- Thưa bà, những vụ việc sàm sỡ trong thang máy xảy ra thời gian qua rõ ràng dấy lên vấn đề về giảng dạy giới tính trong nhà trường. Quan điểm của bà như thế nào về việc giảng dạy những kiến thức này cho học sinh trong trường?
- Tôi thấy rằng nhận thức xã hội đã thay đổi, không phải trước kia ít vụ việc sàm sỡ bé gái như thế này xảy ra, chỉ có điều có người chưa dám nói ra, không dám nói ra, nhiều người xấu hổ, cố tình che giấu hoặc nghĩ rằng có thể bỏ qua. Tôi cũng phải nói rằng đây là một lỗ hổng trong giáo dục, môn Giáo dục công dân có một phần nói đến, môn Sinh học còn e dè, các thầy cô giáo dạy về giáo dục giới tính còn né tránh.
Dù bản thân tôi luôn cố gắng lồng ghép, đưa vào các bài giảng về giới tính nhưng trong xây dựng chương trình, kể cả chương trình mới vẫn còn hổng. Tôi nghĩ rằng phải có một môn để học sinh ngay từ đầu ý thức được về vấn đề bảo vệ thân thể.
|
Bà Phạm Thái Lê, giáo viên Trường Marie Curie. Ảnh: Cường Ngô |
Tuy nhiên học sinh ở trường cũng chỉ được giáo dục trên một nền tảng nào đó, ở đây sự quan tâm, trò chuyện của các mẹ rất cần thiết. Những lời chia sẻ, trò chuyện hay kinh nghiệm mẹ truyền cho con là rất quan trọng.
- Theo bà đánh giá, những bộ môn về giáo dục thể chất có vai trò như thế nào và đang được giảng dạy ra sao trong các nhà trường?
- Bản thân tôi thấy rằng nhiều bộ môn quan trọng nhưng đang bị xem nhẹ trong nhà trường là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất… những môn học này đang bị biến thành các môn học phụ. Trong khi đó các môn khoa học kỹ thuật, môn Lý, môn Hóa, môn Toán, môn Văn được coi là các môn chính. Nhưng nó sẽ biến học trò thành những con robot, nếu xem trọng khoa học kỹ thuật quá khiến sự nhân văn, cái nghệ thuật ở trong con người bị giảm đi. Chừng nào vẫn còn coi trọng các bộ môn khoa học kỹ thuật, trẻ sẽ xem nhẹ các môn về Thể chất, Giáo dục thẩm mỹ, Âm nhạc.
Nếu như trẻ chưa được rèn luyện một thể chất khỏe mạnh, thì dù có trí thông minh, được đào tạo toàn diện về khoa học kỹ thuật cũng chưa thể trở nên toàn diện.
- Trong quá trình giảng dạy của mình, bà có sáng kiến gì để giúp học sinh có thể nhận thức được vấn đề giới tính?
- Là người làm giáo dục, suốt mấy chục năm đi dạy tôi luôn hướng tới việc truyền đạt cho học sinh, đặc biệt là các bé gái khả năng tự vệ. Lồng ghép vào trong các bài học về vấn đề xâm hại để dạy cho các con.
Vấn đề này tôi dạy trẻ hàng ngày, trong các bài giảng của mình tôi luôn dạy học sinh kỹ năng mềm như nhìn thẳng, phòng vệ, để các con đánh giá được đối tượng, trong những tình huống nguy hiểm học sinh phải dám nhìn thẳng, phải dám nói những lời mạnh mẽ. Không chống cự được thì các con phải nói bằng lời với một thái độ dứt khoát, bằng sự rắn rỏi các con phải biết kêu cứu. Khi cần thiết có thể cắn "yêu râu xanh", bỏ chạy, hét lên gọi tên người thân.
Tôi cũng dạy trẻ rằng ra đường nên ăn mặc kín đáo để người khác không nổi lên lòng ham muốn. Tôi vẫn nói với học sinh rằng điều quan trọng nhất vẫn là năng lực hành vi, đôi khi bản thân ở trong thế yếu nhưng nếu hành vi của mình dứt khoát, toát lên được sự nghiêm túc thì cũng sẽ hỗ trợ bản thân nhiều trong trường hợp gặp phải nguy hiểm.
Tôi nghĩ rằng sự trang bị đó không chỉ đến từ phía nhà trường mà quan trọng đến từ gia đình, cha mẹ phải trò chuyện cùng các con.
Theo Nguyễn Hà - Cường Ngô/Lao động