Cuộc sống bất hạnh trong căn lều dột nát
Căn nhà làm từ những vật liệu cũ kỹ, mục nát, mái tôn chỉ cách đầu người chừng 20 cm nằm sát cơ sở 2 của trường THCS Trần Quang Khải, đường Nguyễn Thế Truyện, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú (TP.HCM) là nơi trú ngụ của 3 đứa trẻ vừa mất đi người mẹ hiền.
Nhìn lên bàn thờ, bé Thanh Thảo (16 tuổi) cho biết: “Đó là mẹ và ba con. Bây giờ 3 chị em con mồ côi cả cha lẫn mẹ”. Trong căn nhà lụp xụp tối tăm, Thảo xót xa kể về hoàn cảnh khốn khó của gia đình mình.
|
Phú Trung, Thanh Thảo, Thanh Tuyền (từ trái sang) - Ảnh: Internet |
Cách đây 17 năm, mẹ em là chị Nguyễn Thị Sen từ Quảng Nam vào TP.HCM mưu sinh kiếm sống. Chính tại vùng đất này, chị đã gặp gỡ rồi nên duyên với anh Nguyễn Phú Quí. Vợ chồng anh chị sinh được 3 đứa con. Khó khăn luôn đeo bám gia đình nheo nhóc. Khổ cực nhất là việc cả gia đình không có một mái nhà để ở. Lúc này, chính quyền địa phương đã giúp vợ chồng anh chị dựng tạm túp lều trên mảnh đất trống để có nơi che nắng mưa.
|
Túp lều dựng tạm trên đất công của gia đình chị Sen - Ảnh: Internet |
Năm 2005, nghề đạp xích lô cực nhọc khiến anh Quí bị lao lực. Không lâu sau đó, anh qua đời vì căn bệnh lao phổi để lại chị Sen cùng 3 đứa con thơ. Đứa nhỏ nhất mới chỉ 8 tháng tuổi. Chị đi giúp việc ở các gia đình và phục vụ ở các quán ăn để trang trải cuộc sống.
Một mình gồng gánh qua những tháng ngày khó khăn nhất, các con chị cũng dần khôn lớn và đều được đến trường. Con gái Thanh Thúy (con riêng của chị với người chồng trước) lúc này đã có thể đi làm phụ mẹ nuôi các em. Căn lều dựng tạm của mấy mẹ con chị ngày càng xuống cấp. Mùa mưa, nước tuôn xối xả. Căn nhà lênh láng nước, mấy mẹ con thực sự thấm thía cảnh sống chung với lũ cực nhọc ra sao.
Động viên các con, chị Sen lại tự vực dậy bản thân tiếp tục cuộc sống. Thế nhưng, càng lao động chị càng cảm thấy mệt nhọc. Đến khi sức cùng lực kiệt vì lồng ngực quá đau, chị mới dành tiền đi khám. Lúc này, chị đau đớn biết mình bị ung thư vú giai đoạn cuối.
Dự cảm thời gian sống của mình không còn lâu, chị gửi con gái Thanh Thảo và con trai Phú Trung vào chùa Bửu Sơn (huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Con gái Thanh Tuyền được gửi vào một ngôi chùa ở thị xã Đồng Xoài (Bình Phước).
Mong có nơi trú ngụ và được làm giấy tờ tùy thân
Sau khi gửi các con vào chùa, bệnh tình của chị Sen ngày một nặng hơn.
“Mỗi năm, chúng con được cho về thăm mẹ một lần. Lần đầu về, sức khỏe của mẹ kém lắm. Mẹ không còn đi làm và hàng ngày nhiều phật tử thiện nguyện cùng bà con xung quanh đã đến thăm và làm vệ sinh cho mẹ.
Bệnh của mẹ cứ thế nặng dần. Tháng 6/2017, chúng con về thăm mẹ lần thứ 2. Lần này mẹ mừng lắm. Có đủ các con bên cạnh, mẹ như phấn chấn hẳn lên. Được một tuần, bệnh mẹ trở nặng. Chúng con đứng quanh mẹ. Mẹ nhìn chúng con rồi thở mạnh rồi lịm dần... ", Thảo kể lại với PV Vietnamnet.
Gạt nước mắt, Thảo kể tiếp câu chuyện dang dở: "Mẹ mất, chúng con chính thức là trẻ mồ côi. Đám tang của mẹ được chính quyền địa phương và bà con lối xóm lo chu đáo”.
Từ ngày mẹ ra đi, 3 đứa trẻ phải tự chăm sóc bản thân. Các em xin thầy trụ trì chùa cho về với gia đình. Thảo và Tuyền tiếp tục đi học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Phú. Trung đi làm cho một quán nhậu đến tận khuya. Cô chị cả cùng mẹ khác cha Thanh Thúy đi làm cho một siêu thị gần nhà, thay mẹ lo cho 3 đứa em.
“Niềm mong muốn của chúng con trong lúc này là được làm CMND và có được chỗ ở tốt hơn để có điều kiện lo chuyện hương khói cho ba mẹ", Thảo giãi bày.
Một cán bộ phường Tân Sơn Nhì cho biết: “Hoàn cảnh của 3 đứa trẻ mồ côi thật đáng thương. Thế nhưng các cháu không có một mảnh giấy nào xác định nhân thân vì khi còn sống cha mẹ các cháu không nghĩ đến nên rất khó trong việc cấp CMND.
Điều quan trọng nhất là nơi chốn trú ngụ. Mảnh đất để dựng căn nhà mà 3 cháu đang ở là đất công chắc chắn sẽ bị thu hồi. Giải pháp hay nhất trong lúc này là gửi các cháu vào trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi nhưng liệu các cháu có chấp nhận không?".
Theo Minh Cát/Phụ nữ Sức khỏe