tiếp viên hàng không; người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo bằng việc thông báo chuẩn hóa thông tin cá nhân của thuê bao di động, nhập mật khẩu theo đường link ngân hàng. Đặc biệt là lạm phát có khả năng xảy ra khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023…
Cử tri bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về tình hình giải ngân đầu tư công, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I-2023 ở một số khu vực kinh tế trọng điểm sụt giảm đáng kể…
Đánh mạnh vào hành vi lừa đảo qua mạng
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho hay Bộ Công an thống nhất về việc cử tri phản ánh, lo lắng tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng; tình trạng ma túy tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam qua tiếp viên hàng không; việc đòi nợ thuê, tín dụng đen…
Thứ trưởng Bộ Công an dành phần lớn thời gian nêu giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng mạng viễn thông, mạng di động để lừa đảo, trường hợp đòi nợ thuê núp bóng công ty luật khủng bố tinh thần người vay, người thân của họ, tác động lớn đến trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể, ngay sau khi nhận được phản ánh của cử tri, Bộ Công an đã kịp thời báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhóm giải pháp giúp phòng ngừa tốt hơn với nhóm tội phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê trái pháp luật.
Bộ cũng đã chỉ đạo lực lượng công an phân tích rõ bản chất của các nhóm tội phạm này, nhất là tội phạm đòi nợ thuê trái pháp luật là cưỡng đoạt tài sản, không phải là khủng bố, vu khống.
Phá hai vụ án lớn, đòi nợ kiểu khủng bố giảm hẳn
Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị địa phương phá nhiều vụ án, trong đó có hai vụ án điển hình.
Thứ nhất là vụ án cưỡng đoạt tài sản liên quan Công ty Luật TNHH Pháp Việt có trụ sở tại TP.HCM. Công ty này có hành vi cưỡng đoạt thông qua việc đòi nợ trái pháp luật.
Ông Lê Quốc Hùng cho hay đây là hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, quy trình chặt chẽ và các đối tượng đòi nợ theo ba cấp độ. Thứ nhất, gọi điện thoại chửi bới khách vay, đe dọa, yêu cầu trả tiền. Thứ hai, đe dọa giết người thân, đăng ảnh bôi nhọ hoặc đe dọa cho mất việc đối với những người đang có việc làm. Thứ ba, mang quan tài đến cơ quan, tổ chức để đe dọa, đặt bình gas, đặt xăng chở đến cơ quan, nhà trường nơi có con cái của người vay ăn học, uy hiếp tinh thần.
“Những hành vi trên gây bức xúc, lo lắng với người dân, nhất là người dân có vay nợ với các tổ chức tín dụng và ngân hàng” - ông Lê Quốc Hùng nói và thông tin đến nay Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 54 bị can, trong đó có hai phó giám đốc Công ty TNHH Pháp Việt, 20 trưởng phòng, một thư ký và 31 nhân viên công ty này.
Vụ án thứ hai, theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, từ tháng 11-2022 đến nay, Bộ Công an đã rốt ráo chỉ đạo Công an TP.HCM phối hợp với công an địa phương triệt phá sáu nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty tài chính như Công ty TNHH MTV Mirae Asset, Công ty Luật TNHH River Law Chi nhánh TP.HCM, Công ty TNHH MTV Tiếng Nói Hay, Công ty CP Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty TNHH Luật Thế Hệ Trẻ, Công ty CP Đầu tư kinh doanh F88.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố 64 bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản với các hành vi nói trên, tiến hành kiểm tra hành chính một số cơ quan, đơn vị khác như Công ty TNHH Dịch vụ Galaxy, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam, Công ty CP Điện lực Easy Credit, Công ty Tài chính Shinhan…
“Sau khi phá vụ án ở Tiền Giang và TP.HCM, một số tổ chức núp bóng công ty đòi nợ thuê trái pháp luật này đã có những hoạt động co gọn lại, chuyển địa bàn và nhiều hành vi ứng phó” - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nói.
Cũng theo ông Lê Quốc Hùng, sau khi phá hai vụ án này, hành vi núp bóng công ty luật, công ty tài chính đòi nợ thuê trái pháp luật, triển khai các hành vi đe dọa khủng bố trên mạng xã hội cũng như đe dọa khủng bố tinh thần của người vay nợ đã giảm hẳn trên cả nước, tạo sự đồng tình, ủng hộ lớn cho người dân.
Hạ tiêu chuẩn về PCCC thì hậu quả rất lớn
Ông Dương Thanh Bình cho hay cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó công tác PCCC với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Việc này được thực hiện sau khi một số vụ việc hỏa hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke.
Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo PCCC chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh, làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp...
Hồi đáp sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định về PCCC. “Nếu chúng ta hạ mức các tiêu chuẩn về PCCC thì hậu quả liên quan là rất lớn, vì liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân” - ông Lê Quốc Hùng nói.
Tuy nhiên, ông cho hay Bộ Công an sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung theo từng trường hợp cụ thể.
Theo Đức Minh/PLO